Thị trường điện cạnh tranh bắt nguồn từ cơ chế xã hội hóa

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công Thương đang khẩn trương xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Trong đó, việc triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa nhà máy điện và khách hàng sử dụng điện chính là bước đầu tiên trong thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh ở nước ta... Hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện và đơn vị phát điện năng lượng tái tạo (DPPA) là vấn đề được quan tâm rất nhiều trong Quy hoạch Điện VIII.

Thêm nhiều đơn vị mua bán điện
Tại nghị trường Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định ngành Công Thương thời gian qua có nhiều nỗ lực, tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đơn cử như các vấn đề trong lĩnh vực điện năng. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thị trường phát điện cạnh tranh được ngành triển khai từ khá sớm, nhờ vậy đến nay có gần 70% nguồn điện do tư nhân, hoặc công ty cổ phần sản xuất.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại nghị trường Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Ảnh: MOIT
Thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tập trung tham mưu cho cấp có thẩm quyền chỉ đạo xây dựng Quy hoạch điện VIII... Đặc biệt, chú trọng xây dựng thị trường phát điện và thị trường bán điện cạnh tranh.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.
Thị trường bán buôn điện cạnh tranh đã được vận hành từ đầu năm 2019, đến nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không còn là đơn vị duy nhất mua bán điện mà có thêm 5 tổng công ty điện lực trực tiếp tham gia mua bán điện trên thị trường. Bộ đang tích cực phối hợp các cơ quan hữu quan xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện, hạch toán độc lập trong EVN theo chỉ đạo của Chính phủ.
“Bộ đang khẩn trương xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Trong đó, việc triển khai DPPA chính là bước đầu tiên trong thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh ở nước ta” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Hiện Bộ đã trình Chính phủ cho phép thí điểm thực hiện cơ chế này từ nay đến năm 2025. Đồng thời, đã trình Chính phủ và Quốc hội cho sửa 1 điều của Luật Điện lực để tư nhân có thể được đầu tư vào phân khúc truyền tải điện; Trình Chính phủ cơ chế điều hành thực hiện các dự án điện, nhằm siết lại kỷ cương trong tổ chức thực hiện quy hoạch và kế hoạch phát triển điện ở nước ta; Trình Chính phủ cho phép triển khai Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025… Sau khi được chấp thuận, Bộ sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc…
Đang có nhầm lẫn chưa rõ về DPPA
Được biết, hiện các nội dung về việc mua bán điện trực tiếp đang rất được quan tâm. Tuy nhiên, có sự nhầm lẫn thông tin khi đánh đồng đối tượng được mua trực tiếp, thay vì là nhóm khách hàng lớn, hộ tiêu dùng lớn (DN) lại thành là người dân các hộ gia đình nhỏ. Đồng thời, đã hiểu sai khi cho rằng, mua điện trực tiếp nghĩa là không còn qua EVN nữa.
Trên thực tế, DPPA sẽ không thể thiếu sự tham gia của EVN, vì không có đơn vị quản lý hệ thống truyền tải điện quốc gia sẽ không thể truyền tải được. Khác biệt là EVN và các công ty thành viên sẽ đóng vai trò nhà cung ứng dịch vụ thay vì bao tiêu như trước đây.
Phát triển năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường đang là xu thế tất yếu.
Một điểm nữa, việc mua bán điện trực tiếp sẽ khiến chi phí giảm đi, phá vỡ thế độc quyền của EVN, giống như dịch vụ viễn thông, giá điện sẽ rẻ. Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng, thực tế không phải như vậy. DN áp dụng DPPA với thuần điện tái tạo và có khả năng phải chi trả thêm chi phí cân bằng phụ tải nếu huy động quá lớn ở một nguồn, gây mất cân bằng. Hiện nay, các tổng công ty điện huy động từ nhiều nguồn để bù đắp và ổn định hơn, do vậy cơ chế mua điện thông thường hiện nay có thể tiết kiệm chi phí hơn so với DPPA.
Hiện Bộ Công Thương đã giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo và Cục Điều tiết Điện lực nghiên cứu để đưa ra các khái niệm rõ ràng và dễ hiểu hơn - đối với một lĩnh vực, ngành kinh tế kỹ thuật - về đối tượng khách hàng có thể mua điện trực tiếp, đồng thời tăng cường các nội dung truyền thông về vấn đề này.
Thị trường quyết định về giá
Chuyên gia năng lượng Nguyễn Thành Sơn nhìn nhận, quy hoạch phải dựa vào thị trường là chính. Điện tái tạo, hay điện mặt trời, điện gió bao nhiêu để hình thành một thị trường thực sự, chứ không thể nhấn mạnh vào vai trò của một DN. Đơn cử điện gió, hay điện mặt trời không nên đề ra một biểu giá cứng nhắc, trên bờ, hay ngoài khơi là bao nhiêu. Nên hình thành một thị trường mua bán phát thải, nhiệt điện chạy than chỉ cho quota phát thải, nếu muốn thân thiện thì phải mua. Còn ngược lại, điện gió, điện mặt trời là sạch được quyền bán và giá điện là thị trường quyết định một cách sòng phẳng.
“Mấu chốt vẫn là phát triển nguồn điện theo quy định, hình thành giá điện thị trường cạnh tranh thực sự quyết định bởi cung cầu. Người bán phải có người mua, không phải bán buôn mà là mua bán lẻ trên thị trường. Có thể tách A0 ra khỏi EVN, hoạt động độc lập, giống như hiệp hội có các nhà sản xuất, nhà tiêu dùng đứng ra vận hành” - chuyên gia này đề xuất.