Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường ô tô giảm sút mạnh

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến ngành ô tô Việt Nam lao đao, nhiều hãng xe phải tạm dừng sản xuất, đóng cửa đại lý phân phối.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây chỉ là khó khăn ngắn hạn, thời gian tới ngành ô tô sẽ bứt phá sau khi Chính phủ sửa đổi thuế suất và Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Doanh số lao dốc, nhiều hãng đóng cửa
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tháng 3/2020 doanh số bán đạt 19.154 xe giảm 41% so với cùng kỳ. Quý 1/2020, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 28%, xe nhập khẩu giảm 39% so với cùng kỳ 2019.
 Cửa hàng mua bán trao đổi ô tô trên đường Lê Văn Lương. Ảnh: Phạm Hùng
Nguyên nhân khiến sức tiêu thụ ô tô giảm sút trong quý I/2020, đại diện VAMA nhận định: “Doanh số của thị trường ô tô Việt Nam trong cả năm nay có thể sụt giảm hơn 15% so với năm 2019”.
Doanh số lao dốc do dịch Covid-19 khiến nhiều hãng ô tô phải dừng hoạt động, đóng cửa sản xuất. Cụ thể, ngày 6/4, VinFast tạm dừng hoạt động nhà máy sản xuất ô tô để phòng, chống dịch Covid-19. Thời điểm hoạt động trở lại sẽ được công bố khi dịch được kiểm soát. Không riêng VinFast nhiều DN sản xuất ô tô cũng trong tình trạng tương tự.
Từ 26/3 Ford Việt Nam tạm thời ngưng hoạt động sản xuất, lắp ráp tại nhà máy ở Hải Dương. Honda Việt Nam cũng tạm dừng hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy đến hết ngày 15/4. Ngoài việc tạm dừng sản xuất từ ngày 30/3 đến 15/4, Toyota Việt Nam đóng cửa toàn bộ đại lý, chi nhánh Toyota tại Hà Nội. Hãng xe sang Mercedes-Benz… cũng tạm ngừng hoạt động lắp ráp xe tại Việt Nam.
Chủ tịch VAMA Toru Kinoshita dự báo, nếu dịch Covid-19 kéo dài, sản lượng, doanh số ô tô tại Việt Nam có thể giảm về mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Ngành ô tô vẫn có nhiều cơ hội hồi sinh
Tuy thị trường ô tô quý I/ 2020 ảm đạm, song nhìn nhận về lâu dài, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn có những đánh giá tích cực. Thư ký VAMA Ninh Hữu Chấn cho rằng, thị trường và ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã có những bước chuyển mình ấn tượng. Vì vậy, khi dịch Covid-19 được khống chế, ngành ô tô sẽ tiếp tục tăng trưởng cả cung lẫn cầu và nguồn linh kiện lắp ráp không thiếu…
“Hiện nguồn linh phụ kiện nhập kho từ cuối năm 2019 đủ đáp ứng cả năm 2020. Các DN chủ yếu đang theo dõi tình hình dịch bệnh và phản ứng của thị trường để lên kế hoạch hoạt động trong thời gian tới ” - ông Chấn chia sẻ.
Còn dưới góc nhìn của cơ quan quản lý, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Đỗ Nam Bình cho rằng: Những khó khăn trước mắt chỉ là tạm thời, chắc chắn thời gian tới ngành công nghiệp ô tô sẽ bứt phá vì tiềm năng và thế mạnh còn nhiều. Đặc biệt, Hiệp định EVFTA với lộ trình giảm dần thuế nhập khẩu ô tô về 0% tạo cơ hội cho xe ngoại vào thị trường Việt Nam thuận lợi hơn.
“Ngay cả khi hiệp định chưa có hiệu lực thì tâm lý kỳ vọng vào chính sách giảm giá xe nhập khẩu sẽ tác động đến nhu cầu mua xe của người tiêu dùng, từ đó các đại lý có thể tăng doanh số” - ông Bình nói.
Nhằm hỗ trợ DN ngành ô tô vượt qua dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã có Công văn số 202/BCT-KH trình Thủ tướng đề xuất hỗ trợ DN sản xuất, lắp ráp ô tô gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập DN, thuế GTGT đến hết quý I/2021; giảm 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ thông qua nghị định sửa đổi thuế suất nhập khẩu linh kiện theo hướng giảm dần, tiến tới xóa bỏ. Nếu được thông qua, xe lắp ráp trong nước sẽ có cơ hội giảm giá mạnh, sẽ tăng sức cạnh tranh với xe nhập khẩu. Với sự hỗ trợ của Chính phủ và FTA mang lại ngành ô tô Việt Nam sẽ có thêm cơ hội phát triển sau khi Covid-19 được khống chế.

"Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ cân nhắc giảm thuế nhập khẩu phụ tùng linh kiện, vì nếu giảm loại thuế này thì sẽ giúp DN cắt giảm chi phí, góp phần hỗ trợ sản xuất phát triển bởi hiện chi phí sản xuất trong nước đang cao hơn so với khu vực khoảng 20%." - Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương)