Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường tiền ảo nhộn nhịp, cảnh báo rủi ro khó lường

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các hoạt động đầu tư, mua bán tiền số như Bitcoin, Ethereum và hàng loạt đồng tiền số khác vẫn diễn ra nhộn nhịp trên mạng.

Trên nhiều trang cá nhân, diễn đàn mạng xã hội hay các nhóm đầu tư kín đã bàn tán rôm rả về phương pháp đầu tư, lựa chọn tiền số nào…

Giao dịch sôi động

Qua giới thiệu của bạn cũ, chị Trần Thu Hằng ở Trung Liệt, Đống Đa chỉ trong vòng 2 ngày đã nạp tiền vào hệ thống ACO dold và thắng 226.000 USD. Khi muốn rút tiền ra, các đối tượng yêu cầu bị hại nạp thêm tiền vào tài khoản với các lý do “nộp tiền xác thực”, “nâng cấp tài khoản VIP”, “tiền rủi ro an toàn”… Tổng cộng, Chị Hằng đã thực hiện 15 giao dịch và bị chiếm đoạt mất hơn 2 tỷ đồng.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Lê Kiều Giang (23 tuổi), cựu sinh viên ngành công nghệ thông tin một trường đại học ở Hà Nội, từng tốt nghiệp loại giỏi, có công việc ở công ty lớn mà nhiều người ao ước, tuy nhiên sau khi đi làm 1 năm, Giang quay sang đầu tư tiền ảo để chạy theo giấc mơ làm giàu. Chị Giang cho biết:"Mình từng đầu tư vào sàn K., R., C, sau đó chuyển sang đầu tư vào 2 sàn B và G, số vốn nạp vào khoảng hơn 1 tỷ kèm theo kỳ vọng sẽ "đẻ" ra những khoản tiền gấp chục lần." Tuy nhiên, kiếm tiền kiểu này được nhiều chuyên gia khuyến cáo rất rủi ro do chưa rõ tính pháp lý.

Nguyễn Ngọc Minh, sinh viên một trường đại học về kinh tế đầu tư tiền kỹ thuật số hay còn gọi là tiền ảo đã được 2 năm. “Ban đầu, tôi đầu tư chứng khoán thông qua ứng dụng cho phép đầu tư-tích lũy tài sản vừa và nhỏ; cùng BO (hình thức đánh giá tỷ giá của các cặp tiền tệ, vàng…) nhưng lãi không cao nên chuyển sang tiền ảo. Tôi tìm hiểu về đầu tư tiền ảo qua mạng và người quen” - Nguyễn Ngọc Minh nói.

Một rủi ro mà Nguyễn Ngọc Minh đã từng gặp phải và cảnh báo là “mắc bẫy” những sàn chứng khoán lừa đảo mang danh đầu tư cổ phiếu nước ngoài. Nam sinh viên khuyên: “Người mới bắt đầu nên trang bị đầy đủ kiến thức, lợi nhuận cao sẽ đi kèm rủi ro”.

Dù chưa được pháp luật Việt Nam công nhận, các giao dịch tài sản số vẫn diễn ra sôi động thông qua các sàn quốc tế hoặc hình thức thỏa thuận trực tiếp, tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền và thất thoát cho nền kinh tế. Top các sàn giao dịch điện tử lớn nhất Việt Nam hiện tại là Binance, Remitano, MEXC Global, BitMart, Huobi Global, Gate.io…

Báo cáo từ Công ty Boston Consulting Group nhận định, tổng giá trị tài sản số đến năm 2030 dự kiến lên tới 16.000 tỷ USD, chiếm 10% GDP toàn cầu. Còn theo số liệu thống kê mới đây của Crypto Crunch App, Việt Nam đứng thứ ba thế giới về giao dịch tiền số (sau Ấn Độ và Mỹ), với gần 26 triệu người sở hữu tiền ảo.

“Tổng giá trị giao dịch của người dùng Việt Nam chỉ riêng trên một sàn tài sản ảo Top đầu đã vào khoảng 20 tỷ USD/tháng. Thị trường giao dịch OTC (mua bán trực tiếp) tài sản ảo ở Việt Nam mỗi ngày có quy mô không dưới 100 triệu USD. Đây là những số liệu thống kê ở thời điểm giữa năm 2023, khi giá Bitcoin chỉ khoảng 30.000 USD” - CEO Công ty công nghệ Alpha True Trần Huyền Dinh cho hay.

Tiềm ẩn rủi ro

Thị trường giao dịch tài sản ảo ở Việt Nam khá sôi động, song tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Vì vậy, thời gian tới, ông Dinh cho rằng cần xây dựng khuôn khổ pháp lý để quản lý tài sản ảo, tiền ảo để quản lý, phòng ngừa rủi ro.

Tại Diễn đàn tài sản số mới đây, Chủ tịch Công ty CP Công nghệ số SSI (SSI Digital) Nguyễn Duy Hưng đánh giá, tài sản số có nhiều cơ hội, nhưng cũng có rất nhiều rủi ro; thị trường càng nhiều cơ hội thì càng nhiều lừa đảo. Ông Hưng đề xuất xây dựng khung pháp lý kiểm soát giao dịch tài sản số, thúc đẩy kiến tạo môi trường phát triển các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam, phát triển các ứng dụng blockchain và dịch vụ kỹ thuật.

“Khi các dòng tiền đầu tư được kiểm soát chặt chẽ và minh bạch, rủi ro an ninh tiền tệ sẽ giảm, góp phần tăng cường tài chính quốc gia, tăng nguồn thu ngân sách thông qua kiểm soát thuế, giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư” - ông Hưng khẳng định.

Bộ Công an đề nghị người dân nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo liên quan đến tiền ảo.
Bộ Công an đề nghị người dân nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo liên quan đến tiền ảo.

Các loại tiền số như Bitcoin, Ethereum... được coi là tài sản ảo phổ biến. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể về tiền ảo và tài sản ảo. Các quy định hiện mới đề cập khái niệm tiền điện tử neo theo tiền pháp định, tồn tại dưới dạng thẻ trả trước ngân hàng, ví điện tử.

Cụ thể Nghị định số 52/2024/NĐ-CP của Chính phủ đã bổ sung một số quy định về tiền điện tử (e-money); trong đó, định nghĩa, làm rõ bản chất của tiền điện tử (Điều 3); quy định cụ thể các hình thức thể hiện của tiền điện tử được sử dụng trong hoạt động thanh toán bao gồm ví điện tử, thẻ trả trước (Điều 6); đối tượng cung ứng tiền điện tử bao gồm: ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (cung ứng dịch vụ ví điện tử và thẻ trả trước) và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (cung ứng dịch vụ ví điện tử liên kết với tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng).

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), việc bổ sung quy định để làm rõ bản chất của tiền điện tử là cần thiết, nhằm giúp đảm bảo thống nhất, loại trừ các thể loại tiền ảo, các công cụ sử dụng như phương tiện thanh toán mà không chịu sự quản lý của cơ quan chức năng.

NHNN cho biết Việt Nam có hơn 40 nhà cung cấp ví điện tử tham gia thị trường thanh toán cùng với các ngân hàng. Tính đến cuối năm 2023, theo báo cáo của FiinGroup, có khoảng 36 triệu ví điện tử đang hoạt động.

Ngoài quy định về tiền điện tử neo theo đồng tiền pháp định, Việt Nam hiện chưa xây dựng khung pháp lý nhưng cũng không cấm tiền số, tài sản ảo. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú từng khẳng định, Bitcoin và các loại tiền ảo khác hoàn toàn không phải là tiền điện tử, không được thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh ở Việt Nam.

Mới nhất, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xây dựng khung pháp lý đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo, thực hiện trong tháng 5/2025. Thế nhưng đến nay chưa có bộ ngành nào đưa ra được dự thảo về khung pháp lý liên quan đến tiền số, tài sản số nói chung.

Do đó, trong giai đoạn này, các bộ, ngành tăng cường cảnh báo trên phương tiện thông tin đại chúng về rủi ro liên quan đến các hoạt động đầu tư vào tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo, khuyến cáo các nhà đầu tư thận trọng khi tham gia đầu tư các sản phẩm này.

 

Hiện nay, các sàn giao dịch tiền số, tiền ảo chủ yếu là nước ngoài, nếu Việt Nam có mở sàn thì ở mức độ là môi giới hay như thế nào. Việc thừa nhận hay không thừa nhận, cấm hay điều chỉnh tài sản ảo đều đặt ra những xung đột lợi ích giữa nhóm đối tượng đầu tư, kinh doanh truyền thống như bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu và những người theo đuổi lĩnh vực kinh tế số như Blockchain, AI, IoT… Hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo không chỉ quản lý về thuế, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố mà còn là cơ sở để giải quyết các tranh chấp, phòng chống lừa đảo. (TS Nguyễn Trí Hiếu)