Thị trường sữa tiếp tục loạn giá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông tin của nhiều người tiêu dùng, sau Tết Nguyên đán, giá sữa trên thị trường lại rục rịch tăng. Câu chuyện tăng giá sữa không mới nhưng cho thấy một điều đáng quan tâm:

Dù có đầy đủ các văn bản quy phạm từ luật đến pháp lệnh, nghị định… nhưng dường như cơ quan quản lý vẫn bất lực với giá sữa.Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết, trước Tết, một doanh nghiệp (DN) của nước ngoài gửi yêu cầu đề nghị được tăng giá từ 3 - 6%, nhưng qua rà soát và kiểm tra giá nhập, chi phí kinh doanh, Cục Quản lý giá thấy mức tăng không hợp lý nên đã bác bỏ đề nghị này. Ông Tuấn cho biết, hiện Cục đang yêu cầu DN này giải trình, chứng minh được mức tăng trên là hợp lý. "Nếu yếu tố đầu vào không thay đổi, nhất quyết không cho tăng bất luận vì lý do gì", ông Tuấn khẳng định. Tuy vậy, đến nay, ngoài các sản phẩm sữa của hãng Mead Johnson tăng giá 10% từ trước Tết, nhiều đại lý sữa cho hay đã nhận được thông báo miệng của ít nhất 5 hãng sữa khác với mức tăng từ 6% - 18%. Thời điểm áp dụng mức tăng giá thêm 7% vào ngày 1/3/2014.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, các yếu tố ảnh hưởng đến giá sữa tại thị trường trong nước là chi phí nguyên liệu, lương nhân công và chi phí vận chuyển. Cục Quản lý giá đang kiểm soát chi phí đầu vào của các DN để bảo đảm việc tăng giá sữa trên thị trường ở mức hợp lý, nếu việc tăng giá có tác động xấu đến thị trường sẽ công bố biện pháp bình ổn.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay, việc quản lý giá sữa, đưa sữa vào danh sách mặt hàng bình ổn giá được quy định tại Thông tư 30/2013/TT - BYT của Bộ Y tế. Tuy nhiên, nội dung trong thông tư này chỉ yêu cầu các DN kê khai giá mà chưa thể kiểm soát được triệt để giá sữa nhập khẩu hay giá sữa thành phẩm sau sản xuất. Thêm vào đó, Luật Giá hiện đang cho phép các DN kinh doanh sữa được tăng giá từ 15 - 20% và mỗi lần tăng giá phải cách nhau tối thiểu 15 ngày. Như vậy, nếu mỗi tháng, DN sữa tăng giá tới 2 lần vẫn không sai luật.

 Còn ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho rằng, trong câu chuyện này có một phần trách nhiệm của chính các DN Nhà nước trong lĩnh vực phân phối, khi họ chưa tham gia công tác nhập khẩu và phân phối sữa bột, một mặt hàng thiết yếu đối với nhiều đối tượng khách hàng. Ông Vũ Vinh Phú đề xuất: "Theo tôi, muốn quản lý giá sữa, chúng ta phải có một lượng sữa lớn để lấy hàng hóa áp đảo hàng hóa, trong đó phải có sự tham gia của các tổng công ty thương mại để đóng vai trò đầu mối dẫn dắt thị trường. Cần thay đổi cách thức triển khai chương trình bình ổn giá bằng cách tập trung vào một số mặt hàng chủ lực, không dàn trải”.

 
Quan trọng nhất là phải kiểm soát được yếu tố đầu vào của giá nguyên liệu. Bên cạnh đó là quyết định của người tiêu dùng nếu hãng này tăng giá thì có thể chuyển sang dùng thương hiệu khác. Như vậy sẽ gây áp lực được với DN phân phối, đảm bảo mức giá cạnh tranh công bằng theo quy luật của thị trường.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá