Chờ vùng mua tốt, nhịp điều chỉnh sắp tới
Giám đốc Chiến lược Thị trường - CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) Trần Hoàng Sơn cho rằng, diễn biến VN-Index trong 3 tuần gần đây yếu, nhất là trong tuần qua, chỉ số đi ngược so với diễn biến chung thị trường toàn cầu.
Với khối ngoại, ông Sơn nhận định vẫn đang bán ròng. Theo dữ liệu của VPBankS, áp lực bán ròng gia tăng trở lại, ngược với diễn biến khu vực Asean nói chung. Bởi khi kỳ vọng Fed giảm lãi suất, dòng vốn ngoại bắt đầu chạy từ Mỹ và các thị trường tăng mạnh vào nhiều thị trường Ấn Độ và ASEAN.
“Theo quan sát của tôi, dòng vốn ngoại trong 3 tuần gần đây chảy vào các thị trường này khá tốt, đặc biệt là Ấn Độ (ngoài ASEAN), Thái Lan (trong ASEAN). Tuy nhiên, họ đang bán ròng ở Việt Nam. Tôi cho rằng có thể là do đà bán ròng của các quỹ ETF”, Giám đốc Chiến lược Thị trường VPBankS chia sẻ.
Cũng theo ông Sơn, thanh khoản cũng sụt giảm, hầu hết nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bán lẻ đều yếu. Vì vậy, kỳ vọng kiếm lợi nhuận tốt trong ngắn hạn T+3, T+5 rất khó.
Xu hướng ngắn hạn, VN-Index đã xuyên qua các ngưỡng hỗ trợ. Điều này đang chỉ báo nhịp điều chỉnh sắp tới, kết hợp với một số nhiễu động có thể xảy ra trước và sau thời điểm Fed hạ lãi suất. Do vậy, việc “full cash” là chiến thuật đúng để chờ vùng mua tốt hơn, nhịp điều chỉnh sâu sắp tới.
Ngành nào hưởng lợi nhiều nhất khi Fed hạ lãi suất?
“Dữ liệu lịch sử cho thấy VN-Index rất đồng biến với SP 500 của Mỹ. Trong khoảng 4 năm trở lại đây, tháng 9 năm nào hiệu suất S&P 500 cũng rất thấp. Tương tự, VN-Index cũng giảm trong tháng 9 các năm gần đây, đây cũng mang tính mùa vụ. Tại Việt Nam, có tháng 3, 4, 9 và 10 hiệu suất rất thấp”, ông Sơn cho hay.
Cũng theo ông Sơn, đối với năm nay, đến hiện tại, thị trường vẫn khá yếu, ít nhất trong 3 tuần gần đây. Vùng kháng cự xoay quanh 1.285 – 1.300 chưa vượt qua được. Mặt khác, thanh khoản giảm sâu là điểm trừ. Điều đó cho thấy tháng 9 năm nay cũng là tháng mà hiệu quả không cao. “Chúng ta cũng cần lưu ý diễn biến TTCK trước và sau cuộc họp của Fed. Nhà đầu tư nên chờ đợi và thận trọng trong thời gian tháng 9 và 10 này”, ông Sơn lưu ý.
Liên quan đến việc Fed điều chỉnh lãi suất, Giám đốc Chiến lược Thị trường VPBankS cho rằng, khi Fed hạ lãi suất thì chính sách tiền tệ của Việt Nam có nhiều dư địa để giảm lãi suất, đặc biệt là sau thảm họa bão Yagi. Qua đó, giúp doanh nghiệp dễ thở hơn, dư địa phục hồi tốt hơn.
Ông cũng cho rằng, những doanh nghiệp đang vay nợ nhiều như bất động sản, sản xuất, xuất khẩu, khi lãi suất hạ làm chi phí vốn giảm xuống giúp biên lợi nhuận lên cao hơn, cổ phiếu các ngành này được hưởng lợi nhiều từ xu hướng Fed giảm lãi suất.
“Nhìn lại chu kỳ 2012 – 2015, Fed đưa lãi suất xuống mức thấp nhất lịch sử. Việt Nam vừa có chính sách hỗ trợ lãi suất, vừa đưa ra gói hỗ trợ 30.000 tỷ. Nhờ đó, thị trường bất động sản đóng băng giai đoạn 2011 – 2012 đã phục hồi mạnh mẽ 2014 - 2016. Rất nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản thấp thì cải thiện nhiều và giá tăng bằng lần”, ông Sơn cho biết.
Đối với nhóm Ngân hàng, theo ông Sơn, khi Fed hạ lãi suất thì chắc chắn các ngân hàng sẽ hạ lãi suất theo thị trường. Nhưng nhìn lại quá khứ, giai đoạn 2015 hạ lãi suất, ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt. Trong cơ cấu thu nhập ngân hàng hiện nay, thu nhập lãi thuần giảm, thu nhập từ dịch vụ đang cải thiện nhiều và dần chiếm tỷ trọng lớn. Mặt khác, doanh nghiệp phục hồi thì nợ xấu ngân hàng giảm, giảm trích lập dự phòng. Sức khỏe hệ thống ngân hàng càng tốt hơn.
Do vậy, kinh tế phục hồi thì tốt cho tất cả. Ngành ngân hàng là ngành xương sống của nền kinh tế nên vẫn có dư địa tốt để phục hồi.