Thị trường năng lượng thế giới: Có vượt qua cú sốc nguồn cung?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - OPEC gần đây cảnh báo căng thẳng địa chính trị ở châu Âu cùng với quan ngại về gián đoạn nguồn cung từ Nga sẽ tiếp tục gây áp lực đối với thị trường năng lượng toàn cầu. Trong khi đó, giá dầu mỏ và khí đốt đã ghi nhận mức tăng kỷ lục trong quý I/2022.

Diễn biến bất ngờ

Số liệu công bố cuối năm ngoái, nhiều chuyên gia dự đoán giá dầu thế giới sẽ đạt duy trì từ 70 - 75 USD/thùng trong năm 2022, trước khi tăng lên khoảng 80 - 85 USD/thùng vào năm 2023.

Giá dầu thế giới đã tăng hơn 30% kể từ đầu năm đến nay. Ảnh: Tankstoragemag
Giá dầu thế giới đã tăng hơn 30% kể từ đầu năm đến nay. Ảnh: Tankstoragemag

Tuy nhiên, đà leo dốc của giá dầu đã vượt xa những dự báo của giới phân tích khi vượt mốc 100 USD/thùng ngay trong thời điểm giữa quý I/2022. Trong phiên giao dịch ngày 24/2, giá dầu Brent nhảy vọt lên 101,20 USD/thùng - mức cao nhất trong gần 8 năm, còn giá dầu WTI của Mỹ cũng chạm “đỉnh” kể từ tháng 8/2014, khi tiến sát ngưỡng 100 USD/thùng.

Không lâu sau đó, giá dầu lại tăng kỷ lục lên gần 130 USD/thùng vào giữa tháng 3, thiết lập mức cao nhất 14 năm, sau khi Mỹ cấm vận năng lượng của Nga, còn Anh thông báo sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu mỏ và các sản phẩm dầu của Nga vào cuối năm 2022 để đáp trả việc Moscow tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2.

Lo ngại tình trạng gián đoạn nguồn cung từ Nga, lần đầu tiên trong lịch sử giá khí đốt tại châu Âu đã lên tới 3.600 USD/1.000m3 khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/3. Trước đó, vào quý IV/2021, châu Âu đã chứng kiến giá khí đốt tăng vọt do khan hiếm nguồn cung, nguồn dự trữ lại ở mức thấp kỷ lục trong khi nhu cầu phục hồi mạnh sau dịch Covid-19.

Trong nỗ lực tăng thêm nguồn cung và kiềm chế đà leo dốc của giá “vàng đen”, 31 nước thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong đó gồm Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Mexico, hôm 12/4 đã thông báo kế hoạch giải phóng 240 triệu thùng dầu trong vòng 6 tháng tới kể từ tháng 5/2022. Đây là lần xả kho dự trữ dầu mỏ lớn nhất trong lịch sử 47 năm của IEA.

Khoảng trống nguồn cung của Nga

Thị trường năng lượng toàn cầu đang “nín thở” chờ đợi những diễn biến mới nhất liên quan đến nguồn cung từ Nga. Lệnh cấm vận đối với dầu mỏ và khí đốt Nga của Mỹ sắp có hiệu lực, còn Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc áp thêm lệnh trừng phạt với ngành năng lượng Nga liên quan đến chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine.

Tại cuộc gặp cấp cao mới đây giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và EU tại Vienna (Áo), OPEC cảnh báo tổ chức này sẽ không thể thay thế nguồn dầu và các chất lỏng khác bị thiếu hụt từ Nga, lên tới 7 triệu thùng/ngày, trong trường hợp có các lệnh trừng phạt hoặc các hành động điều chỉnh sản lượng tự nguyện.

Theo OPEC, các lệnh trừng phạt hiện tại và trong tương lai đối với Nga có thể gây ra một trong những cú sốc chưa từng có đối với nguồn cung dầu mỏ và khí đốt. Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho rằng, thay thế nguồn dầu thô của Nga từ một lệnh cấm vận của EU là điều “gần như không thể”.

Nga hiện là nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Ả Rập Saudi, và cũng là nhà cung cấp khí tự nhiên lớn nhất cho châu Âu, khoảng 35% nguồn cung khí đốt cho “lục địa già”. Khoảng 1/4 lượng dầu nhập khẩu của châu Âu phụ thuộc vào Nga. Theo dữ liệu của IEA, trong năm 2021, EU đã nhập khẩu 155 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên từ Nga, chiếm khoảng 45% lượng khí đốt nhập khẩu của EU và gần 40% tổng lượng khí đốt tiêu thụ của khối này.

Dự báo về giá dầu trong thời gian tới, theo phân tích của AP, nếu kịch bản nghiêm trọng nhất là Nga sẽ tổn thất 3,8 triệu thùng dầu/ngày cho thị trường châu Âu và các nước khác, giá dầu có khả năng sẽ tăng đến 180 USD/thùng, sau đó là sự sụt giảm mạnh do nhu cầu và tăng trưởng kinh tế đi xuống. Tuy nhiên, khả năng này có vẻ như khó xảy ra, theo ông Claudio Galimberti, chuyên gia phân tích cấp cao của Rystad Energy.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần