Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán 14/10:

Thị trường giằng co, một cổ phiếu họ Vin vẫn tăng bất chấp

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công ty CP Vinhomes (Vinhomes, mã VHM-sàn HoSE) vừa có thông báo thực hiện mua lại 370 triệu cổ phiếu. Sau khi công bố thông tin, cổ phiếu VHM tăng hơn 4%.

Thị trường giằng co, VN-index giảm hơn 2 điểm

VN-Index mở cửa phiên chiều với diễn biến giằng co kéo dài với lợi thế có phần nghiêng về bên bán khiến chỉ số dần suy yếu và đóng cửa trong sắc đỏ.

Thị trường giằng co, một cổ phiếu họ Vin vẫn tăng bất chấp - Ảnh 1

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 2,05 điểm (-0,16%), về mức 1.286,34 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 19,5 ngàn tỷ đồng.

Về mức độ ảnh hưởng, FPT, HPG, EIB và MWG là những mã có tác động tiêu cực nhất khi lấy đi hơn 1,7 điểm của chỉ số. Ở chiều ngược lại, VHM, GVR, MBB và VIC là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất với mức tác động hơn 3,4 điểm vào chỉ số.

Nhóm ngân hàng ghi nhận giao dịch kém hưng phấn khi có 4 đại diện góp mặt trong danh sách những cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến thị trường. Cụ thể, EIB giảm 4,45% xuống 18.250 đồng, CTG giảm 0,55% xuống 36.050 đồng, LPB giảm 1,22% xuống 32.450 đồng và HDB giảm 1,28% xuống 27.000 đồng.

Nhóm cảng biển chịu áp lực bán quyết liệt khi GMD và HAH cùng giảm 0,9% lần lượt xuống 76.100 đồng và 42.900 đồng, DVP giảm 0,7% xuống 74.300 đồng.

Tương tự, nhóm thép cũng gây áp lực lớn lên chỉ số khi hầu hết đóng cửa dưới tham chiếu. Cụ thể, TLH giảm 1,3% xuống 5.480 đồng, HPG giảm 0,9% xuống 27.050 đồng/cp, HSG giảm 0,5% xuống 20.900 đồng/cp và NKG giảm 0,2% xuống 21.650 đồng/cp.

Ở chiều ngược lại, ngành viễn thông có mức phục hồi tốt nhất thị trường đạt 2,22% với sắc xanh xuất hiện ở VGI (+3,43%), VTK (+0,17%), CAB (+7,55%) và ADG (+5,78%).

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trong phiên hôm nay. Cụ thể, nhóm này bán ra khoảng 47,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 1.659 tỷ đồng trong khi chỉ giải ngân hơn 1.044 tỷ đồng để mua vào 28,6 triệu cổ phiếu. Giá trị bán ròng theo đó đạt gần 615 tỷ đồng, gần gấp đôi phiên trước và cao nhất trong vòng nửa tháng trở lại đây.

Khối ngoại xả hàng ồ ạt cổ phiếu FPT với giá trị bán ròng hơn 179 tỷ đồng, tiếp đến là EIB hơn 97,3 tỷ đồng, VPB 86,6 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài tập trung gom cổ phiếu TCB với giá trị ròng 69,7 tỷ đồng. VHM xếp tiếp theo khi hút ròng hơn 69 tỷ đồng, sau đó đến TPB hơn 28,3 tỷ đồng.

Thông báo mua lại 370 triệu cổ phiếu quỹ từ ngày 23/10, cổ phiếu VHM tăng bất chấp

Công ty CP Vinhomes (Vinhomes, mã VHM-sàn HoSE) vừa có thông báo thực hiện mua lại cổ phiếu. Tương tự phương án đã được công ty lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, công ty sẽ mua lại tối đa 370 triệu cổ phiếu VHM, tương ứng 8,5% số cổ phiếu đang lưu hành của đơn vị này. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 23/10/2024 đến ngày 22/11/2024.

“Thị giá cổ phiếu VHM đang ở mức thấp hơn so với giá trị thực của công ty nên việc mua lại là để đảm bảo quyền lợi của công ty và cổ đông" - thông báo của Vinhomes nhấn mạnh. Phương thức giao dịch dự kiến thực hiện thông qua khớp lệnh và/hoặc thoả thuận qua công ty chứng khoán, phù hợp với quy định của pháp luật. Giá cổ phiếu sẽ được xác định theo điều 8 thông tư 120/2020/TT-BTC quy định giao dịch cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm niêm yết trên hệ thống giao dịch chứng khoán. 

Ước tính, theo giá trị thị trường đóng cửa ngày 14/10 (45.350 đồng/cp), Vinhomes sẽ phải chi ra tới gần 16.900 tỷ đồng. Giá cổ phiếu VHM cũng đã tăng khoảng 31% kể từ thời điểm đơn vị này công bố Nghị quyết HĐQT về việc mua cổ phiếu quỹ vào đầu tháng 8/2024.

Nếu được thực hiện thành công, đây là thương vụ mua lại cổ phiếu quỹ lớn nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. 

VHM cũng là trụ đỡ của thị trường trong phiên hôm nay khi tăng 4,01% lên 45.350 đồng/cp.