Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường tiền tệ nhiều biến động: Yếu tố nào tác động mặt bằng lãi suất ngân hàng?

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tháng 7/2020, thị trường tiền tệ có nhiều biến động. Trong đó, trái phiếu DN đã khiến nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động lần thứ 4 kể từ đầu năm. Chỉ số đo lường sức mạnh đồng đô la Mỹ (DXY) đã giảm, còn hầu hết các đồng tiền khác trong giỏ thanh toán quốc tế đều tăng.

Áp lực trái phiếu DN lên lãi suất ngân hàng giảm
Từ đầu tháng 7/2020, nhiều ngân hàng đã công bố giảm lãi suất huy động tiền gửi ở nhiều kỳ hạn. Trong đó, kỳ hạn 12 tháng chỉ dao động ở mức trên dưới 6%, mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Điều này chứng tỏ các ngân hàng đang dồi dào thanh khoản.
 Lãi suất tiền gửi giảm lần thứ 4 kể từ đầu năm. Ảnh minh hoạ.
Việc hạ lãi suất lần này tập trung vào nhóm kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống. Ở các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng hiện cũng cách xa mức trần 4,25% của Ngân hàng Nhà nước, phổ biến là 3,7 - 4%/năm. Kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng phổ biến từ 5,5 - 6,5%/năm tùy thuộc số tiền. Kỳ hạn 12 tháng trở lên cũng chỉ trên dưới 7%/năm. So với biểu lãi suất áp dụng trước ngày 1/7, lãi suất hiện tại của các nhà băng này thấp hơn khoảng 0,4 - 0,5 %, có nơi thậm chí giảm 1%/năm.
Tại các ngân hàng thương mại Nhà nước như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank cũng đều giảm lãi suất xuống còn từ 3,7 - 4%/năm ở các kỳ hạn tiền gửi dưới 5 tháng; lãi suất tiền gửi từ 6 tháng đến dưới 12 tháng còn từ 4 - 4,5%/năm; lãi suất từ 12 tháng trở đang áp dụng là 5,7 - 6,1%/năm.
Tính chung, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại của cổ phần ngoài quốc doanh và quốc doanh hiện ở mức 3,5 - 4,25%/năm ở các kỳ hạn dưới 6 tháng; lãi suất huy động kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng ở mức 4,4 - 6,7%/năm; kỳ hạn 12 và 13 tháng dao động ở mức 5,5 - 7,5%/năm, giảm từ 0,75 đến 2% so với cuối năm 2019.
Nhận định của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, yếu tố tác động lên mặt bằng lãi suất là do tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) từ đầu năm đến nay ước tính ở mức 159 nghìn tỷ đồng, tăng 50% so với 6 tháng đầu năm 2019.
Nhà đầu tư (NĐT) cá nhân đã mua trực tiếp gần 22,7 nghìn tỷ đồng TPDN trên thị trường sơ cấp - tương đương 15% tổng lượng phát hành, cao hơn mức trung bình gần 10% của năm trước.
TPDN đang hút một lượng tiền đáng kể từ các kênh đầu tư khác trong đó trực tiếp nhất là kênh tiền gửi. Nguyên nhân là do lợi tức TPDN cao hơn từ 0,8 - 1,7%/năm so với lãi suất tiền gửi.
Lượng TPDN do các tổ chức phi tín dụng, cá nhân nắm giữ là khoảng 385.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,2% tổng tiền gửi toàn hệ thống.
Hiện tại, chưa có đơn vị trung gian độc lập định hạng các TPDN, việc tự đánh giá các trái phiếu vượt quá khả năng của các NĐT cá nhân. Do vậy, DN phát hành ở mức lãi suất cao, chuyên gia cảnh báo NĐT nên thận trọng lựa chọn đơn vị hoạt động kinh doanh tốt, tránh rủi ro cho dòng tiền.
Đồng Việt Nam tăng giá
Tuần qua, chỉ số đo lường sức mạnh đồng đô la Mỹ giảm về 96.65, còn các ngoại tệ mạnh khác trong giỏ thanh toán quốc tế đều tăng giá so với USD. Cụ thể, tỷ giá đồng bảng Anh GBP/USD tăng 1,1%; tỷ giá EUR/USD tăng 0,46%; tỷ giá đồng Nhân dân tệ CNY/USD tăng 0,95%; tỷ giá đồng Yên Nhật JPY/USD tăng 0,54%)…
Diễn biến quốc tế đã hỗ trợ đồng Việt Nam tiếp tục tăng giá so với USD. Cụ thể, tỷ giá VND/USD do các ngân hàng thương mại niêm yết giảm trong tuần trước 20 đồng/USD, thấp hơn mức cuối năm 2019. Tỷ giá trung tâm cũng giảm 14 đồng/USD, về mức 23.216 đ/USD trong sáng nay (14/7).
Giai đoạn vào cuối tháng 3, đồng Việt Nam liên tục mất giá, NHNN đã giảm mạnh tỷ giá bán xuống mức 23.650 đồng/USD cùng với cam kết sẵn sàng bán ngoại tệ ra để bình ổn thị trường. Cán cân thương mại trong tháng 6 tiếp tục thặng dư 1,85 tỷ USD - cao hơn nhiều lần con số ước tính của Tổng Cục Thống kê. Cung cầu ngoại tệ trên thị trường vẫn khá thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của các DN.
Vàng trong nước tuần qua cũng đã tăng vượt mốc 50 triệu đồng/lượng, gần như ngang với giá vàng thế giới và đã tăng tổng cộng 18,3% kể từ đầu năm đến nay. Hiện Ngân hàng Nhà nước theo dõi chặt chẽ biến động của giá vàng và quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng tại Việt Nam