Theo đó, năm 2017, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, đặc biệt, dòng vốn nước ngoài vào cao nhất 10 năm qua. Năm 2018, tăng nguồn cung và chất lượng hàng hóa là giải pháp quan trọng để TTCK Việt Nam ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Vốn ngoại vào chứng khoán cao nhất 10 nămTheo báo cáo của UBCKNN, năm 2017, thanh khoản thị trường tăng 66% từ hơn 3.000 tỷ đồng năm 2016 lên gần 5.000 tỷ đồng năm 2017. Chỉ số VN-Index và HNX-Index tăng lần lượt 48% và 46%, đạt mức cao nhất trong 10 năm. Quy mô vốn hóa toàn thị trường đạt 3,5 triệu tỷ đồng, tăng 80,5% và tương ứng 70,2% GDP của năm 2017.
|
Khách hàng theo dõi thông tin chỉ số tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng |
Đặc biệt, dòng vốn nước ngoài vào ròng cao nhất 10 năm qua với tổng giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK đạt 46.700 tỷ đồng. Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài đạt mức cao nhất từ trước đến nay (tăng 90% so với cuối năm 2016). Sự tham gia tích cực của nhà đầu tư nước ngoài đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo tính thanh khoản cho TTCK. Trong tháng 1/2018, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng với tổng giá trị đạt 7.200 tỷ đồng. Số tài khoản của nhà đầu tư trong năm đạt 1,92 triệu tài khoản, tăng 12% so với cuối năm trước. Trong đó, tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài tăng 16%, tài khoản của nhà đầu tư tổ chức tăng 14%.
Về vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài, bà Vũ Thị Chân Phương - Phó Chủ tịch UBCKNN cho hay, hiện, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, Nghị định 60 đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu đến 100% vốn của các DN, trừ các ngành nghề có điều kiện. “Đây là bước đột phá của Chính phủ trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, việc thực hiện còn một số điểm cần bổ sung, sửa đổi như DN vận dụng tỷ lệ sở hữu nước ngoài chưa thống nhất và thay đổi thường xuyên, gây khó khăn cho việc xác định tỷ lệ sở hữu danh mục ngành nghề kinh doanh. Luật đầu tư quy định nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 51% cũng cần xem xét thêm để phù hợp với sự biến động tỷ lệ liên tục khi nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu” - bà Phương nói.
Cải thiện chất lượng nguồn cungPhát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, định hướng các vấn đề trọng tâm của ngành chứng khoán trong năm 2018 và những năm tiếp theo gồm: Tập trung xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu TTCK. Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ cổ phần hóa, sắp xếp lại DNNN. Đặc biệt, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, giám sát, quản lý thị trường, tạo điều kiện cho thị trường tuân thủ quy định pháp luật cao, thực sự là thị trường minh bạch...
Theo các nhà đầu tư, để phát triển và tái cấu trúc TTCK, tăng cung hàng hóa cho thị trường và cải thiện chất lượng nguồn cung là một giải pháp quan trọng. Đại diện Tổng Công ty Hàng không Việt Nam cho hay, để tiếp tục phát triển thị trường, cần kiểm soát chất lượng hàng hóa, đảm bảo tính minh bạch và thông tin đầy đủ của DN. Bên cạnh đó, giảm tối đa tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo để không bị lạm dụng, tạo ra chuỗi sở hữu phức tạp, khó kiểm soát dẫn đến các nguyên tắc quản trị DN không được tôn trọng. Đặc biệt, hoàn thiện hệ thống chuẩn mực kế toán để nâng cao chất lượng báo cáo tài chính và các thông tin giải trình kèm theo.
Để tăng cung và chất lượng nguồn cung trên thị trường, năm 2018, UBCKNN tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn DNNN gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch. Đồng thời tăng cường rà soát, xử lý kịp thời các DN không tuân thủ việc niêm yết, đăng ký giao dịch sau cổ phần hóa; tăng kiểm tra, giám sát về tính minh bạch các thông tin trong báo cáo tài chính của các công ty đại chúng…