Thị trường than toàn cầu chao đảo vì lệnh cấm của Indonesia

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các công ty khai thác than Indonesia đang tìm giải pháp khẩn trương đối phó với lệnh cấm xuất khẩu than của Chính phủ, vốn đã khiến giá nhiên liệu tăng và có thể làm gián đoạn nhu cầu năng lượng của một số nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Các sà lan chở than chờ được kéo xếp hàng dọc sông Mahakam, Indonesia. Ảnh: Reuters
Các sà lan chở than chờ được kéo xếp hàng dọc sông Mahakam, Indonesia. Ảnh: Reuters

Nhà xuất khẩu than nhiệt điện lớn nhất thế giới hôm 1/1 đã cấm các chuyến hàng từ nước này vì lo ngại không thể đáp ứng nhu cầu năng lượng của chính mình. Nhưng lệnh cấm có nguy cơ làm suy yếu nhu cầu năng lượng của các nền kinh tế toàn cầu như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc - những điểm đến của 73% lượng than xuất khẩu từ Indonesia vào năm 2021.

Riya Vyas, một nhà phân tích kinh doanh tại iEnergy Natural, cho biết, mặc dù các trung tâm giao dịch than quan trọng như Australia đóng cửa hôm 3/1, nhưng giá than đến bờ biển phía Tây của Ấn Độ đã tăng lên tới 500 rupee (6,73 USD)/tấn kể từ khi lệnh cấm của Indonesia được công bố.

Bà Riya nói thêm, hiện chưa có bất kỳ nhà xuất khẩu nào tuyên bố tình trạng bất khả kháng, báo động thời điểm các công ty không thể cung cấp nhiên liệu vì các sự kiện ngoài tầm kiểm soát của họ.

Quyết định Indonesia diễn ra sau một năm đầy biến động đối với thị trường than toàn cầu, khi giá cả tăng vọt trong bối cảnh nguồn cung ở Trung Quốc - nước tiêu thụ lớn nhất thế giới - suy giảm. Theo dữ liệu từ Caixin, giá loại than xuất khẩu phổ biến nhất của Indonesia đã tăng lên mức kỷ lục 158 USD/tấn vào tháng 10/2021 và đã giảm 68 USD vào ngày 29/12 vừa qua.

Các nhà phân tích của Morgan Stanley đã dự báo rằng than nhiệt chất lượng cao tại cảng Newcastle của Australia sẽ đạt trung bình 140 USD/tấn trong quý đầu tiên năm 2022 nếu lệnh cấm được thực thi.

Theo phương tiện truyền thông địa phương, Chính phủ Indonesia ban hành lệnh cấm vì lượng than tồn kho thấp tại các nhà máy điện trong nước hiện ở mức có thể dẫn đến tình trạng mất điện trên diện rộng, mặc dù Jakarta có kế hoạch đánh giá lại quyết định vào ngày 5/1.

Ridwan Jamaludin, Tổng giám đốc khoáng sản và than của Bộ năng lượng Indonesia, hồi cuối tuần qua nói rằng, nếu không có lệnh cấm, gần 20 nhà máy điện sẽ phải đóng cửa. Tổng thống Joko Widodo hôm 3/1 cảnh báo các công ty khai thác sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nếu họ không cung cấp cho người mua trong nước. Tuy nhiên, vẫn còn những tranh luận trong Chính phủ Jakarta về đề xuất này, vì các nhà sản xuất muốn tiếp cận thị trường nước ngoài giá cao.

Theo chính sách Nghĩa vụ Thị trường Nội địa (DMO) của Indonesia, các công ty khai thác than phải cung cấp 25% sản lượng hàng năm cho công ty công ích nhà nước Perusahaan Listrik Negara (PLN) với mức giá tối đa là 70USD/tấn, thấp hơn giá thị trường hiện tại. Hôm 3/1, Chủ tịch ICMA Pandu Sjahrir cho biết Hiệp hội Khai thác Than Indonesia (ICMA) đã gặp các quan chức Bộ Thương mại để đưa ra giải pháp.

“Mục tiêu chính hiện nay là tránh việc mất điện. Trước mắt, giải pháp là 10 thành viên lớn nhất của chúng tôi cố gắng giúp đỡ tình trạng thiếu hụt của PLN”, ông Sjahrir nói. Đồng thời, ICMA kêu gọi thu hồi lệnh cấm vì cho rằng “nó được thực hiện một cách vội vàng mà không thảo luận với các bên kinh doanh”.

Cổ phiếu của các công ty khai thác than của Indonesia đã giảm vào đầu ngày thứ Hai. Adaro Energy giảm 3,1%, trong khi Bukit Asam mất 3,3% và Bumi Resources giảm 2,9%. Tuy nhiên, cổ phiếu Adaro sau đó đã tăng trở lại. Pandu cho biết một số công ty khai thác không thể bán cho PLN vì công ty yêu cầu than có nhiệt trị từ 4.200 kcal/kg trở xuống được coi là dạng nhiên liệu cấp thấp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần