Số người có việc làm tăng nhưng chủ yếu ở khu vực phi chính thức
Phát biểu tại buổi họp báo công bố tình hình lao động, việc làm quý I/2022 diễn ra vào sáng 12/4, ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: Quý I/2022, nền kinh tế dần mở cửa trở lại và có nhiều chuyển biến tích cực, nhờ đó thị trường lao động của Việt Nam đã dần phục hồi trở lại.
Cụ thể, có khoảng 50 triệu người có việc làm, tăng 962.600 người so với quý IV/2021. Trong đó, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 38,7%, tương đương 19,4 triệu người.
Số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý I/2022 là khoảng 1,3 triệu người, giảm 135.200 người so với quý trước và tăng 357.500 người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I/2022 là 3,01%, giảm 0,36 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,81 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập bình quân tháng của người lao động cũng tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I/2022 là 6,4 triệu đồng, tăng 1 triệu đồng so với quý trước và tăng 110.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
“Sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong quý I/2022 đã giúp một bộ phận người lao động sớm quay trở lại thị trường. Đây cũng là lý do, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong quý I/2022 đã giảm 489.500 người so với quý trước” - đại diện Tổng cục Thống kê đánh giá.
Mặc dù có nhiều khởi sắc so với quý trước và cùng kỳ năm trước, nhưng theo ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê), bức tranh lao động, việc làm trong quý I/2022 vẫn thiếu sự bền vững, do số lao động có việc làm tăng nhanh, nhưng chủ yếu ở khu vực phi chính thức. Trong khi đó, lao động trong các ngành nông-lâm nghiệp và công nghiệp - xây dựng lại giảm so với quý trước.
Trong tổng số 50 triệu lao động có việc làm, lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 38,7%, tương đương 19,4 triệu người, tiếp đến là lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,5%, tương đương 16,8 triệu người. Lao động trong khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng thấp nhất, với 27,8%, tương đương 13,9 triệu người.
“So với quý trước và cùng kỳ năm trước, lao động trong khu vực nông-lâm nghiệp, thuỷ sản đều giảm lần lượt là 426.800 người và 192.200 người, lao động trong khu vực công nghiệp, xây dựng giảm 82.700 người” - Đại diện Tổng Cục Thống kê thông tin.
Tăng lương tối thiểu vùng, sửa đổi thuế thu nhập cá nhân
Để thị trường lao động, việc làm phát triển bền vững, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, những tháng tới đây, Việt Nam vẫn cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN, người lao động, đẩy nhanh Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Cùng với đó, Chính phủ cần triển khai các chính sách để thu hút lao động tự sản tự tiêu, lao động không tham gia hoạt động kinh tế tham gia thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội và cải thiện đời sống của người dân, đồng thời, nghiên cứu xây dựng các chương trình chính sách đào tạo phù hợp, nâng cao chất lượng nguồn lao động, đảm bảo năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Giải thích về việc tỷ lệ thất nghiệp còn cao nhưng DN vẫn thiếu nguồn lao động, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động Nguyễn Thị Thanh Mai cho hay, quý I năm nay, số ca mắc Covid-19 tăng rất cao, trong đó, số công chức và người lao động trong quý vừa rồi chiếm 48%. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình việc làm. Bên cạnh đó, DN lúc nào cũng khát lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao. Nhưng đây cũng là cơ hội để DN tận dụng tuyển chọn lao động chất lượng cao, phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Về giải pháp hỗ trợ, bà Nguyễn Thị Thanh Mai đánh giá, Chính phủ đã thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động thuê nhà theo Nghị quyết 43 của Quốc hội. Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đặc biệt cho những lao động làm việc khu công nghiệp, chế xuất… Dù mới triển khai cuối tháng 3 nhưng đã hỗ trợ được 4,3 triệu người lao động với 6.600 tỷ đồng. Đây là biện pháp hỗ trợ hữu ích cho DN, động viên hỗ trợ người lao động để tham gia lại thị trường lao động, duy trì sản xuất kinh doanh cho DN.
Bên cạnh đó, gần 2 năm, Chính phủ chưa điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu, do đó, đề xuất tăng lương tối thiểu vùng sẽ là động lực giúp người lao động vượt qua khó khăn, tích cực đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, mức tăng lương tối thiểu vùng là nhu cầu chính đáng của người lao động, tiền lương tối thiểu là mức sàn để DN căn cứ vào đó có cơ sở để áp dụng mức lương cho người lao động. Qua nghiên cứu mỗi lần tăng lương tối thiểu vùng, số DN áp dụng khoảng 90%. Chính vì vậy, tăng lương tối thiểu vùng, theo Tổng Cục Thống kê, là cần thiết nhưng cần có lộ trình cụ thể, không tạo áp lực cho DN.
Cũng theo Tổng Cục Thống kê, thuế thu nhập cá nhân đã có hai lần điều chỉnh, gần đây nhất là năm 2020. Hiện, mức giảm trừ cho người nộp thuế là 11 triệu đồng, cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ này không còn phù hợp, có thể nghiên cứu giảm các bậc thuế và giảm mức thuế, tăng mức giảm trừ gia cảnh. Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa theo từng nhóm.