Hạn chế nhà đầu tư nước ngoài là lạc hậu
Thông tin được quan tâm nhất là việc Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Vũ Bằng cho biết, tháng 7, cơ quan này sẽ trình Chính phủ Dự thảo Quyết định về việc tham gia của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam. Trong đó, nội dung đáng chú ý nhất là Công ty CP đại chúng được tăng tỷ lệ sở hữu (room) của NĐT nước ngoài thêm 10% nhưng dưới hình thức cổ phiếu không có quyền bỏ phiếu. Ngoài ra, Bộ Tài chính lựa chọn và báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm một số công ty niêm yết quy mô lớn, không thuộc ngành nghề cần hạn chế để nâng tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ ký ban hành nghị định thay thế quy định về việc giới hạn tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam. Theo đó, trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện cơ cấu lại hệ thống, Thủ tướng sẽ quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các NĐT nước ngoài và người có liên quan tại một tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn quy định 30% đối với từng trường hợp cụ thể. Nhiều NĐT nước ngoài cũng đồng loạt đề nghị Việt Nam nên nới room một cách mạnh mẽ hơn.
Nhà đầu tư tham khảo thông tin tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Ảnh: Phạm Yên
Trước tình cảnh khó khăn về vốn, bí bách về đầu ra của nhiều DN, nới rộng tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài nên được coi là một giải pháp hữu hiệu. Trên thực tế, không phải bây giờ vấn đề nới room mới được đặt ra. Trước đây, chủ trương này đã bị chặn lại với lý do nếu làm vậy các DN kinh doanh tốt của Việt Nam sẽ rơi vào tay NĐT nước ngoài. Tuy nhiên, nếu nhìn vào môi trường đầu tư của Việt Nam và thế giới hiện nay sẽ thấy quan điểm trên khá lạc hậu. Hơn nữa, việc nới room không thực hiện một cách tràn lan mà được điều chỉnh bằng những biện pháp kỹ thuật, đơn cử như Bộ Tài chính hoặc Thủ tướng xem xét các trường hợp cụ thể tại các DN lớn, hoặc việc bán cổ phần không có quyền biểu quyết và chỉ bán cho các tổ chức vốn có thế mạnh về năng lực quản trị và tài chính…
Cần thực hiện sớm và có bước đột phá
Tổng Giám đốc một công ty quản lý quỹ chuyên quản lý vốn cho các NĐT Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, việc nới room cần thực hiện sớm, vì hiện nay Việt Nam đang ở trong cuộc cạnh tranh khốc liệt về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nếu xét trên 2 sàn, quỹ của ông chỉ tìm thấy khoảng 50/hơn 500 DN niêm yết có đủ tiêu chí để xem xét khả năng bỏ vốn. Trong khi đó, rất nhiều DN trong số 50 đơn vị này đã cạn room ngoại, nên khả năng bỏ vốn của tổ chức nước ngoài là hạn hẹp.
Theo ông Dominic Scriven - Tổng Giám đốc Dragon Capital, mục tiêu của việc tăng room cho NĐT nước ngoài bằng cổ phiếu không có quyền biểu quyết để thu hút thêm vốn ngoại vào TTCK. Tuy nhiên, khi đầu tư, NĐT đều muốn tham gia vào công tác điều hành hay có đóng góp ý kiến nhằm cải thiện tình hình quản trị để thúc đẩy hoạt động phát triển hơn. Do đó, loại cổ phiếu này chỉ phù hợp cho một vài DN thực sự tốt và có tốc độ tăng trưởng cao, đi kèm với chính sách cổ tức hấp dẫn mới đủ sức thu hút được NĐT tham gia khi phát hành mới. Vì vậy, nếu muốn thu hút thêm vốn của họ, nên tăng room mà không phải hạn chế ở số cổ phiếu không được biểu quyết. Có thể đưa ra những điều kiện linh hoạt khác như tỷ lệ cổ phiếu sẽ được quyền biểu quyết theo thời gian nắm giữ của NĐT. Khi đó sẽ tạo ra sự sôi động hơn trên thị trường.
Sự kỳ vọng vào vốn ngoại nếu có mở room ở thời điểm này sẽ khó tạo một làn sóng tăng đồng loạt, nhưng sẽ tạo ra động lực để nhiều NĐT nội quan tâm đến TTCK vốn có không ít DN kinh doanh tốt và đang khát vốn.