Thị trường Triều Tiên - mới nhưng nhiều tiềm năng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với tài nguyên thiên nhiên phong phú, những ưu điểm về nguồn nhân lực, giá nhân công, thuế suất… đang là những yếu tố hấp dẫn mà các DN Việt Nam có thể khảo sát, tìm hiểu để đầu tư vào thị trường Triều Tiên giàu tiềm năng.

Tại Hội thảo "Cơ hội hợp tác đầu tư và thúc đẩy giao thương Việt Nam - Triều Tiên" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 30/10, ông Mun Chol - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kinh tế đối ngoại Triều Tiên) cho biết: Bên cạnh hơn 200 loại khoáng sản, thủy sản, nông sản…, Triều Tiên hiện có nguồn nhân lực đa dạng được đào tạo bài bản. Điều này không chỉ thể hiện ở đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế trình độ cao có thể tham gia đàm phán với nhiều nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN), mà còn thể hiện ở chính sách giáo dục - Chính phủ vừa ban hành chế độ giáo dục bắt buộc 12 năm không mất tiền... Đáng chú ý, giá nhân công tại Triều Tiên tương đối rẻ, chỉ bằng 1/10 châu Âu và 1/5 Hongkong (Trung Quốc), Trung Quốc; thuế suất cũng thấp hơn nhiều thị trường nước ngoài. Chưa kể, khi đầu tư vào quốc gia này, các DN có cơ hội tiếp cận nhiều thị trường lớn xung quanh.

Trong quan hệ kinh tế đối ngoại, Chính phủ Triều Tiên cho phép nhà ĐTNN đầu tư đa dạng các lĩnh vực, trong đó khuyến khích công nghệ cao, khai thác tài nguyên môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng, nghiên cứu KHCN. Chính phủ nước này cũng đã công bố một loạt luật liên quan để đảm bảo môi trường minh bạch cho ĐTNN, như: Luật ĐTNN, Luật Ngân hàng ĐTNN, Luật Quản lý ngoại tệ, Luật Thuế cho DN nước ngoài, Luật Phá sản DN nước ngoài... Trong đó, nhiều luật đã được ban hành cả trước khi có Luật ĐTNN. Triều Tiên cũng đã ký kết nhiều hiệp định khuyến khích đầu tư với các nước châu Á và châu Âu.Hiện, Việt Nam và Triều Tiên đã ký thỏa thuận hàng đổi hàng, thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại của hai nước, hợp tác giữa hai Phòng Thương mại và Công nghiệp… và đang tích cực sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư song phương. "Mối quan hệ thông thương ngày càng được mở rộng, trong đó tháng 7 và tháng 9 hàng năm, Triều Tiên đều tổ chức hội chợ quốc tế thu hút các DN Việt Nam tham gia, tháng 5/2014 cũng có một số công ty Triều Tiên tham gia Hội chợ Thiết bị y tế, dược phẩm tại Hà Nội. Hơn nữa, Bộ Kinh tế đối ngoại chúng tôi hiện đã có cổng thương mại điện tử, nên DN hai nước có thể tận dụng hình thức giao thương này để trao đổi thông tin, tìm kiếm bạn hàng…" - ông Mun Chol nhấn mạnh.

Đáng chú ý, xác định việc thành lập các đặc khu kinh tế để thu hút ĐTNN là xu thế chung của kinh tế thế giới, nên đến nay, Triều Tiên đã có 24 đặc khu kinh tế. Các nhà ĐTNN đều được khuyến khích đầu tư vào các đặc khu này, được đảm bảo một môi trường pháp lý thuận lợi cũng như được hưởng nhiều chính sách miễn giảm thuế.

 
Ký Hiệp định Vận chuyển hàng không Việt Nam - Triều TiênChiều 30/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công và Thứ trưởng Bộ Kinh tế đối ngoại Triều Tiên Ri Myong San đã ký Hiệp định Vận chuyển hàng không giữa hai nước. Hiệp định này sẽ thay thế Hiệp định Vận chuyển hàng không đã ký trước đây (14/11/1977). Hiệp định gồm 23 điều và 1 phụ lục sau khi có hiệu lực sẽ tạo thuận lợi hơn để các hãng hàng không hai nước khai thác thị trường Việt Nam - Triều Tiên; đồng thời đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân hai nước, góp phần vào việc thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Triều Tiên. (Thiện Anh)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần