Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường nước mắm bị thả nổi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo một thống kê mới đây, cả nước mỗi năm tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm, 98% số hộ gia đình sử dụng nước mắm trong các bữa ăn. Chính vì được sử dụng quá phổ biến nên thị trường đang có tới hàng trăm loại nước mắm khác nhau bày bán, nhưng chất lượng lại bị thả nổi.

Đến bất kỳ chợ nào hay quán tạp hóa nhỏ nào ở Hà Nội, các loại nước mắm không rõ nguồn gốc được bày bán khá nhiều. Hàng thường được đựng vào các loại can nhựa lớn, giá từ 10.000 - 15.000 đồng/lít, bên ngoài không có tem nhãn ghi rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như thành phần. Thậm chí, có loại nước mắm giá rẻ chỉ từ 5.000 - 6.000 đồng/lít.

Vừa nhúng bàn tay trần vào chiếc thùng đựng 80 lít nước mắm loại 5.000 đồng/lít để lấy gáo múc bán cho khách, người bán hàng tại chợ Mai Động cho biết, thùng nước mắm này chỉ hơn 3 ngày là bán hết. Hầu hết loại nước mắm này được bán cho các quán cơm, cửa hàng kinh doanh ăn uống để pha chế thành các loại nước chấm cho thực khách.

Anh Hiếu - một lái buôn tại Hà Nội thừa nhận, để kiếm thêm lời, anh thường nấu nước muối để ấm khoảng 200C và pha nước mắm mua từ Nam Định, Thái Bình với nồng độ 25% nước sôi, còn lại là nước mắm. Băn khoăn về màu nước khi pha sẽ loãng. Anh Hiếu buột miệng, nếu nhấm nước mắm có vị mặn chát thì chắc chắn được pha thêm nước sôi và kẹo đắng (nước hàng). Việc pha bằng nước hàng còn an toàn chứ một số người mua phẩm màu về pha sẽ rất khó phân biệt.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Với những loại nước mắm rẻ không rõ nguồn gốc có thể dễ nhận biết chất lượng nhưng trên thị trường còn xuất hiện nhiều loại nước mắm được đóng chai với nhiều mức giá khác nhau nhưng không ghi đầy đủ tiêu chuẩn, chất lượng trên nhãn mác như độ đạm, cơ sở sản xuất.

Bật mí về sản xuất nước mắm hiện nay, chủ một cửa hàng cung cấp nước mắm khá lâu năm trên phố Trương Định cho biết: Nếu làm theo "công nghệ" cổ truyền thì một mẻ mắm phải để ít nhất 6 tháng đến một năm mới xong. Còn hiện nay, các DN đều dùng men công nghiệp để rút ngắn được quá trình phân giải cá xuống một nửa thời gian.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, theo tiêu chuẩn (TCVN 5107/2003), nước mắm tối thiểu phải đạt 10 độ đạm trở lên mới gọi là nước mắm, các loại gia vị dưới 10 độ đạm chỉ được gọi là nước chấm. Song, nhiều DN lập lờ, không làm rõ độ đạm nên người tiêu dùng thường mua phải các loại gia vị không phải là nước mắm. Ông Hùng cho biết thêm, ở nhiều nước, cơ quan chức năng quy định rõ, bắt buộc nhà sản xuất ghi rõ nước mắm nguyên chất, nước mắm pha chế, để người tiêu dùng phân biệt, lựa chọn.

Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương thừa nhận, cả nước hiện có hàng ngàn cơ sở sản xuất nước mắm nhưng cơ quan quản lý Nhà nước chỉ mới quản lý được một số DN sản xuất lớn. Theo quy định hiện nay, DN làm nước mắm sẽ tự công bố chất lượng sản phẩm, sau đó sẽ hậu kiểm. Nhưng thực tế, công tác hậu kiểm bị bỏ ngỏ, do hạn chế về nguồn lực. Do vậy, việc quản lý nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng các chất phụ gia, hương liệu của những loại này đang rất cần các cơ quan chức năng, quản lý thị trường lưu tâm hơn nữa.