Thị trường thép nội địa hy vọng phục hồi quý cuối năm

Ngọc Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều chuyên gia đưa ra dự báo sự phục hồi của ngành thép sẽ diễn ra vào các tháng quý IV/2022, với kỳ vọng về sự phục hồi dài hạn của ngành bất động sản và những biện pháp hỗ trợ kịp thời của Chính phủ.

Khó khăn "bủa vây" ngành thép

Báo cáo tài chính quý III/2022 của Hoà Phát cho thấy, bên cạnh việc báo lỗ âm 1.786 tỷ đồng, mảng kinh doanh và đóng góp chủ yếu chính là thép, DN này đã sản xuất hơn 6 triệu tấn thép thô trong 9 tháng đầu năm 2022, tương đương cùng kỳ 2021.

Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC) và phôi thép đạt 5,7 triệu tấn, tăng 3% so với 9 tháng 2021. Thép xây dựng đạt 3,4 triệu tấn, tăng 24%, trong đó, thị trường xuất khẩu đóng góp hơn 1 triệu tấn, tương đương cả năm 2021. Nửa đầu năm 2022, Hòa Phát cũng nâng thị phần từ 32,6% lên 36% đối với thép xây dựng, từ 24,7% lên 29% đối với ống thép và tiếp tục duy trì trong quý III/2022.

Ngành thép đang ở giai đoạn khó khăn nhất 10 năm. Ảnh: Hòa Phát
Ngành thép đang ở giai đoạn khó khăn nhất 10 năm. Ảnh: Hòa Phát

Tuy nhiên, lãnh đạo Hoà Phát cho biết, nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới, giá nguyên vật liệu trong đó đặc biệt là giá than cao gấp ba lần so với thời điểm bình thường, tín dụng thắt chặt, tỉ giá và lãi suất tăng mạnh. Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, lượng tồn kho lớn, trong bối cảnh giá thép thế giới liên tục giảm mạnh, rõ ràng đã gây một áp lực lớn lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thép trong quý vừa qua.

Còn với công ty TNHH Thép Miền Nam (Vnsteel) đã gửi thông báo đến cán bộ nhân viên về việc tổ chức nghỉ luân phiên theo kế hoạch ngưng sản xuất dài ngày từ tháng 10 đến tháng 12/2022. Quyết định này đến từ việc nhu cầu thép xây dựng trên thị trường thế giới và nội địa đã suy yếu, các dự án đầu tư, bất động sản bị trì trệ và gặp nhiều khó khăn.

Trong báo cáo mới đây, công ty CP Chứng khoán Everest (EVS Research) nhận định ngành thép đang ở giai đoạn khó khăn nhất 10 năm. Sản xuất và tiêu thụ thép quý III thậm chí còn thấp hơn quý III/2021, thời điểm trong nước đóng cửa vì dịch bệnh, các hoạt động xây dựng gần như đóng băng tại các TP lớn.

“Trong quý III và trong 9 tháng đầu năm, ngành thép gặp khó do ngành bất động sản bị ảnh hưởng sau vụ việc của Tân Hoàng Minh hồi đầu năm, trái phiếu bị siết chặt. Đây là nguồn vốn quan trọng đối với các doanh nghiệp bất động sản trong một vài năm trở lại đây”, báo cáo viết.

Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định bằng cụm từ “mây mù che phủ” để phân tích ngành thép nửa cuối năm 2022. Giá thép Trung Quốc sẽ duy trì mặt bằng thấp trong nửa cuối năm do nhu cầu chưa hồi phục. Các DN sản xuất thép cần giải phóng lượng lớn hàng tồn kho hiện hữu. Ngoài ra, giá nguyên, nhiên vật liệu giảm mạnh trong nửa cuối năm sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình giảm giá bán.

Quý IV hy vọng phục hồi

EVS Research dự báo rằng ngành thép sẽ phục hồi nhẹ vào quý IV, khi bắt đầu vào mùa xây dựng. Tuy nhiên, giá thép có thể sẽ duy trì ở mức thấp do giá nguyên liệu sản xuất như than cốc, quặng sắt đã hạ nhiệt từ tháng 3 đến nay.

Tuy nhiên, vẫn có một số yếu tố kìm hãm ngành thép trong dài hạn. Cụ thể bất động sản đang gặp khó khăn do dòng vốn trái phiếu đang bị siết lại trong năm nay. Mặt khác, Luật Đất đai sửa đổi với nhiều thay đổi, việc chờ đợi những sửa đổi chính thức được ban hành có thể làm giảm tốc độ phê duyệt các dự án trong thời gian tới.

“Trong ngắn hạn, ngành thép có thể phục hồi nhẹ vào quý IV. Tuy nhiên, xét về dài hạn, ngành thép trong nước vẫn gặp khó khăn”, chuyên viên phân tích cho hay.

Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) Trịnh Thị Ngân nhận định, thời gian qua, ngành thép đạt một số thành tựu cơ bản nhưng chưa đáp ứng tiềm năng hiện có. Thép mới chỉ đáp ứng nhu cầu xây dựng, còn thép trong lĩnh vực chế tạo, chế biến, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng được.

“Chúng ta khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của ngành công nghiệp này trong sự phát triển kinh tế, vì vậy phải đề xuất cơ chế chính sách đủ mạnh và khả thi để có hướng đi rõ ràng cho ngành thép và có cơ sở thực hiện một cách hiệu quả, hướng tới mục tiêu xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" - bà Trịnh Thị Ngân cho hay.

Thép mới chỉ đáp ứng nhu cầu xây dựng, còn thép trong lĩnh vực chế tạo, chế biến, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng được.
Thép mới chỉ đáp ứng nhu cầu xây dựng, còn thép trong lĩnh vực chế tạo, chế biến, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng được.

Năng lực sản xuất của các nhà máy trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu thép xây dựng thông thường. Một số sản phẩm xuất khẩu cao như: Tôn mạ, ống thép, thép cuộn cán nguội. Tuy nhiên, các chủng loại thép khác phục vụ ngành chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ như: thép cuộn cán nóng, thép hợp kim, thép chế tạo cơ khí, thép tấm cán nóng, thép tấm cán nguội… còn phải nhập khẩu.

Nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của ngành thép đa phần phải nhập khẩu, như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite… Do đó, giá thành sản phẩm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường nước ngoài.

Đồng thời, Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) Trịnh Thị Ngân đã đề xuất 3 giải pháp: Thứ nhất, tập trung nghiên cứu, xây dựng chiến lược, quy hoạch và chính sách đủ mạnh, đồng bộ, khả thi để thực hiện cho được các mục tiêu phát triển ngành thép, tạo tiền đề cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ hai, tập trung phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quặng và hình thành thị trường nguyên liệu thép lành mạnh.

Thứ ba, Hiệp hội Thép Việt Nam phải vươn lên làm vai trò “bà đỡ” cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, đồng thời đóng vai trò trọng tài để góp phần bình ổn thị trường thép, bảo đảm quyền lợi của 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

 

"Ngành sản xuất thép được Bộ Công Thương quản lý thông qua Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép đến năm 2020, có xét đến năm 2025 (Quyết định số 694/QĐ-BCT ngày 31/01/2013) và các quy định pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2019, thực hiện theo quy định tại Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14, quy hoạch ngành sản phẩm (trong đó có ngành thép) đã được bãi bỏ. Hiện tại, các sản phẩm thép tiêu thụ trên thị trường tuân thủ theo các quy chuẩn và tiêu chuẩn" - Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) Trịnh Thị Ngân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần