Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường máy tính cá nhân: Khó khăn chưa từng thấy

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiu hắt người mua mặc dù tung ra đủ kiểu khuyến mại, giảm giá đang là tình hình chung của thị trường máy tính cá nhân. Nhiều khả năng, sự khó khăn này sẽ kéo dài đến hết năm 2023.

Khó khăn toàn ngành

Đợt khảo sát mới đây của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại các “phố máy tính” tại Hà Nội như: Lê Thanh Nghị, Thái Hà, Cầu Giấy cho thấy, thị trường máy tính cá nhân đang ở giai đoạn vô cùng khó khăn. Bất chấp nhiều chương trình khuyến mãi “khủng” nhưng lượng hàng tồn vẫn là khá lớn cũng như doanh số bán ra rất ảm đạm.

Thị trường máy tính cá nhân đang rất ảm đạm
Thị trường máy tính cá nhân đang rất ảm đạm

Hiện tại, bước vào bất cứ cửa hàng kinh doanh máy tính cá nhân nào, dù lớn hay nhỏ cũng đều nhận thấy mặt hàng này đang được giảm giá khá mạnh từ 20-50%, đi kèm với đó là vô số quà tặng đi kèm như chuột, bộ phát wifi … Và tại các cửa hàng này cũng có một điểm chung dễ nhận thấy là rất hiếm người mua.

Quản lý của điểm bán Điện máy Xanh (Cầu Giấy) cho biết, nhu cầu của người dùng đối với máy tính cá nhân đã bắt đầu giảm từ tháng 6/2022, đợt Tết Nguyên đán vừa qua có tăng lên được một chút, sau đó giảm mạnh cho tới tận bây giờ. Ở thời điểm này, sức mua đã giảm khoảng 40% so với giữa năm ngoái và khoảng 60-70% so với thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.

Số liệu từ các chuỗi bán lẻ máy tính tại Việt Nam cũng chỉ rõ thực trạng chung này. Theo đó, nếu như năm 2020 và 2021 là năm “thăng hoa” của máy tính cá nhân khi đại dịch Covid-19 khiến như cầu học tập và làm việc tại nhà gần như là bắt buộc. Tuy nhiên, bước sang nửa cuối 2022 thì mọi thứ đã đổi chiều hoàn toàn, quý IV/2022 tổng quy mô thị trường đã giảm tới 50% so với cùng kỳ. Dự kiến, quý I/2023 cũng có tình trạng tương tự ở mức “âm” 40%.

Theo chia sẻ của đại diện một chuỗi bán lẻ máy tính cá nhân lớn, do sức mua giảm quá mạnh nên lượng tồn kho các mẫu máy cũ đang là rất lớn. Trong các tháng đầu năm 2023, rất ít mẫu máy tính mới được mang về Việt Nam, mà thay vào đó các hệ thống đều tập trung vào tiêu thụ các sản phẩm tồn. Thậm chí, có những mẫu laptop ra đời được gần 1 năm vẫn được bày bán mặc dù không phải hàng “hot”, đây là điều chưa từng xảy ra.

Không chỉ vậy, các mặt hàng ăn theo máy tính cá nhân như chuột, USB 3G/4G, card màn hình… cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Một đơn vị chuyên phân phối các mặt hàng dạng này cho biết, đến thời điểm hiện tại mới bán ra được khoảng 1/4 số lượng hàng nhập về từ đầu năm. Không chỉ khó khăn trong việc tiêu thụ mà giá của các mặt hàng trên lại đang giảm theo từng tuần, ước tính rơi vào 20-30%.

“Mùa đông” đối với thị trường máy tính cá nhân không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà đây còn là tình hình chung trên toàn thế giới. Số liệu từ hãng thống kê Gartner cũng cho thấy, hiện tại đang là giai đoạn khó khăn nhất từ trước tới nay của lĩnh vực này.

Cụ thể, trong quý IV/2022, tổng số lượng máy tính cá nhân được xuất xưởng trên toàn thế giới là hơn 65 triệu chiếc, giảm tới gần 30% so với cùng kỳ một năm trước đó, đồng thời cũng là mức giảm lớn nhất kể từ năm 1990. Điều này cũng kéo theo tổng số lượng máy tính được sản xuất trong năm 2022 đã giảm tới hơn 16% so với 2021 khi chỉ đạt hơn 286 triệu chiếc, đây cũng là một kỷ lục khác.

Với tình hình chung là kinh tế năm 2022 và cả 2023 đều khá bi quan nên người tiêu dùng đã buộc phải cắt giảm những chi tiêu không thật sự cần thiết và máy tính cá nhân là một trong số đó. Sức mua giảm khiến lượng hàng tồn tăng, đây cũng chính là điểm nghẽn khiến thị trường này không thể khởi sắc trong năm 2023. Nhiều khả năng phải tới đầu 2024, thị trường máy tính cá nhân mới có thể tăng trưởng trở lại, Gartner dự đoán.

Thích nghi theo biến động

Trong số liệu mới được một trong những hãng sản xuất máy tính cá nhân hàng đầu thế giới Lenovo công bố, lần đầu tiên kể từ 2020, lợi nhuận ròng đã bị giảm. Theo đó, quý IV/2022, hãng này chỉ đạt doanh thu hơn 15 tỷ USD, giảm tới 24% so với quý trước đó. Và một trong những phương án để cải thiện được chọn là cắt giảm nhân sự, tập trung ở các mảng vận hành và sản xuất.

Giảm giá, tăng quà tặng đang là chiêu tiếp thị phổ biến.
Giảm giá, tăng quà tặng đang là chiêu tiếp thị phổ biến.

Theo Tổng giám đốc Lenovo Việt Nam Nguyễn Văn Giáp, việc cắt giảm nhân sự là điều cần thiết và sẽ được áp dụng trên tất cả các quốc gia mà tập đoàn hiện diện, trong đó có cả Việt Nam. Song hành với đó là hãng cũng nỗ lực tối đa giảm chi phí hoạt động thông qua cắt giảm một số khoản chi tiêu không cần thiết. Đây sẽ là phương thức hữu hiệu để hãng vượt qua giai đoạn khó khăn chung của thị trường như hiện nay.

Hiện tại, nhằm đối phó với sự suy giảm trầm trọng của thị trường, không chỉ Lenovo mà các hãng sản xuất máy tính cá nhân lớn khác cũng chọn cách sa thải nhân sự. Có thể kể đến như: Dell dự kiến sẽ cắt giảm 6.650 nhân viên, tương ứng 5% tổng số người lao động trên toàn cầu của hãng; HP cũng lên kế hoạch giảm 12% người lao động trên toàn bộ hệ thống của mình, con số này vào khoảng 6.000 người. Đáng chú ý, nhân sự của các hãng này ở Việt Nam khả năng lớn cũng không tránh khỏi đợt sa thải này.

Về phía các chuỗi bán lẻ, chiến lược chung được lựa chọn vẫn chủ yếu là tăng khuyến mại cùng các sản phẩm tặng kèm. Cùng với đó, việc phối hợp cùng ngân hàng, tổ chức tài chính để đưa ra những chương trình mua trả góp với lãi suất 0% cũng được đẩy mạnh. Hiện, việc đẩy đi được lượng máy tính còn tồn kho vẫn là ưu tiên hàng đầu của những chuỗi này.

Theo đại diện của An Thịnh Computer, không chỉ tập trung vào khách hàng, ngay cả nội bộ của hệ thống này cũng có sự thay đổi đáng kể nhằm có thể thích ứng với giai đoạn khó khăn hiện tại. Có thể kể đến như cắt giảm các khoản chi tiêu không thực sự cần thiết, rút gọi nhân viên tại các điểm bán,… Thậm chí việc đóng cửa các điểm bán không đạt doanh thu theo kế hoạch cũng đã được tính tới.

Trên thực tế, thị trường máy tính Việt Nam cũng đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm nối tiếp nhau nhưng chưa lần nào khó khăn như hiện nay. Các chuỗi bán lẻ đang phải tìm mọi cách để đối phó và tình hình kinh tế chung khởi sắc có lẽ là “cửa sáng” duy nhất có thể giúp thị trường này phục hồi, đại diện An Thịnh Computer chia sẻ.