Cầu lớn
Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi chế biết và xuất nhập khẩu (Aprocimex) bức xúc, từ vài tháng gần đây công ty thường xuyên phải mua USD với giá cao hơn giá niêm yết từ 500 - 1.000 đồng/USD, tính ra còn cao hơn cả giá USD "chợ đen". Tình trạng "hai giá" tại các ngân hàng đã cho thấy các ngân hàng đang gặp khó khăn trong cân đối ngoại tệ (USD), thiệt đơn thiệt kép lại chính là các DN. Ông Lý cho biết, nếu mua 50 triệu USD, với mức chênh lệch như trên, số tiền DN phải trả thêm cho ngân hàng mỗi tháng từ 25 - 30 tỷ đồng, thậm chí có thời điểm là 50 tỷ đồng. Khoản tiền chênh lệch này không có chứng từ, nên công ty không thể hạch toán vào chi phí để được bù lỗ.
Một DN nhập khẩu nguyên liệu tại Hà Nội cũng cho biết, công ty phải mua USD với giá hơn 22.000 đồng/USD, cao hơn giá niêm yết tới gần 1.000 đồng và bắt buộc thanh toán theo kỳ hạn. "Nếu không mua sẽ không có USD để nhập hàng về nên chúng tôi vẫn phải "cắn răng" chấp nhận mức giá của ngân hàng" - Giám đốc công ty phản ánh.
Những DN chuyên xuất khẩu, có thể tự cân đối được ngoại tệ, còn lại phần lớn các DN đều gặp khó khăn khi mua ngoại tệ để nhập hàng cuối năm. Nhưng đáng nói, những DN xuất khẩu như dệt may, cao su, gạo… thường nhập khẩu rất ít nên họ dôi dư ngoại tệ, trong khi DN nhập khẩu mới là những đơn vị cần nhiều ngoại tệ lại không có đầu vào ngoại tệ. Ông Lý cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ và giữ đúng cam kết đảm bảo đủ ngoại tệ cho DN chứ không thể phó mặc DN tự tìm nguồn USD và để các ngân hàng "lộng hành" như bây giờ.
Sôi động thị trường chợ đen
Đến hẹn lại lên, dịp cuối năm, nhu cầu USD đặc biệt lớn với khối doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhập khẩu. Điều này làm giá nhiều loại ngoại tệ của ngân hàng cũng tăng theo. Tuy nhiên, trong khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ bán ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại với số lượng vừa đủ cho những nhu cầu vay nhập khẩu nhóm mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thuốc chữa bệnh, phân bón… thì một lượng kiều hối lớn lại nằm trong dân hoặc đổ vào các kênh đầu tư khác. Nguyên nhân do lãi suất huy động USD của các ngân hàng thời gian qua giảm mạnh nên kênh huy động này không còn hấp dẫn. Cung với đó là việc nhiều doanh nghiệp có ngoại tệ cũng không sẵn sàng bán lại cho ngân hàng khiến nguồn cung ngoại tệ đã khó lại càng khó hơn.
Nhu cầu ngoại tệ vẫn lớn trong khi ngân hàng chỉ đáp ứng được một phần. Điều này lý giải vì sao, dù ngày 20/11, Nghị định 95/2011/NĐ-CP đã tăng mức phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng nhưng các chợ ngoại tệ tự do vẫn vô tư hoạt động.
Ngày 13/11, dù là Chủ nhật nhưng các cửa hàng vàng trên phố Hà Trung (Hà Nội) vẫn tấp nập người ra vào, các giao dịch ngoại tệ hết sức công khai. Tại Công ty Vàng bạc Quốc Trinh, khi PV Báo KT&ĐT ngỏ ý muốn bán 3.000 USD và hỏi tỷ giá, nhân viên công ty này cho biết, giá mua vào của công ty thời điểm đó là 21.300 VND/USD. Tại một cửa hàng khác cuối phố, sau khi hỏi nhu cầu người mua, cần mua nhiều hay ít, nhân viên ở đây báo giá bán ra của cửa hàng là 21.400 VND/USD.
Để tăng cường quản lý thị trường ngoại hối, đầu tháng 11, NHNN đã chỉ đạo cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng tổ chức kiểm tra ngay hoạt động mua bán ngoại tệ với khách hàng và trên thị trường liên ngân hàng tại một số tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Được biết, từ đầu năm đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 51 tổ chức và cá nhân, xử phạt hành chính đối với 41 doanh nghiệp với tổng số tiền 161 triệu đồng, đồng thời có công văn và biên bản cảnh cáo đối với 13 doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động của thị trường ngoại tệ tự do không vì thế mà kém phần sôi động…