Thị trường đang “thanh lọc” những doanh nghiệp yếu kém

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn một thập kỷ phát triển mạnh mẽ về số lượng kể từ khi Luật Doanh nghiệp (DN)...

Kinhtedothi - Sau hơn một thập kỷ phát triển mạnh mẽ về số lượng kể từ khi Luật Doanh nghiệp (DN) 1999 có hiệu lực, xu hướng giảm sút về số lượng DN thành lập mới bắt đầu xuất hiện từ năm 2011 với số lượng đăng ký mới là 77.548, giảm 7,2% so với năm 2010 và đến năm 2012, số lượng này còn 69.874, tiếp tục giảm 9,9%. Tuy nhiên, xu hướng "thanh lọc" được thể hiện rõ nét nhất trong năm 2013, khi số lượng DN đăng ký mới lại tăng cao đạt 76.955, tăng 10,1% so với năm 2012, nhưng tổng số vốn đăng ký chỉ đạt 398.681 tỷ đồng, giảm 14,7% so với 2012 và giảm sâu so với 513.700 tỷ đồng của năm 2011.

Khó khăn là dịp để “thanh lọc”

Cùng với những biến động trong thành lập mới DN, số lượng giải thể, ngừng hoạt động trong năm 2013 tiếp tục tăng so với 2012. Cụ thể, trong năm 2013 có 60.737 DN phải giải thể, ngừng hoạt động, tăng 11,9% so với 2012 và tăng 12,5% so với 2011. Số DN gặp khó khăn phải rút lui khỏi thị trường ngày càng lớn cho thấy những thách thức của nền kinh tế đang dần loại khỏi thị trường các DN yếu kém, không đủ sức tồn tại, hoặc không kịp thay đổi để thích nghi với điều kiện mới. Điều này được thể hiện rõ nét khi nhìn về mặt tổng thể, năm 2013 là năm của những biến động lớn đối với DN Việt Nam, khi cùng lúc số lượng DN giải thể và đăng ký mới đều tăng cao. Năm qua, DN Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn, thách thức của thị trường và đang tìm hướng đi để tiếp tục tồn tại và phát triển. Song vẫn có những "điểm sáng" khi 14.402 DN gặp khó khăn rơi vào tình trạng ngừng hoạt động của năm 2013 đang quay trở lại.

 
Những thách thức của nền kinh tế đang loại khỏi thị trường các doanh nghiệp yếu kém.  Trong ảnh:  Sản xuất ống thép tại Khu công nghiệp Bắc Ninh. Ảnh: Huy Hùng
Những thách thức của nền kinh tế đang loại khỏi thị trường các doanh nghiệp yếu kém. Trong ảnh: Sản xuất ống thép tại Khu công nghiệp Bắc Ninh. Ảnh: Huy Hùng
Ở một góc khác, khi đánh giá tình hình đăng ký DN trong 10 năm trở lại đây, số DN đăng ký mới dù chững lại và có xu hướng giảm, nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Theo số liệu thống kê từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN (Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ KH&ĐT), trong giai đoạn 2008 - 2013 đã có 457.400 DN được thành lập mới, tăng 30% so với số lượng DN của cả giai đoạn từ 1991 - 2007.

Cùng với sự gia tăng về số lượng, quy mô vốn đăng ký của DN cũng tăng trưởng nhanh chóng. Vốn đăng ký bình quân một DN tăng từ 962 triệu đồng/DN vào năm 2000 lên 3,13 tỷ đồng/DN vào năm 2006 (tăng khoảng 3,2 lần) và đạt 5,86 tỷ đồng năm 2010. Thông qua các số liệu thống kê cũng cho thấy, các doanh nhân đang ngày càng thận trọng hơn với mỗi đồng vốn đưa vào thị trường. Điều này cho thấy DN Việt Nam đang thực sự chuyển mình, đổi mới chiến lược kinh doanh và sẵn sàng chấp nhận thách thức để tồn tại, chờ đợi cơ hội phát triển.

Bên cạnh chính sách là nỗ lực của mỗi doanh nghiệp

Những bất cập và yếu kém của thị trường bộc lộ trong thời gian qua đang đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải cùng nghiên cứu, đổi mới thể chế kinh tế để có những phát triển phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính bền vững lâu dài. Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, một số chính sách cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho DN, trong đó có việc đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường, tạo điều kiện tối đa cho DN khi thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Thời gian qua, Chính phủ cũng như các bộ, ban, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN khi thành lập, giải thể, thực hiện các dự án đầu tư và cụ thể hóa các giải pháp chính sách trong quá trình sửa đổi Luật DN, Luật Đầu tư trong năm 2014. Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng cũng đang hướng dần được đến việc ưu tiên cho nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao…

Thời gian tới, Chính phủ dự kiến đưa Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa vào hoạt động; Hình thành mạng lưới hệ thống thông tin hỗ trợ, khuyến khích DN nhỏ và vừa tham gia phát triển công nghiệp hỗ trợ, các chương trình liên kết ngành, vùng, tham gia vào chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia. Xu hướng phát triển thị trường nhằm tăng tính cạnh tranh, minh bạch hóa thông tin và kích thích tiêu dùng đối với các mặt hàng, công tác xúc tiến thương mại tiếp tục được thực hiện mạnh mẽ đang tạo sức hỗ trợ không nhỏ cho các DN trong việc mở rộng thị trường trong nước, tiếp cận thị trường nước ngoài…

Tuy nhiên, bên cạnh những chính sách trên, không thể thiếu vai trò của DN. Mỗi DN cần phải có những bước đi chủ động và linh hoạt để đối phó với các thách thức ngày càng lớn của thị trường. Các DN, đặc biệt là DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân cần xây dựng chiến lược kinh doanh với tầm nhìn dài hạn hơn, cần khai thác sức mạnh nội tại và khả năng đổi mới không ngừng để thích nghi. Để đối phó với khó khăn, những giải pháp trong việc chọn lựa được sản phẩm mũi nhọn, đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu thị trường và nhu cầu tiêu dùng, áp dụng công nghệ mới trong sản xuất kinh doanh… luôn cần được mỗi DN quan tâm để khẳng định vị trí của mình trên thương trường.

 
 Thạc sĩ Bùi Anh Tuấn - Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ KH&ĐT

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần