Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường chứng khoán Mỹ trượt mạnh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 40,72 điểm, tương ứng 0,4%, xuống đóng cửa ở mức 11.478,13 điểm.

Thị trường chứng khoán Mỹ trượt mạnh trong phiên giao dịch 13/10, do tác động từ báo cáo lợi nhuận quý 3 đầy bất lợi của JPMorgan Chase & Co. Tuy nhiên, sự thăng tiến mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu công nghệ đã ngăn chặn phần nào mức thua thiệt của thị trường.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 40,72 điểm, tương ứng 0,4%, xuống đóng cửa ở mức 11.478,13 điểm. Cổ phiếu của JPMorgan giảm tới 4,8%, kéo theo sự đi xuống của cổ phiếu nhiều nhà băng khác, như Citigroup hạ 5,3%, Morgan Stanley trượt 4,4% và Bank of America 5,5%.

JPMorgan là ngân hàng lớn đầu tiên của Mỹ báo cáo doanh lợi quý 3. JPMorgan thường được xem là ngân hàng thuộc nhóm mạnh nhất ở Mỹ, vì thế kết quả kinh doanh của nhà băng này có ảnh hưởng rất lớn tới thị trường. Theo công bố hôm qua, thu nhập của JPMorgan giảm 4%.

Cùng chiều với chỉ số Dow Jones, chỉ số S&P 500 giảm 3,59 điểm, tương ứng 0,3%, xuống 1.203,66 điểm. Nhóm cổ phiếu tài chính thuộc chỉ số này trượt 2,4%, mạnh nhất trong 10 nhóm cổ phiếu ngành thuộc S&P 500 là nguyên nhân chủ chốt khiến chỉ số này quay đầu đi xuống.

Ngoài những vấn đề kinh tế Mỹ, phiên hôm qua, nhà đầu tư cũng thất vọng với báo cáo cho biết thặng dư thương mại của Trung Quốc đã thu hẹp tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 9 vừa qua. Điều này cho thấy kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm hơn dự báo và có thể tác động tới xuất khẩu của Mỹ.

Tuy nhiên, đà giảm của thị trường đã chững lại, nhờ sự đi lên mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu công nghệ. Cũng nhờ sự đi lên này, chốt phiên giao dịch đêm qua, chỉ số Nasdaq Composite ngược dòng tăng 15,51 điểm, tương ứng 0,6%, lên mức 2.620,24 điểm. Đáng chú ý, cổ phiếu Yahoo tăng 1%.

Không may mắn như thị trường chứng khoán Mỹ, các sàn châu Âu đỏ rực trong phiên 13/10. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 38,42 điểm, tương ứng 0,71%, xuống 5.403,38 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp cùng DAX của Đức đồng loạt mất 1,33% xuống các mức lần lượt là 3.186,94 điểm và 5.914,84 điểm.

Đóng cửa trước đó, hầu hết các sàn châu Á - Thái Bình Dương tăng điểm phiên thứ 6 liên tiếp, nhờ kỳ vọng của giới đầu tư vào khả năng các quan chức châu Âu sẽ giải quyết được khủng hoảng nợ. Chỉ số MSCI khu vực tăng 1,2% lên 117,57 điểm. Tính chung 6 phiên vừa qua, chỉ số này đã tăng được 9,5%.

Thị trường Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong một tháng qua, với chỉ số Nikkei 225 cộng 84,35 điểm, tương ứng 0,97%, lên 8.823,25 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tiến 0,78% lên 2.438,79 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông vọt mạnh 2,34% lên mốc 18.757,80 điểm.

Chỉ số Taiex của thị trường Đài Loan tăng 45,98 điểm, tương ứng 0,62%, lên chốt ở 7.428,33 điểm. Chỉ số Kospi của thị trường Hàn Quốc cộng 13,60 điểm, tương ứng 0,75%, đóng cửa ở mức 1.823,10 điểm. Ngược dòng, chỉ số Straits Times của Singapore lùi nhẹ 3,78 điểm, xuống còn 2.733,97 điểm.