Thị trường nước mắm: Mập mờ thông tin sản phẩm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, nước mắm và nước chấm trên thị trường đang gây nhiễu loạn người tiêu dùng cả về thị giác và vị giác.

Nước chấm có thể ăn vừa miệng, nhưng dễ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, đó là nhận định của Giám đốc phân phối nước mắm Phú Quốc tại Hà Nội.

Hơn 90% người tiêu dùng không nhận biết được đâu là nước mắm có chỉ dẫn địa lý độc quyền

Anh Bùi Công Khoa, mua hàng ở siêu thị Co.opmart cũng như nhiều người tiêu dùng chia sẻ: Thích ăn nước chấm Chin-su, Nam Ngư, vì đây là loại nước chấm dễ ăn, vừa miệng và để lâu không bị hỏng. Chị Nguyễn Thị Lệ, ở Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân cho hay, chị thường mua nước chấm Chin-su ăn, vì không mặn, không thấy mùi. Chị không phân biệt được thế nào là nước mắm được chế biến từ cá với các sản phẩm nước mắm công nghiệp.
Đặc điểm nhận dạng nước mắm được cấp Văn bằng quốc gia bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý, gồm: Logo chung chỉ dẫn địa lý; tem chỉ dẫn địa lý được bảo hộ độc quyền tại châu Âu; tem kiểm soát.
Đặc điểm nhận dạng nước mắm được cấp Văn bằng quốc gia bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý, gồm: Logo chung chỉ dẫn địa lý; tem chỉ dẫn địa lý được bảo hộ độc quyền tại châu Âu; tem kiểm soát.
Tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội, phần lớn những người được hỏi không phân biệt được đâu là nước chấm và đâu là nước mắm.

Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Phạm Ngọc Thành - Giám đốc Công ty CP Tư vấn phát triển và Thương mại Phúc Lâm, nhà phân phối độc quyền sản phẩm nước mắm Thanh Quốc, Phú Quốc tại Hà Nội và khu vực phía Bắc, cho biết: Tuần đầu tháng 7 này, Công ty đã cùng với Hiệp hội DN nhỏ và vừa phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức cuộc khảo sát người tiêu dùng tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn về nhận biết thế nào là nước mắm Phú Quốc. Kết quả cho thấy, hơn 90% số người được hỏi đều không nhận biết được đâu là nước mắm thương hiệu có chỉ dẫn địa lý độc quyền ở Phú Quốc, hoặc các vùng chuyên sản xuất nước mắm theo phương pháp truyền thống khác, như Nha Trang, Phan Thiết, Cát Hải (Hải Phòng)…

Theo ông Thành, hiện nay trên đảo Phú Quốc có hơn 60 đơn vị, cá nhân ướp chượp nước mắm. Tuy nhiên, chỉ có 10 đơn vị được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Văn bằng quốc gia bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý; được Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cùng UBND tỉnh Kiên Giang xây dựng các quy chế quản lý chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc, trong đó có nước mắm Thanh Quốc.

Đâu là nước mắm được cấp Văn bằng bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý

Theo ông Phạm Ngọc Thành, chỉ nói riêng về nước mắm có thành phần chế biến từ hải sản rất nhiều. Có loại nước mắm được sản xuất đóng chai tại nơi sản xuất, nhưng cũng có nước mắm sản xuất và đóng chai ở nơi khác nhau…

Để phân biệt được đâu là nước mắm được cấp Văn bằng quốc gia bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý nơi sản xuất (tức là nhãn hiệu được cấp cho tập thể nhiều hộ sản xuất làng nghề theo phương pháp truyền thống). Người tiêu dùng phân biệt bằng 3 dấu hiệu trên vỏ chai, đó là: Logo chung Phú Quốc (nếu ở các vùng sản xuất khác sẽ có ghi Nha Trang, Phan Thiết, Cát Hải…); Tem chỉ dẫn địa lý được bảo hộ độc quyền tại châu Âu; tem kiểm soát.

Khi những chai mắm đã được cấp Văn bằng này thì quá trình sản xuất phái đáp ứng được các yêu cầu ngặt nghèo, như: nguyên liệu đầu vào là cá cơm. Khi đưa vào ủ chượp cá còn sống ở tỷ lệ từ 85% trở lên. Cá được ủ chượp ngay trên tàu chứ không đưa vào bờ ủ. Chỉ có muối và cá ủ với nhau, với tỷ lệ từ 2 - 2,5 tấn cá ủ với 1 tấn muối.

Thời gian ủ cho mỗi mẻ cá thành mắm từ 13 - 15 tháng, trong thùng gỗ bời lời. Đây là loại gỗ có tuổi thọ đến 100 năm, trong quá trình ướp chượp thùng gỗ không sản sinh ra các độc tố như các bể xây bằng xi măng.

Sau thành phẩm nước mắm được đóng chai ngay trên đảo Phú Quốc. Nếu sản xuất tại Phú Quốc, nhưng đưa đi nơi khác đóng chai vẫn không được cấp Văn bằng bảo hộ độc quyền.

Nếu có vấn đề gì, các cơ quan chức năng muốn truy xuất lại nguồn gốc của nước mắm trong từng chai thì chỉ cần căn cứ vào 3 loại tem nhãn dán trên vỏ chai sẽ biết được chai mắm đó ủ chượp trong thùng gỗ nào, thời gian ủ là bao lâu, số lượng cá ủ, tỷ lệ muối và cá ủ, số lượng chai mắm chiết xuất từ thúng ủ đó.

Theo như ông Thành, ngoài độ đạm, trên chai mắm còn ghi các chỉ số về axit amin. Nếu cá có chất lượng ngon sẽ cho chỉ số này cao và nước mắm rất thơm ngon. Ăn nước mắm được ủ chượp từ hải sản tự nhiên sẽ cho ta thấy vị ngọt lưu lại trên lưỡi sau vị mặn.

Tổ chức thanh tra trên diện rộng

Theo ông Thành, các loại nước mắm không được cấp Văn bằng quốc gia bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý nơi sản xuất, có thể nước mắm đó sản xuất một nơi, đóng chai một nơi, hoặc nước mắm đó chỉ có tỷ lệ nhỏ là cốt nước mắm được các nhà sản xuất mua về sau đó pha chế thêm các thành phần khác để đóng chai.

Riêng những chai mắm ghi chỉ số nồng độ đạm lên đến 60 - 65 0N thì có thể do dùng phương pháp cô đạm hoặc bổ sung đạm vào mắm chượp tự nhiên, chứ không có phương pháp chượp tự nhiên nào lấy được nồng độ đạm vượt quá 43 0N.

Độ đạm lấy trong quá trình chượp cá tự nhiên dễ tiêu hóa, nhưng khi bổ sung đạm công nghiệp, ít nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đối với các loại nước chấm công nghiệp, theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay người dân rất thích dùng các loại nước chấm này, trên vỏ chai của loại nước chấm này chỉ ghi hương cá hồi… không có các thành phần cụ thể ghi trên nhãn mác để người dùng có thể đọc được dễ dàng. Hoặc có ghi thì những dòng chữ quá nhỏ ở trên cổ chai, người tiêu dùng không đọc được.

Theo phân tích của những người chuyên sản xuất nước mắm, hương cá hồi này có thể là hương chiết xuất từ cá hồi, có nghĩa là nguồn gốc hương tự nhiên, nhưng cũng có thể là hương hóa học.

Hơn nữa, theo đánh giá của nhà sản xuất nước mắm nếu sản xuất nước mắm cá cơm loại cá rẻ chỉ vài chục nghìn đồng/kg cá tươi thì mắm có giá từ 150.000 - 250.000 đồng/lít. Nếu sản xuất từ cá hồi thì mỗi lít mắm cộng cả công chi phí, vận chuyển đến tay người tiêu dùng phải gần 1 triệu đồng/lít. Tuy nhiên, hiện nay nước chấm công nghiệp bán trên thị trường hương cá hồi chỉ bán với giá từ 40.000 đến trên 60.000 đồng/lít. Như vậy, không thể có sản phẩm mắm cá hồi được.

Nếu sản xuất nước chấm pha chế từ các thành phần là hương liệu và các chất hóa học thì đó là một thứ nước chấm gây tổn hại rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Nếu ăn với thời gian dài các độc tố tích tụ sẽ phát sinh ra nhiều loại bệnh trong cơ thể, hiện tại chưa có cơ quan nào đánh giá, chứng minh cụ thể tác hại ra sao. Có phân biệt được sản phẩm sạch, và sản phẩm không sạch thì người tiêu dùng mới hỗ trợ cho sản xuất phát triển và loại trừ những sản phẩm bẩn, không tốt cho sức khỏe ra ngoài thị trường.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,  Thanh tra Bộ Y tế đã lên kế hoạch tiến hành đợt thanh, kiểm tra thị trường nước mắm, nước chấm thủ công và đóng chai. Đợt thanh, kiểm tra này có sự vào cuộc của lực lượng thanh tra Cục An toàn thực phẩm, Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, TP trên phạm vi cả nước. Mục tiêu của đợt thanh, kiểm tra này là làm rõ phản ánh của người tiêu dùng về tình trạng mập mờ, thiếu tin cậy về tên gọi, nhãn mác, chất lượng, phụ gia sử dụng trong sản phẩm nước mắm, nước chấm.
Theo số liệu của Bộ Y tế, mỗi năm cả nước tiêu thụ trên 200 triệu lít nước mắm nhưng có đến 75% trong số này là nước mắm pha chế công nghiệp có hương liệu chứ không phải là sản phẩm nước mắm được ướp chượp tự nhiên. Như vậy, sự mập mờ của các loại nước chấm đang làm nhiễu loạn người tiêu dùng, những người không phân biệt rõ đâu là nước chấm và đâu là nước mắm sẽ tự gây tổn hại về sức khỏe, tiền bạc của mình.