Không để chứng khoán rơi tự do
Được thành lập từ tháng 7/2000, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam hiện có 710 công ty niêm yết, 5 loại chứng chỉ quỹ đầu tư và 500 loại trái phiếu niêm yết, với giá trị vốn hoá thị trường đạt 36,5% GDP năm 2010. Tuy vậy, trong suốt 4 năm trở lại đây, sự giảm điểm liên tục xảy ra, cùng với những khó khăn của kinh tế vĩ mô mà đỉnh điểm là chính sách thắt chặt tiền tệ năm 2011 đã đẩy thị trường vào tình trạng trì trệ. Đến những ngày cuối năm 2011, VN-Index sắp về mốc 300 điểm, HNX về 50 điểm, 70% cổ phiếu trên 2 sàn có giá dưới mệnh giá. Theo con số từ UBCK, chỉ số giá CK cuối năm 2011 giảm 24% so với năm 2010. Đã có những DN niêm yết chán nản và tuyên bố rời sàn.
Trong con mắt các NĐT, hàng hóa trên TTCK chưa thực sự hấp dẫn. Trong số 710 công ty niêm yết/đăng ký giao dịch chỉ có 368 công ty (khoảng 50%) có vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng; Chất lượng của các công ty niêm yết chưa cao, đặc biệt là quản trị công ty và tính công khai, minh bạch. Trong thời kỳ khó khăn, đặc biệt là giai đoạn 2010 - 2011 nhiều công ty niêm yết làm ăn thua lỗ.
Chờ hành động cụ thể
Điều đáng mừng là trước thời điểm hội nhập toàn diện (1/1/2012), cơ quan quản lý đã phát đi nhiều thông điệp hứa hẹn về một cuộc tái cấu trúc sâu rộng diễn ra trên TTCK năm 2012: Triển khai giao dịch T+2; phân loại và tái cấu trúc hoạt động khối Công ty chứng khoán (CTCK); cho phép công ty quản lý quỹ nội địa cung cấp sản phẩm quỹ mở… Về tái cấu trúc TTCK, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, bao gồm nhiều vấn đề, như nâng cao chất lượng hàng hóa kết hợp với việc đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán; bảo đảm tính công khai, minh bạch, đồng thời thu hẹp số lượng các tổ chức tài chính trung gian. Việc tái cấu trúc được thực hiện theo lộ trình, không làm xáo trộn hoạt động của TTCK.
Để làm được điều này, việc nghiên cứu lộ trình tăng tỷ lệ sở hữu của các NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam theo các cam kết quốc tế (WTO và các hiệp định thương mại đầu tư song phương và khu vực) đang được đặt ra. Cơ quan quản lý cũng sẽ rà soát lại chính sách thuế đối với các NĐT có tổ chức và cá nhân khi đầu tư vào TTCK theo hướng bình đẳng, minh bạch, khuyến khích đầu tư dài hạn.
Không dễ để TTCK hồi phục trở lại khi kinh tế chung còn nhiều khó khăn, DN đang chịu nhiều áp lực. Tuy nhiên, việc nhìn ra những tồn tại yếu kém của thị trường và có hành động cụ thể của cơ quan quản lý đang được nhiều NĐT kỳ vọng sẽ giúp thị trường ổn định và khởi sắc hơn.
Bộ Tài chính đã có văn bản trình Thủ tướng về tình hình cũng như các giải pháp tổng thể phát triển TTCK, kể cả phối hợp giữa ngành tài chính và Ngân hàng Nhà nước để quản lý thị trường và thúc đẩy thị trường phát triển. Sắp tới việc cổ phần hóa DNNN sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt với các DN lớn, chất lượng hàng hóa trên TTCK sẽ cao hơn. Bộ cũng đang xây dựng Đề án về đầu tư gián tiếp, nghiên cứu tăng cường tính thống nhất thị trường, cơ cấu lại Sở GDCK, thực hiện theo hướng hợp nhất, phù hợp với xu hướng mô hình tổ chức trên thế giới và khu vực. Ông Vương Đình Huệ Bộ trưởng Bộ Tài chính
|