Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Thị trường nội địa - phao cứu sinh của ngành du lịch

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 tái phát khiến khả năng phục hồi của ngành du lịch và khách sạn trong năm 2020 khó khăn hơn. Đơn cử như tại Hà Nội, mặc dù không phải thực hiện giãn cách xã hội nhưng hàng loạt khách sạn vẫn trong tình trạng dừng hoạt động, thậm chí gỡ biển hiệu, trả mặt bằng.
 Khách sạn Hilton Hanoi Opera dừng hoạt động bởi vắng khách do Covid-19. Ảnh: Hoài Nam

Khách sạn phố cổ giá rẻ hơn nhà nghỉ
Cách hồ Hoàn Kiếm 200m, phố Lò Sũ, Ngõ Huyện quy tụ hàng chục khách sạn lớn, nhỏ là nơi lưu trú quen thuộc của du khách quốc tế, nhưng những ngày này chỉ còn khoảng 30% khách sạn hoạt động cầm chừng. Hầu hết các khách sạn đều dán thông báo giảm giá phòng cho thuê từ 50 - 70%, về quanh mức 200.000 - 500.000 đồng/đêm. Mức giá này chỉ bằng các nhà nghỉ bình dân trong các ngõ, hẻm thông thường. Những khách sạn lớn xếp hạng 5 sao như Hilton Hanoi Opera, Melia... vẫn đang phải dừng cho thuê phòng, chờ điều kiện thuận lợi để hoạt động trở lại. Chủ khách sạn Authentic Hanoi trên phố Lò Sũ bày tỏ, dịch Covid-19 bùng phát trở lại nên lượng khách du lịch giảm sút, các khách sạn tạm dừng hoạt động là điều khó tránh khỏi.
Báo cáo thị trường khách sạn vừa được Công ty nghiên cứu thị trường Savills công bố cho thấy, từ đầu năm đến nay, công suất thuê phòng của các khách sạn trên địa bàn Hà Nội giảm 52% so với cùng kỳ năm ngoái; giá phòng cũng sụt giảm 24% so với năm 2019 và 14% so với quý trước do tác động của dịch Covid-19 lượng du khách giảm 84%. Giám đốc bộ phận Tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội Đỗ Thị Thu Hằng cho biết, do tình hình kinh doanh giảm sút, nhiều khách sạn trên địa bàn quận Hoàn Kiếm vẫn chưa biết thời điểm có thể mở lại, thậm chí nhiều khách sạn đang được rao bán vài chục tỷ đến gần nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, khách sạn 2 sao tại 39 Hàng Bè treo biển bán với giá 69 tỷ đồng; khách sạn 5 sao Grand Vista Hà Nội được rao bán 950 tỷ đồng; khách sạn 5 sao Atlanta Hà Nội trên phố Hàng Chuối cũng đang rao bán với giá 480 tỷ đồng... Đồng tình với nhận định này, bà Nguyễn Thị Lệ, chủ khách sạn trên phố Ngõ Huyện cho biết, từ khi xảy ra dịch bệnh đến nay, nguồn khách quốc tế không còn nên khách sạn luôn đóng cửa. “Giờ được phép hoạt động trở lại nhưng không có khách thì mở cũng như không, tôi đang tính chuyển nhượng lại hoặc cho thuê dài hạn" - bà Lệ nói.
Và hy vọng sớm phục hồi
Các chuyên gia du lịch cho rằng, khách sạn là ngành dịch vụ đầu tiên chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng cũng là ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất khi thị trường nội địa hồi phục. Theo Phó Giám đốc Công ty CBRE Hotels Việt Nam Nguyễn Trọng Thức, mặc dù trong ngắn hạn, hoạt động ngành khách sạn gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng trong dài hạn, triển vọng phát triển rất khả quan nhờ vào cơ sở hạ tầng tiếp tục được cải thiện, chính sách thị thực ưu đãi và những định hướng đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của Chính phủ. Hơn nữa, Việt Nam được thế giới biết đến là một trong những quốc gia ứng phó thành công và hiệu quả nhất trong đại dịch Covid-19. “Điều này đã giúp Việt Nam xây dựng hình ảnh một điểm đến an toàn trên bản đồ du lịch thế giới, giúp thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam khi dịch bệnh đã được kiểm soát” - ông Thức nói.
Đồng tình với phân tích này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn nêu rõ, thị trường du lịch nội địa bắt đầu khởi sắc hơn từ tháng 6 với việc ghi nhận tổng lượt khách gia tăng gấp 2,3 lần so với tháng 5. Trong bối cảnh chưa thể đi du lịch nước ngoài, nhiều người Việt lựa chọn những điểm đến trong nước. Vừa qua, thị trường nội địa đã có sự phục hồi nên những điểm đến có thể dễ dàng tiếp cận bằng đường bộ như Sa Pa, Hạ Long ở miền Bắc hoặc Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt ở miền Nam đã thu hút một lượng lớn du khách. “Du khách nội địa được kỳ vọng sẽ dẫn dắt sự phục hồi của thị trường và bù đắp phần nào sụt giảm lượng khách quốc tế trong năm 2020” - ông Tuấn phân tích.
Thị trường nội địa hồi phục sẽ là “phao cứu sinh” cho ngành du lịch nói chung, hệ thống khách sạn nói riêng khi mà dịch Covid-19 được kiểm soát.
Thị trường khách sạn trong giai đoạn 2020 - 2021 được dự báo sẽ luôn ở trong tư thế phòng thủ, với tình hình hoạt động có thể thay đổi liên tục do phải đối mặt với những biến động khó lường về dịch bệnh cho đến khi có vaccine phòng ngừa hoặc phương pháp điều trị hiệu quả hơn. Dự báo trong 2021, khi du lịch tăng trưởng trở lại, ngành khách sạn mới có thể khởi sắc.
Phó Giám đốc Công ty CBRE Hotels Việt Nam Nguyễn Trọng Thức
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Hà Nội phấn đấu thu hút 20.000 lao động nông thôn tham gia học nghề

Hà Nội phấn đấu thu hút 20.000 lao động nông thôn tham gia học nghề

09 Jul, 05:20 AM

Kinhtedothi – UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 177/KH-UBND triển khai thực hiện Kế hoạch số 316-KH/TU ngày 23/4/2025 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội.

Hà Nội chi hơn 2.200 tỷ đồng cho công tác ưu đãi người có công

Hà Nội chi hơn 2.200 tỷ đồng cho công tác ưu đãi người có công

09 Jul, 05:18 AM

Kinhtedothi – 6 tháng đầu năm 2025, TP Hà Nội chi cho công tác ưu đãi người có công với tổng kinh phí 2.237 tỷ đồng. Trong đó, chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp cho 76.462 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng 1.658 tỷ đồng.

Sạt lở núi ở Tam Chúc, hàng nghìn tấn đá lao xuống khu dân cư

Sạt lở núi ở Tam Chúc, hàng nghìn tấn đá lao xuống khu dân cư

08 Jul, 11:20 PM

Kinhtedothi - Ngày 8/7, UBND phường Tam Chúc (tỉnh Ninh Bình) cho biết, chính quyền địa phương đã khẩn cấp di dời 2 hộ dân sinh sống gần khu vực sạt lở đá đến nơi an toàn, đồng thời cắm biển cảnh báo để ngăn người dân tiếp cận khu vực nguy hiểm.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ