Giảm thuế VAT xăng dầu – tạo hiệu ứng tốt tới cả nền kinh tế
Kinhtedothi – Xăng, dầu là mặt hàng thiết yếu, đầu vào của nhiều ngành sản xuất, vì vậy, việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho mặt hàng này được kỳ vọng sẽ giúp bình ổn giá xăng, dầu, tạo hiệu ứng tốt lan tỏa tới cả nền kinh tế.
Giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm
Tại Kỳ họp thứ 9, Chính phủ đã trình Quốc hội Tờ trình về dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT. Điểm mới đáng chú ý là đề xuất giảm thuế VAT với xăng, dầu từ 10% xuống 8%, áp dụng trong giai đoạn từ 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026. Đây là lần đầu tiên mặt hàng xăng vốn thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt được đưa vào nhóm hàng hóa được giảm thuế VAT.

Lần đầu tiên xăng, dầu được đề xuất giảm thuế VAT.
Trong bối cảnh giá điện tăng cao, căng thẳng thuế đối ứng từ Mỹ… đề xuất bổ sung xăng, dầu vào đối tượng giảm thuế VAT là một tin vui với DN. Bởi, giảm thuế sẽ góp phần giảm trực tiếp giá bán lẻ xăng, dầu trong nước, từ đó giảm áp lực lên chi phí vận chuyển và sản xuất của DN. Nhờ đó, giá cả hàng hóa thiết yếu có cơ hội ổn định hơn. Với người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi trực tiếp khi chi phí xăng, dầu – một trong những khoản chi tiêu đáng kể hàng tháng giảm xuống. Điều này có thể kích thích tiêu dùng nội địa, góp phần phục hồi kinh tế trong giai đoạn tới.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Đỗ Văn Bằng chia sẻ, xăng dầu chiếm tỉ lệ cao trong giá thành của ngành vận tải, gồm vận tải khách và logictics. Nếu được áp dụng giảm 2% thuế VAT với xăng, dầu sẽ là giải pháp hữu hiệu cho việc phát triển kinh tế chung và ngành vận tải nói riêng. Bởi, chi phí năng lượng là một trong những yếu tố chính khiến giá thành sản phẩm đội lên, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường quốc tế. Nếu giá xăng dầu được duy trì ở mức hợp lý nhờ chính sách giảm thuế, DN sẽ có thêm dư địa để giảm giá thành và tăng lợi nhuận.
Cũng đồng tình với đề xuất bổ sung xăng, dầu vào đối tượng giảm thuế VAT, TS. Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chỉ ra, nhóm hàng hóa thiết yếu như xăng, dầu vốn có tác động lan tỏa đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế. Vì vậy, khi giá thành xăng dầu giảm sẽ giúp nhiều DN giảm chi phí đầu vào, từ đó giảm giá thành, tăng sức tiêu thụ hàng hóa mạnh hơn. Nếu chúng ta kéo dài chính sách này thì sẽ tăng tiêu dùng trong nước, giảm chi phí cho DN, từ đó giúp hỗ trợ phần nào tăng trưởng.
Chia sẻ về cơ sở để đưa ra đề xuất trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu ý kiến, mặc dù mặt hàng xăng thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và mặt hàng dầu thuộc sản phẩm dầu mỏ tinh chế, tuy nhiên đây là những mặt hàng quan trọng đối với nhiều ngành sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống người dân. Do đó, giá xăng, dầu tăng hoặc giảm sẽ đều có tác động trực tiếp đến sản xuất, tiêu dùng trong nước và ổn định kinh tế vĩ mô.
Không nên chỉ trông chờ vào công cụ thuế
Hiện trong cơ cấu giá xăng, dầu cơ sở, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế, gồm: thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Ngoài các khoản thuế nêu trên, mỗi lít xăng còn phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, mức trích lập quỹ bình ổn và lợi nhuận của DN.
Để hạ giá thành xăng, dầu, ngoài giảm thuế VAT, nhiều ý kiến đề xuất giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng này. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị COP 26 cho mục tiêu giảm khí phát thải về 0 vào năm 2050. Đây là cam kết đầy thách thức với Việt Nam. Hiện tại các nước châu Âu đang thực hiện rất quyết liệt với nhiều biện pháp để giảm phát thải.
Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, tại Việt Nam, với cam kết giảm phát thải về 0 vào năm 2050 thì đối với mặt hàng xăng càng không thể không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Do đó, theo dự thảo Luật, mặt hàng này vẫn tiếp tục chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ 7-10%.
PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, việc Chính phủ cân đối được thu chi ngân sách để đề xuất giảm thuế VAT cho xăng, dầu là một nỗ lực rất lớn, góp phần chia sẻ gánh nặng cùng người dân, DN. Tuy nhiên, cũng không nên quá trông chờ vào công cụ thuế để bình ổn giá xăng, dầu. Việc giảm thuế chỉ là một giải pháp tình thế ngắn hạn để hỗ trợ người dân và DN. Hơn nữa, yếu tố quyết định lớn nhất đến giá xăng, dầu vẫn là biến động của thị trường dầu mỏ quốc tế. Trong trường hợp giá dầu thô tiếp tục tăng cao, mức giảm VAT 2% có thể không đủ để bù đắp chi phí, khiến giá bản lẻ vẫn khó hạ nhiệt như kỳ vọng.
Vấn đề căn bản vẫn là làm sao ổn định nguồn cung và quản lý giá xăng dầu một cách hiệu quả. Nếu không có các biện pháp điều tiết tổng thể, việc giảm VAT chỉ mang tính tạm thời, khó tạo ra hiệu quả lâu dài. Thị trường xăng, dầu cần vận hành theo kinh tế thị trường và xu hướng của thế giới. Khi tham gia vào kinh tế thị trường này, tất cả đều phải tuân thủ theo luật chơi và chấp nhận rủi ro. Do vậy, nếu muốn xây dựng thị trường xăng, dầu mang tính thị trường thì chúng ta cũng dần dần để giá cả đi theo đúng quy luật thị trường.

TS Lê Quốc Phương: Giảm thuế, tăng nhập hàng Mỹ là “át chủ bài”
Kinhtedothi - Tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ là một trong những biện pháp chính để đạt được thỏa thuận về thương mại Việt - Mỹ. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, TS Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tincông nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục giảm mạnh thuế cho những mặt hàng Việt Nam có nhu cầu nhập như máy bay, khí hóa lỏng, ô tô, thiết bị công nghệ, phần mềm...

Xóa bỏ thuế khoán - tạo bình đẳng trong kinh doanh
Kinhtedothi – Từ 1/1/2026 sẽ chính thức xóa bỏ chính sách thuế khoán đối với hộ kinh doanh. Đây là bước đột phá trong quản lý thuế, nhằm minh bạch hóa hoạt động của hộ kinh doanh, tạo sự bình đẳng về chế độ thuế trong kinh doanh, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành DN.

Giảm thuế xuất khẩu clanhke xi măng xuống 5%
Kinhtedothi - Mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng clanhke xi măng được giảm từ 10% xuống còn 5% trong thời gian từ nay đến hết năm 2026 nhằm hỗ trợ ngành xi măng trong nước đang gặp nhiều khó khăn.