Thị trường di động: Nhạc chờ thời lạm phát

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khi giá xăng lên 21.300 đồng một lít từ cuối tháng 3, trên cộng đồng mạng xuất hiện ngày càng nhiều các clip tự chế than thở chuyện giá cả tăng cao.

KTĐT - Khi giá xăng lên 21.300 đồng một lít từ cuối tháng 3, trên cộng đồng mạng xuất hiện ngày càng nhiều các clip tự chế than thở chuyện giá cả tăng cao.

"Xăng tăng kèm giá nhà tăng. Sinh viên lo lắng đi tìm bạt mua. Hỏi mua bạt để làm gì. Xin thưa mua bạt để căng làm lều". Đây là một trong số nhiều bản nhạc chờ thời lạm phát mà các hãng di động cung cấp.

Không chỉ là những bản tình ca bất hủ, mẩu chuyện hay những bản nhạc rock, các hãng viễn thông di động còn "tự chế" nhạc chờ ăn theo giá xăng dầu, điện nước và giá cả thị trường.

Khi giá xăng lên 21.300 đồng một lít từ cuối tháng 3, trên cộng đồng mạng xuất hiện ngày càng nhiều các clip tự chế than thở chuyện giá cả tăng cao. Ăn theo đó, nhà mạng cũng bắt đầu cho ra đời những bản nhạc chờ tự chế như: "Xăng tăng kèm giá nhà tăng" nói về chuyện sinh viên đổ xô đi mua bạt về để che mưa, che nắng vì không đủ tiền thuê chỗ ở.

Bản nhạc chờ khác có tên "Không có tiền mua xăng" là lời than thở của một cô bé, bạn bè í éo rủ đi chơi nhưng cô từ chối với lý do: Lấy tiền đâu mà mua xăng.

Rồi khi lương cơ bản được điều chỉnh tăng từ 730.000 đồng lên 830.000 đồng từ 1/5, hãng viễn thông di động Viettel cũng đưa ra thị trường bản nhạc chờ: "Mong cho lương ổn, giá bình". Một anh chàng ngồi than thở chuyện giá cả tăng cao, nếu vợ không biết tiết kiệm thì chẳng biết sẽ sinh sống bằng gì. Đoạn nhạc chờ tự chế này tung ra vài ngày đã nhận được một lượng không nhỏ khách hàng vào nghe và tải. "Mùa xưa lương ổn giá bình, mùa này lương tụt giá tăng thêm nhiều. Anh hoang mang lắm em yêu. Khi em chỉ muốn lượn đường tiêu hoang"...

Anh Cường giám đốc một công ty kinh doanh phần mềm ở Hà Nội kể không ít lần anh đã phì cười trước những bản nhạc chờ của nhân viên mình. Tại thời điểm xăng tăng giá, 6 nhân viên phòng kinh doanh của công ty đồng loạt để bản nhạc chờ có nội dung rất hài hước: "Ăn sáng tiền xôi lại tăng giá, uống thêm trà đá, giá cũng tăng theo. Mon men kẹo lạc tưởng vẫn thế, hóa ra giá cả đã khác nhiều. Ôi tăng giá thế thì sống kiểu gì đây".

"Hóa ra nhân viên bảo nhau cài cùng một bản nhạc và mặc định cho mỗi số máy của tôi gọi đến để than thở chuyện giá cả tăng cao khiến đời sống anh em khó khăn", anh Cường kể.

Anh cho biết bình thường rất dị ứng với những bản nhạc chờ tự chế. Nhưng khi nghe điện thoại của nhân viên đồng loạt có trích đoạn: "Cái gì cũng tăng giá", khiến anh lại không nhịn được cười. Một tuần sau đó, công ty quyết định trợ cấp cho anh em mỗi tháng thêm 300.000 đồng. Khoản chi này gọi là bù trượt giá. "Thực ra chính sách của công ty đã có từ trước nhưng nhân chuyện nhân viên cài nhạc tự chế than thở giá cả tăng cao, chúng tôi áp dụng chính sách hỗ trợ sớm hơn dự kiến", anh Cường chia sẻ.

Hiện nay, Viettel là hãng viễn thông đi đầu trong việc cung cấp ra thị trường các bản nhạc tự chế vui nhộn và được xếp vào hàng "siêu nhắng". Khi thị trường chứng khoán tăng điểm, nhà nhà đổ xô đi đầu tư, Viettel ra mắt thị trường các bản nhạc chờ cực hot nói về sự thăng hoa của chỉ số Vn-Index, khi giá điện, nước, xăng dầu được điều chỉnh, hãng viễn thông này cũng cung cấp ra thị trường những trích đoạn hài hước nói về sự "té nước theo mưa" của nhiều nhóm hàng hóa.

Với mức phí 3.000 đồng một lần lượt tải, những bản nhạc chờ này đã nhanh chóng thu hút được một lượng lớn thuê bao di động. Chưa hết, để khuyến khích khách hàng sử dụng thường xuyên dịch vụ, Viettel còn không ngừng áp dụng chính sách khuyến mãi như tặng vé xem ca nhạc, trúng thưởng điện thoại iPhone 4, thiết bị D-com 3G...

Ngoài Viettel, 2 hãng viễn thông khác như MobiFone và VinaPhone cũng cung cấp các bản nhạc chờ sáng tạo cho các thuê bao của mình. Mới đây, MobiFone cũng cung cấp bản nhạc chờ: "Ai mua chứng cổ rẻ chạy khỏe đến đây nào".

Đoạn nhạc chờ tự chế này được trích trong chương trình "Táo quân năm 2010 phát trên truyền hình đêm 30 Tết". Đoạn clip này kể về chuyện thị trường chứng khoán lao dốc thảm hại, giá cổ phiếu rẻ đến mức - cho không ai thèm lấy. Táo Kinh tế do diễn viên Quang Thắng đóng đã đề xuất với Ngọc Hoàng cho công ty chứng khoán kết hợp với các hãng kinh doanh xổ số để tổ chức bán chứng khoán dạo...