Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường chứng khoán: Cổ phiếu ngành nào “hót” dịp cuối năm?

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Mặc dù thị trường tài chính thế giới đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất. Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang có những phiên giảm. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng một số ngành vẫn đang khá tích cực để đầu tư.

Yếu tố thuận lợi và rủi ro trên thị trường

Khi thị trường chứng khoán đón nhận thông tin bất lợi là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng mạnh lãi suất cơ bản đồng USD lên mức cao, giao dịch ký quỹ (margin) giảm, khiến tình trạng thanh khoản trên thị TTCK thấp.

Mặc dù, TTCK đang có những phiên điều chỉnh giảm, nhưng một số tổ chức tài chính lớn trên thế giới nhận định kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt trong năm nay.

Dựa trên kết quả phân tích triển vọng kinh tế, chuyên gia chứng khoán của Công ty CP Chứng khoán SSI cho biết, một số ngành vẫn có tốt độ tăng trưởng tích cực, hỗ trợ cổ phiếu tăng giá.

Triển vọng ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam. Ảnh nguồn VNDIRECT.
Triển vọng ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam. Ảnh nguồn VNDIRECT.

Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) và cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức ngày 21/9 tại Hà Nội; ông Andrew Jeffries cho biết, ADB giữ nguyên dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay, tiếp theo là tăng tốc lên 6,7% vào năm 2023.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,2% trong quý 4/2021, 5,1% trong quý 1/2022, và 7,7% trong quý 2/2022, khi người tiêu dùng thỏa mãn những nhu cầu dồn nén trước đó và số lượt du khách quốc tế gia tăng.

Tuy nhiên, triển vọng tích cực trên vẫn phụ thuộc vào những rủi ro đang gia tăng, đe dọa đến viễn cảnh phục hồi của TTCK Việt Nam đó là các ngân hàng trung ương tăng mạnh lãi suất.

Tiêu biểu nhất là Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng liên tục 3 đợt, mỗi đợt tăng 0,75% lãi suất.Kỳ họp 21-22/9, Fed đã quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 75 điểm cơ bản lên 3% đến 3,25%. Mức tăng này đã được thị trường dự báo từ trước.

Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất trong cuộc họp lần này là những quan điểm cập nhật của Fed về lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Dự kiến, Fed thắt chặt chính sách tiền tệ, với mức tăng lãi suất điều hành có thể lên mức 4,25-4,5% vào cuối năm 2022.

Các ngân hàng trung ương tăng lãi suất, khiến dòng tiền giảm lưu thông trên thị trường. Các doanh nghiệp hạn chế vay để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp nếu phải vay để duy trì sản xuất sẽ tăng chi phí đầu vào, do đó tăng trưởng chậm lại, ảnh hưởng đến lợi nhuận, báo cáo kết quả kinh doanh.

Nhà đầu tư thận trọng

Các chỉ số chứng khoán, thanh khoản thị trường phục hồi tích cực trong tháng 8/2022 với giá trị giao dịch bình quân/phiên trên 3 sàn đạt 18.541 tỷ đồng, tăng 35,6% so với tháng 7.

Tuy nhiên, những phiên giao dịch trong tháng 9, thanh khoản thị trường có xu hướng giảm, giá trị giao dịch bình quân phiên trên 3 sàn chỉ khoảng gần 17.000 tỷ đồng, giảm khoảng 8-8,5% so với tháng 8. Điều này cho thấy, dòng tiền trên thị trường vẫn khá dè dặt. Nhất là kể từ khi Fed tăng mạnh lãi suất vào ngày 22/9, TTCK thế giới chìm trong sắc đỏ liên tục mấy ngày qua, bao gồm chứng khoán Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong…

Nhà đầu tư trong nước cũng hạn chế vay margin. Theo Công ty chứng khoán SSI, dư nợ cho vay margin tại các công ty ghi nhận tình trạng hạ “nhiệt”. Tổng dư nợ margin toàn thị trường hơn 150.000 tỷ đồng cuối quý II/2022. Ước tính, nhu cầu vay margin chưa hồi phục, hiện thấp hơn 30 - 40% so với mức đỉnh, trong khi lượng tiền mặt trong tài khoản của nhà đầu tư cá nhân có xu hướng sụt giảm.

Những nhóm ngành tăng trưởng tốt cuối năm

Dù có những bất lợi khi thị trường tiền tệ bị thắt chặt, song một số chuyên gia chứng khoán vẫn đánh giá triển vọng tăng trưởng tích cực ở một số ngành kinh tế của Việt Nam. Điều này có lợi cho TTCK Việt Nam vào cuối năm.

Theo SSI, ngành bất động sản khu công nghiệp (KCN), cuối năm 2022 kỳ vọng lợi nhuận sau thuế sẽ tăng trưởng 47.3% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này dựa vào các yếu tố như: Nhu cầu đất công nghiệp được kỳ vọng sẽ phục hồi tích cực khi nền kinh tế tiếp tục phục hồi sau dịch. Giá thuê dự kiến tiếp tục tăng trung bình 8-20% so với cùng kỳ (tùy khu vực). Dư địa phát triển rất nhiều từ nguồn FDI đổ vào Việt Nam.

Cụ thể, nhiều tỉnh thành tiếp tục là nơi thu hút nhiều vốn FDI trong nửa đầu 2022, bao gồm: Bình Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng. Các quốc gia dự kiến có nguồn vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong các tháng đầu năm nay là Singapore, Hàn Quốc, Đan Mạch.

Các khu công nghiệp dự kiến lập đầy 80% mặt bằng. Ảnh nguồn SSI.
Các khu công nghiệp dự kiến lập đầy 80% mặt bằng. Ảnh nguồn SSI.

Dự báo tỷ lệ lấp đầy trên 80%, và có thể sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao từ 80 – 90% trong 3 năm tới. Nhu cầu thuê nhà kho/xưởng xây sẵn tiếp tục tăng ở các doanh nghiệp ngành hậu cần, logistics Việt Nam có lợi thế lớn về quỹ đất KCN với vị trí đắc địa cho hoạt động giao thương kinh tế giúp thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Khu vực miền Nam có quỹ đất KCN thương phẩm lớn nhất với hơn 30.000 ha, theo sau là khu vực miền Bắc với 18,000 ha. Trong 10 năm tới, diện tích KCN dự kiến mở rộng lên 115.000 ha, với khoảng 558 KCN. Những DN bất động sản KCN sẽ được hưởng lợi từ chính sách thu hút vốn FDI của Chính phủ như: IDC, SZC, ITA, NTL, KBC, IDV, HPI, D2D…

Cùng với đó, các DN sản xuất và xuất khẩu hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt giá trị xuất khẩu trong tháng 8 tăng mạnh 39,4% so với tháng 7 và tăng 13,5% so với cùng kỳ.

Ngành hàng sản xuất máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện cũng có trị giá xuất khẩu tăng 25,4% so với tháng trước và tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngành hàng dệt may cũng tăng mạnh giá trị xuất khẩu 6 tháng liên tiếp trên 3 tỷ USD và lần đầu tiên đạt mốc 4 tỷ USD vào tháng 8. Xuất khẩu nhóm hàng dệt may 8 tháng/2022, đóng góp lớn thứ 2 vào tăng xuất khẩu cả nước với 5,14 tỷ USD. Nhóm ngành giày dép các loại, trong tháng 8/2022 cũng có trị giá xuất khẩu tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngoài ra, các nhóm ngành gạo, sắt thép, thủy sản đều có tăng trưởng dương so với tháng trước và cùng kỳ năm ngoài. Theo Công ty Chứng khoán VNDIRECT, các DN ngành xuất khẩu gạo Việt Nam có triển vọng và thu lợi nhuận cao vào cuối năm khi Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Chuyên gia khuyến cáo, khi mà dòng tiền bơm vào mạnh, do kinh tế vĩ mô tốt, nhiều thông tin tích cực hỗ trợ, thị trưởng hưởng lợi thì cổ phiếu nào mua vào cũng có thể có lợi nhuận, tỷ lệ thành công cao. Tuy nhiên, khi thị trường gặp khó, khi mà dòng tiền bị rút ra. Nhưng vẫn còn đó những ngành đang dẫn dắt kinh tế Việt Nam đi lên mạnh mẽ như kể trên.

Do đó, nhà đầu tư không nên quá bán cổ phiếu khi kinh tế Việt Nam vẫn tích cực, DN Việt vẫn vững vàng vượt “sóng” lạm phát, “bão” giá, do chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ linh hoạt, phù hợp với từng điều kiện thực tế của trong nước và quốc tế.

Nhà đầu tư không nên tập trung tối đa nguồn lực vào mã chứng khoán nào mà nên đầu vào những cổ phiếu ngành đang tăng trưởng lợi nhuận, quan sát và mua – bán vào thời điểm thích hợp.