Thị trường chứng khoán: Vẫn đối mặt nhiều thử thách

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nửa đầu tháng 5, thị trường chứng khoán (TTCK) đã đón nhận những thông tin tích cực như việc hạ lãi suất đồng loạt của các ngân hàng lớn, gói hỗ trợ thị trường BĐS 30.000 tỷ đồng cùng với việc Đề án thành lập Công ty mua bán nợ quốc gia (VAMC) đang được triển khai quyết liệt để hỗ trợ giải quyết vấn đề nợ xấu của các ngân hàng.

Tuy nhiên, TTCK vẫn chưa có sự bứt phá mạnh. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ xung quanh các vấn đề trên .

Thị trường chứng khoán: Vẫn đối mặt nhiều thử thách - Ảnh 1

Dù đã đón nhận nhiều thông tin tích cực, nhưng thị trường chứng khoán vẫn chưa có sự bứt phá mạnh. Trong ảnh: Nhà đầu tư theo dõi cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Ảnh: Trần Việt

Việc lãi suất hạ bao giờ cũng là thông tin tích cực đối với TTCK. Ông đánh giá thế nào về những phiên giao dịch chứng khoán gần đây?

- Về lý thuyết, việc giảm lãi suất sẽ tác động đến TTCK trên hai giác độ. Thứ nhất, tạo cơ hội tăng đầu tư với chi phí rẻ cho doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư (NĐT). Thứ hai, giúp giảm chi phí cho các DN, qua đó làm tăng lợi nhuận, khiến cổ phiếu của các DN trở nên hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, đến nay TTCK chưa thể bứt lên được vì vẫn đang trong giai đoạn tích lũy. Hiện nay, tâm lý NĐT vẫn đang thận trọng. Đối với phần lớn người dân, chứng khoán vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, có thể thấy lãi suất ngân hàng dù giảm nhưng vẫn là lựa chọn ưu tiên thời gian qua. Chứng khoán vẫn đang phải đối mặt với những thử thách tiếp theo do NĐT muốn nhìn thấy những chuyển dịch thực sự từ nền kinh tế.

 Việc xử lý nợ xấu đang được triển khai mạnh với việc nỗ lực thành lập Công ty xử lý nợ xấu (VAMC), gói hỗ trợ cho thị trường BĐS trị giá 30.000 tỷ đồng có hiệu lực từ ngày 1/6 có thể là động lực cho thị trường chứng khoán?

- Nợ đọng, nợ xấu còn nhiều khiến tín dụng không thể tăng trưởng nổi. Với cơ chế của VAMC theo dự thảo thì nợ xấu sẽ được chuyển rất nhanh từ các tổ chức tín dụng sang công ty này. Như vậy, VAMC trước hết sẽ góp phần trong sạch bảng tổng kết tài sản của các ngân hàng. Tuy vậy, nó chỉ là một phần của giải pháp thôi. Sau đó, vẫn phải có những giải pháp khác nữa để thúc đẩy tín dụng cho DN và nền kinh tế. Còn với gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng vừa được công bố, theo tôi, nó chỉ hâm nóng được một phân khúc nhà ở, kích thích thị trường, cải thiện tâm lý người tiêu dùng, không thể giải cứu toàn bộ thị trường BĐS được. Trong khi các DN đã nhìn thấy bất cập về giá BĐS nhưng không thể mạnh tay giảm sâu vì rất nhiều lý do.

Thị trường chứng khoán: Vẫn đối mặt nhiều thử thách - Ảnh 2

Nhà đầu tư giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.Ảnh: Phạm Hậu

 

Vậy đâu là những nhân tố để TTCK có thể bứt phá thời gian tới?

- TTCK đang trong giai đoạn khá nhạy cảm và khó nắm bắt khi chỉ số lên xuống khá thất thường. Có thể thấy, trong ngắn hạn, động lực của thị trường vẫn chưa cao, tuy vậy dài hạn vẫn có nhiều tin hỗ trợ. Số liệu tổng hợp từ Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho thấy, chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất đầu vào đã giảm, đến nay đã rơi xuống dưới 3%. Hiện tại mức lạm phát giảm, tỷ giá ổn định và lãi suất tiền gửi về cơ bản tương đương năm 2007. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% đã đưa ra nhưng sau 4 tháng vẫn tăng rất thấp nên theo tôi, dư địa giảm lãi suất vẫn còn. Việc giảm lãi suất nói chung trên thị trường sẽ tạo nên xu hướng giảm lãi suất cho vay giao dịch ký quỹ (margin) trong khối công ty chứng khoán để hỗ trợ NĐT trong thời gian tới.

Nhìn về dài hạn, chứng khoán có thể là đích đến của sự chuyển dịch dòng tiền trong nền kinh tế. Có thể thấy, những người có nhiều tiền đang gửi tại ngân hàng thật khó tìm ra kênh đầu tư nào hiệu quả. Trong các kênh đầu tư hiện nay, vàng - ngoại tệ là tương đối rủi ro, BĐS vẫn đang khó khăn. Bên cạnh đó, so với vàng hay BĐS, chứng khoán có thể dễ dàng mang lại lợi nhuận trong thời gian ngắn.

Chính phủ đang cố gắng để vực dậy nền kinh tế đã và đang trải qua thời kỳ khó khăn, trong đó nổi bật là nguy cơ lạm phát đình đốn với mắt xích quan trọng là nợ xấu và hàng tồn kho. Khả năng bứt phá của TTCK có lẽ cần chờ đợi thêm thời gian khi độ trễ các chính sách vĩ mô kết thúc cũng là khoảng thời gian để các DN và nền kinh tế có được hình ảnh hồi sinh rõ nét và chắc chắn hơn.

Theo ông, nhà đầu tư nên xem xét đầu tư vào nhóm cổ phiếu nào?

- Với lãi suất tiết kiệm giảm, kinh tế đang đi vào giai đoạn phát triển chậm nhưng bền vững hơn thì việc đầu tư vào các ngân hàng thương mại, các công ty sản xuất kinh doanh có năng lực cạnh tranh tốt, giá CP hợp lý sẽ tạo một cơ hội đầu tư dài hạn, mức sinh lợi (bao gồm cả cổ tức) vượt trội so với gửi tiết kiệm và giá trị cổ phiếu được đảm bảo.

Xin cảm ơn ông!