70 năm giải phóng Thủ đô

Thị trường Nhật - khó mà dễ, dễ mà lại khó

Giám đốc Tài chính NTT Data Vietnam Ngọc Giao
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế & Đô thị đã có bài phân tích về văn hóa tiêu dùng của người Đức. Ở bài viết này, tôi sẽ cung cấp thêm văn hóa tiêu dùng của người Nhật để các doanh nghiệp Việt Nam tham khảo. Làm việc cho tập đoàn hàng đầu của Nhật, nhiều lần sang Nhật công tác, tôi đã có những quan sát, trải nghiệm nhất định.

Do mức sinh hoạt cao, nên đa số người tiêu dùng Nhật Bản đặt yêu cầu cao về chất lượng, độ bền, độ tin cậy và sự tiện dụng khi mua sắm. Đối với thị trường Nhật Bản, dịch vụ hậu mãi sau bán hàng phải tốt, khi hư hỏng, sự cố cần phải được nhanh chóng khắc phục; nếu những sản phẩm có vết xước, móp trong quá trình vận chuyển thì tốt nhất là các doanh nghiệp Việt nên loại ra ngay và đem tiêu hủy hơn là hạ giá.
Sau sóng thần và động đất hồi tháng 3/2011, do khủng khoảng kinh tế nên nhu cầu của người Nhật có thay đổi một chút, nhưng đến nay, mọi thứ đã quay lại. Một điều khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam không chú ý, đó là phụ nữ Nhật Bản thường rất ít khi đi làm sau khi lập gia đình. Vì vậy, không phải quý ông lịch lãm mà chính là các bà nội trợ mới là người mua sắm thường xuyên ở đất nước mặt trời mọc này.
Điều này cho thấy mẫu mã, màu sắc của các sản phẩm bán sang thị trường Nhật Bản phải nghiên cứu kỹ đến văn hóa tiêu dùng của những bà nội trợ quốc gia này như bài báo đã phân tích. Đầu tiên, tôi bật mí phụ nữ Nhật Bản thích nhưng sản phẩm nhỏ (một phần là do không gian sống của họ chật, hẹp), xinh xắn hơn là những thứ cồng kềnh, hầm hố như người Mỹ. Tôi đã từng làm Giám đốc Tài chính Microsoft Vietnam, tiếp xúc và làm việc nhiều với người Mỹ thì thấy văn hóa tiêu dùng của họ khác biệt với người Nhật.
Dễ thấy nhất đó là người Nhật thích gam màu nhẹ nhàng, thanh lịch và ít họa tiết. Khá nhiều doanh nghiệp Việt thấy lượng hàng hóa tiêu thụ thị trường Nhật chênh lệch nhiều trong các tháng. Đúng thế, người Nhật mua sắm theo mùa, nếu bạn không để ý điều này khi xây dựng chính sách phân phối, chu kỳ tồn tại của sản phẩm thường ngắn, nên nếu giao hàng trễ, bạn sẽ thất bại.
Người tiêu dùng Nhật sẵn sàng trả tiền nhiều cho một món hàng mà mình ưa thích, nhưng lại yêu cầu sự đa dạng về chủng loại sản phẩm. Rất ít khi người Nhật trả tiền cho một món hàng mà mình chưa biết, không có thương hiệu. Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải dành nguồn kinh phí đáng kể cho quảng cáo và luôn luôn phải thay đổi mẫu mã, thiết kế khi tiếp cận thị trường này.
Tôi cũng phải lưu ý, phụ nữ Nhật thường mua hàng tại cách siêu thị nhỏ, quầy hàng vừa và nhỏ có tên “Mom anh Pob” nhưng quan sát hiện nay, khá nhiều doanh nghiệp Việt lại hướng đến các siêu thị lớn, nơi xuất hiện nhiều thương hiệu toàn cầu. Như thế, hàng hóa Việt Nam sẽ gặp rất nhiều bất lợi khi đụng độ các thương hiệu lớn của thế giới mà chi phí bán hàng của các kênh phân phối sẽ có giá không hề rẻ. Chúng ta có cần thay đổi chính sách phân phối không, các doanh nghiệp Việt sau khi đọc loạt bài trên Kinh tế và Đô thị sẽ tự quyết định.
Đọc bài báo của cô luật sư Đức gốc Việt trong loạt bài này đề cập đến xu thế bảo vệ môi trường của người Đức, tôi thấy người Nhật họ cũng ý thức rất rõ về điều này. Do vậy, hàng hóa ở Nhật đang có xu hướng loại bỏ các sản phẩm đóng gói nhiều lớp. Các bao bì, vỏ sản phẩm được khuyến khích thu hồi để tái chế và hiệp hội tiêu dùng của Nhật Bản luôn khuyến khích ý thức bảo vệ môi trường của cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.
Rõ ràng có sự tương đồng về văn hóa, các doanh nghiệp Việt có điều kiện để nghiên cứu và thâm nhập một thị trường tiềm năng với dân số xấp xỉ 130 triệu này. Tôi sẽ không trực tiếp trả lời câu hỏi: Thị trường Nhật khó hay dễ? mà qua phân tích như trên để cho các nhà quản lý, các doanh nhân Việt sẽ tự mình có câu trả lời.