Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường BĐS phát triển, tính minh bạch là điều tất yếu

Thuần Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường bất động sản Việt Nam nhìn chung đã phát triển mạnh và nóng qua nhiều năm, nhưng hệ thống quản lý và khai thác dữ liệu thông tin thị trường bất động sản (BĐS) chưa phát triển tương ứng.

Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam xung quanh vấn đề này.

TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam.
TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam.

Ông đánh giá thế nào về việc ứng dụng công nghệ để minh hóa thị trường BĐS Việt Nam?

 - Tôi cho rằng, việc ứng dụng công nghệ 4.0 và áp dụng đối với các thành phần tham gia thị trường BĐS là chưa thật sự hiệu quả. Trong bối cảnh thông tin đa chiều, trong đó có cả thông tin sai lệch, gây nhiễu loạn thị trường, Hội môi giới BĐS Việt Nam đã nhiều năm nỗ lực trong công tác nghiên cứu thị trường.

Hội đã phát hành hàng quý, năm ấn phẩm “Báo cáo tình hình thị trường BĐS Việt Nam” để phục vụ cung cấp thông tin cho thị trường một cách trung thực, đầy đủ và khách quan. Tuy nhiên, Hội cũng tự đánh giá hoạt động này chưa thực sự tối ưu vì chưa khai thác và ứng dụng triệt để công nghệ 4.0 vào hoạt động nghiên cứu và cung cấp các thông tin về thị trường bất động sản.

Việc Hội môi giới BĐS Việt Nam vừa chính thức ra mắt hệ thống thông tin trên trang https://vars.com.vn, như một bước khởi đầu trong chiến lược chuyển đổi số nhằm phục vụ các hội viên, và thành viên của thị trường tốt hơn và góp phần vào việc nâng cao chất lượng của thị trường BĐS thời gian tới.

Trải qua những khó khăn do dịch Covid-19, nhưng BĐS được dự báo triển vọng rất tích cực trong 20 năm tới dựa trên quá trình đô thị hóa và nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Cá nhân ông đánh giá ra sao?

 - So với các nước châu Á, mức tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam vẫn là một điểm sáng nổi bật cho dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 năm 2021. Với dự báo tăng trưởng duy trì ở mức 6 - 7% trong thập kỷ tới, Việt Nam là một trong những nền kinh tế vừa nhỏ có sức tăng trưởng tốt nhất châu Á với lợi thế về quy mô dân số, cơ cấu dân số trẻ, mức đô thị hóa, và sức tăng tiêu dùng đều được đánh giá ở mức cao so với các nước trong khu vực.

Đây là những lợi thế cạnh tranh tương đối bền vững giúp cho BĐS Việt Nam vẫn duy trì được một nhịp tăng trưởng nhất định ngay cả trong trạng thái nền kinh tế vừa trải qua đóng cửa vì Covid-19 trong gần 2 năm qua.

Tăng trưởng kinh tế, như kinh nghiệm từ các nước phát triển, sẽ dẫn tới sự bùng nổ của thị trường BĐS nhà ở và dịch vụ. Và đó cũng chính là những gì thị trường Việt Nam đã chứng kiến trong gần 2 thập kỷ trở lại đây. 

Nhìn từ góc độ của nhà đầu tư, thực cầu và cơ hội ở Việt Nam là rất hấp dẫn, trải đều trong các lĩnh vực BĐS từ nhà ở, văn phòng, phân khúc bán lẻ, cho đến kho vận, khách sạn du lịch. Sức hút này có thể tạo ra những giai đoạn bùng nổ về xây dựng khó tránh khỏi và thị trường tốt sẽ có khả năng tự điều tiết cung cầu. 

Bức tranh thị trường BĐS thời gian tới sẽ lạc quan hơn khi các hoạt động kinh tế phục hồi trở lại. (Ảnh: Công Hùng)
Bức tranh thị trường BĐS thời gian tới sẽ lạc quan hơn khi các hoạt động kinh tế phục hồi trở lại. (Ảnh: Công Hùng)

Với thị trường BĐS phát triển, tính minh bạch là điều tất yếu, mức tăng trưởng ổn định sẽ đảm bảo các thành viên thị trường thu được lợi nhuận. Nhưng với thị trường mới nổi như Việt Nam, sự thiếu minh bạch và chuẩn mực trong giao dịch, trong việc hợp tác với các đối tác nội địa, lại là một trong những rủi ro lớn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tiêu chí để đánh giá về minh bạch, ngoài những chuẩn mực về định giá, thông tin giao dịch thị trường, còn bao gồm cả việc đánh giá về độ tin cậy của dịch vụ môi giới BĐS trên thị trường. 

Việt Nam được đánh giá vẫn là một điểm sáng trên bức tranh đầu tư ngày càng khó khăn của châu Á và thế giới. Liệu Việt Nam có thể nắm lấy cơ hội này, tiếp tục đẩy mạnh sự thay đổi về chất cho thị trường BĐS?

- Tôi tin là có thể, nếu chúng ta thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, hướng tới các dịch vụ cung cấp thông tin minh bạch thị trường, xã hội hóa các công tác quản lý, và có sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước, hội ngành nghề và doanh nghiệp.

Đây cũng là một trong những mục tiêu hướng tới của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, không chỉ trong nỗ lực ra mắt hệ thống thông tin, mà còn xuyên suốt trong cả chương trình hành động của hội trong nhiều năm tới.

Và tôi cho rằng, dù dịch bệnh vẫn còn, nhưng giai đoạn khó khăn nhất của thị trường đã qua, bức tranh thị trường BĐS thời gian tới sẽ lạc quan hơn khi các hoạt động kinh tế phục hồi trở lại. Trong dài hạn có nhiều yếu tố giúp thị trường phát triển, bao gồm tốc độ phát triển dân số, đô thị, sự phát triển cơ sở hạ tầng, sự tăng trưởng về thu nhập, sự hội nhập của nền kinh tế... sẽ là động lực thúc đẩy thị trường BĐS phục hồi và phát triển minh bạch hơn.

Xin cảm ơn ông!