Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường thiết bị Phòng cháy chữa cháy: Thả nổi chất lượng

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau liên tiếp các vụ cháy xảy ra thời gian gần đây khiến nhiều hộ gia đình tìm mua thiết bị phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Thị trường thiết bị PCCC nóng lên từng ngày, nhưng đáng nói là chất lượng lại bị thả nổi.

Thiết bị PCCC đắt khách

Chị Hải Minh - chủ cửa hàng kinh doanh thiết bị PCCC trên phố Yết Kiêu cho hay, trước kia sản phẩm PCCC chủ yếu bán cho các nhà máy, xí nghiệp, chủ thầu xây dựng. Với khách lẻ, mỗi ngày chỉ bán được 1 - 2 bộ mặt nạ chống độc và bình chữa cháy. Nhưng trong vòng nửa tháng trở lại đây, khi vụ cháy chung cư Carina xảy ra, rất nhiều người dân tới mua thiết bị PCCC. Sức tiêu thụ các mặt hàng bình chữa cháy, mặt nạ chống độc tăng gấp 10 - 20 lần so với trước. Mặc dù sức mua tăng đột biến khiến lượng hàng khan hiếm, nhưng các cửa hàng không lạm dụng điều này để tăng giá.
 Thiết bị PCCC bày bán trong một cửa hàng tại Hà Nội. Ảnh: Lê Nam
Cụ thể, bình chữa cháy mini từ 75.000 - 90.000 đồng/bình; bình chữa cháy bột loại 1 - 8kg có giá 140.000 - 400.000 đồng/bình; bình chữa cháy CO2 từ 3 - 5kg có giá 350.000 - 520.000 đồng/bình; quần áo chống cháy 500 độ là 1,7 triệu đồng/bộ, 1.000 độ là 2,5 triệu đồng/bộ; Dây thoát hiểm nhà cao tầng dài 9 - 30m có giá từ 3 - 3,5 triệu đồng/bộ; dây thoát hiểm từ 33 - 90m có giá từ 3,5 - 6 triệu đồng/bộ…
Đối với mặt hàng mặt nạ chống độc, hiện trên thị trường có nhiều mẫu mã khác nhau và giá thành sản phẩm cũng từ bình dân đến cao cấp. Người nhiều tiền thì mua loại mặt nạ chống khói làm từ chất liệu chống cháy, có màng chắn bảo vệ mắt và phin lọc hoạt tính, chống khói, chống độc… giá bán khoảng 800.000 đồng/sản phẩm. Người ít tiền hơn thì có thể mua mặt nạ chống khói đơn giản không mũ trùm đầu với giá từ 150.000 - 180.000 đồng/sản phẩm. Theo giải thích của người bán hàng, loại mặt nạ than hoạt tính có giá rẻ vì chỉ sử dụng một lần.

"Việc quản lý chất lượng bình cứu hỏa được thực hiện theo Thông tư 66/2014/TT-BCA của Bộ Công an nhưng hiện chưa có quy chuẩn quốc gia về tiêu chuẩn bình cứu hỏa nên việc kiểm định sẽ thực hiện theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Ví dụ, bình cứu hỏa nhập từ nước A thì phải sản xuất theo quy chuẩn kỹ thuật mà nước A ban hành hoặc theo tiêu chuẩn cơ sở do chính nhà sản xuất ban hành. Việc kiểm định sẽ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đó. Tuy nhiên các chỉ tiêu trong tiêu chuẩn, quy chuẩn của nhà sản xuất không được thấp hơn tiêu chuẩn của Việt Nam." - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) Nguyễn Nam Hải

Ngoài bình cứu hỏa, mặt nạ phòng độc cũng đắt hàng. Rồi cửa chống cháy làm bằng inox hoặc nhôm với 3 lớp cách nhiệt chống cháy qua đó làm chậm hoặc ngăn chặn lửa và khói cháy lan ra có giá từ 1 -1,1 triệu đồng/m2 cũng được nhiều người tìm mua. Đại diện Công ty TNHH Sơn Mỹ (quận Hoàng Mai) chuyên sản xuất các loại cửa chống cháy cho biết, trong tháng qua, nhận được rất nhiều đơn hàng từ người dân tại các khu chung cư, đa số đặt các loại cửa nhôm, hoặc inox. Tuy nhiên, có gia đình chọn mua loại cửa chống cháy cao cấp làm bằng chất liệu gỗ tự nhiên có thể chống cháy từ 80 - 120 phút có giá từ 5 -10 triệu đồng/m2.

Nhiều hàng trôi nổi

Dù thiết bị PCCC đang được tiêu thụ mạnh, nhưng hàng nội lại vắng bóng trên thị trường, "nhường sân" cho hàng ngoại nhập. Có thể điểm qua các mặt hàng bán chạy như bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc, dây thoát hiểm... đều có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đại diện Công ty CP bảo hộ lao động Việt Nam khẳng định, các DN Việt Nam không sản xuất bình chữa cháy mà thường nhập về từ Trung Quốc do giá rẻ, chỉ từ 100.000 - 200.000 đồng/bình, bình chữa cháy Hàn Quốc sản xuất giá đắt gấp đôi nên sức tiêu thụ chậm. PGS. TS Ngô Văn Xiêm - nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học PCCC cho biết, hiện trên thị trường không có bình cứu hỏa do Việt Nam sản xuất. “Cách đây khoảng 15 năm, Cục Cảnh sát PCCC đã cho phép DN Việt sản xuất bình cứu hỏa, nhưng sản phẩm không được người tiêu dùng chọn mua, nên sau đó không sản xuất nữa. Đến nay khoảng 90% bình cứu hỏa trên thị trường do Trung Quốc sản xuất” - ông Xiêm chia sẻ.

Khảo sát tại nhiều cửa hàng bán thiết bị PCCC, có rất ít sản phẩm có tem dán kiểm định chất lượng của Bộ Công an được bày bán. Đa phần là hàng trôi nổi từ Trung Quốc không có nguồn gốc rõ ràng. Vì vậy khi mua các thiết bị PCCC người tiêu dùng phải kiểm tra kỹ về tem kiểm định chất lượng, thời gian sử dụng ghi trên sản phẩm qua đó tránh việc bỏ ra số tiền lớn nhưng vẫn mua phải hàng kém chất lượng.