Còn nhiều thách thức
Theo Công ty Cổ phần chứng khoán SSI, trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn còn gặp nhiều thách thức, trong bối cảnh Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ, chiến tranh Nga-Ukraine kéo dài, chính sách “không Covid” của Trung Quốc đang tác động đến TTCK toàn cầu cũng như ở Việt Nam. Tính trong 5 tháng, TTCK Mỹ và TTCK Việt Nam đều đã giảm gần 14% so với đầu năm, cho thấy các thách thức này đã phần nào đã phản ánh vào giá cổ phiếu.
TTCK trong nước đang có một số ngành gặp khó khăn nhất định. Theo SSI, thị trường bất động sản dự kiến có những điều chỉnh trong thời gian tới do mặt bằng giá đã ở mức cao, trong bối cảnh lãi suất đảo chiều tăng. Thị trường bất động sản là nơi có dòng tiền lớn lưu chuyển. Vì vậy, “sức khỏe” của thị trường này sẽ có liên quan tới thị trường tài chính nói chung, trong đó có TTCK và các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên TTCK.
Còn theo VNDiRect Research, giá lúa mì, ngô và khô đậu tương trên thị trường thế giới tăng từ gần 10% đến 42,7% so với cùng kỳ năm 2021, kéo theo chi phí nguyên vật liệu đầu vào cho ngành chăn nuôi tăng. Trong khi đó, giá lợn hơi trong nước dự kiến giảm 5,8% so cùng kỳ 2021. VNDiRect Research nhận định, năm 2022 vẫn đầy thách thức với các DN sản xuất thịt và là năm phục hồi chậm sau Covid-19 do giá lương thực tăng ảnh hưởng đến giá nguyên liệu đầu vào của ngành chăn nuôi.
Tìm cơ hội đầu tư ở đâu?
Tuy nền kinh tế có những mảng màu kém tươi sáng như các DN ngành chăn nuôi, bất động sản, nhưng chích sách mở cửa của Việt Nam kể từ tháng 3/2022 đang giúp cho một số ngành đang phục hồi tích cực. Theo VNDiRect Research, ngành dịch vụ Việt Nam đã khởi đầu mạnh mẽ trong quý2/2022 với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 4/22 đạt 445.494 tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng tháng cao nhất kể từ tháng 5/2021.
VNDiRect Research cho rằng, dịch vụ ăn uống được cải thiện trong tháng 4/2022 đã đẩy giá lợn hơi tăng nhẹ 1,9% so với tháng trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 6,9% so với tháng trước lên 45,5 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 14,8% so với cùng kỳ. Nhu cầu ăn uống tại chỗ ngày càng tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ thịt phục hồi, hỗ trợ giá lợn hơi trong những tháng cuối năm 2022.
Chuyên gia tại SSI Research cho biết: Động thái của khối ngoại đã nâng đỡ cho TTCK hồi phục từ mức thấp trong tháng 5. Tổng dòng vốn quỹ ETF trong tháng 5 bơm ròng gần 4.900 tỷ đồng vào thị trường, nâng tổng giá trị dòng vốn lũy kế từ đầu năm lên 6.700 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các quỹ chủ động đảo chiều bơm ròng 272 tỷ đồng trong tháng 5. Tuy nhiên, việc tỷ trọng giao dịch của khối ngoại đang có xu hướng quay lại mức cao do thu hẹp giao dịch từ khối nhà đầu tư cá nhân có thể khiến động lực hồi phục của thị trường suy yếu. Lạm phát dự kiến cũng chịu áp lực cao dần trong các quý tới.
Theo SSI, dù có phần thận trọng hơn về triển vọng của thị trường trước các thách thức hiện tại, nhưng nhà đầu tư vẫn có những yếu tố để kỳ vọng. Cụ thể, nửa cuối 2022 mức tăng trưởng của những ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh dự kiến ở mức tích cực so với cùng kỳ thấp năm ngoái, giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ được đẩy nhanh hơn. Gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng là một động lực cho tăng trưởng nếu sớm được triển khai đúng định hướng.
Nhìn chung, trong ngắn hạn TTCK chưa có động lực đi lên mạnh mẽ, nhưng những biến động mạnh trên TTCK sẽ mang lại cơ hội ở các ngành hồi phục sau đại dịch và không bị ảnh hưởng nhiều bởi lạm phát tăng cao như dầu khí, cảng biển và vận tải, hóa chất, tiêu dùng không thiết yếu, công nghệ thông tin…
SSI đưa ra quan điểm kỹ thuật về nhịp hồi phục hiện tại chỉ số VN-Index sẽ ở khu vực 1.280 điểm là xu hướng của chỉ số này trong giai đoạn tháng 6. Nếu vẫn duy trì trên khu vực này, chỉ số VNIndex nhiều khả năng sẽ mở rộng đà hồi phục kỹ thuật lên vùng 1.300 -1.330 điểm. Ngược lại, nếu xuyên thủng vùng 1.280 điểm, chỉ số VNIndex khả năng sẽ điều chỉnh trở lại với vùng hỗ trợ gần là 1.261 – 1.250 điểm.