Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường UPCoM: Sẽ giám sát như thị trường niêm yết

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 24/6/2019 là thời điểm tròn 10 năm thị trường giao dịch cổ phiếu công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) chính thức được vận hành tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Theo HNX, mục tiêu trong thời gian tới là củng cố và bổ sung tính thị trường cho UPCoM, tăng cường công tác giám sát, nâng cao tính minh bạch cho thị trường này.

 Giao dịch tại Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội. Ảnh: Việt Linh
Hơn 830 doanh nghiệp giao dịch trên UPCoM

Tại thời điểm năm 2009, trong bối cảnh thị trường giao dịch cổ phiếu tự do có quá nhiều rủi ro, gây mất an toàn về giao dịch và thanh khoản cho các nhà đầu tư, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã quyết tâm cho ra đời thị trường UPCoM. UPCoM ra đời với mục tiêu thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường giao dịch có tổ chức, có quản lý của Nhà nước, quy tụ các cổ phiếu của các công ty chưa niêm yết về một đầu mối quản lý thống nhất. Thị trường này cũng tạo ra cơ hội giao dịch chứng khoán công khai, minh bạch, an toàn và thuận lợi cho nhà đầu tư.

Nếu như trong 6 năm đầu hoạt động, UPCoM chỉ có mức tăng trưởng rất khiêm tốn với 169 DN đăng ký giao dịch, giá trị giao dịch khoảng 15 tỷ đồng/phiên tính đến thời điểm 15/9/2014; giai đoạn sau đó, chỉ trong vòng 4 năm đến thời điểm 15/6/2019, số DN đăng ký giao dịch tăng gấp 5 lần lên 833 DN, giá trị giao dịch tăng 18 lần lên mức trên 250 tỷ đồng/phiên trong 5 tháng đầu năm 2019. Quy mô thị trường tăng từ 24.000 tỷ đồng lên 330.000 tỷ đồng. Các DN Nhà nước dồn dập lên UPCoM, các DN đấu giá cũng nhanh chóng lên UPCoM tạo thành một làn sóng mạnh mẽ các DN lên UPCoM từ năm 2014 đến nay. Hàng hóa trên UPCoM cũng phong phú, đa dạng hơn, với nhiều hàng hóa có chất lượng tốt hơn, trong đó có những công ty có quy mô vốn lớn như Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) vốn hóa thị trường 180.695 tỷ đồng, Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEA) vốn hóa 75.210 tỷ đồng, Công ty CP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) 40.306 tỷ đồng, Tổng Công ty Dược Việt Nam (DVN) 3.483 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (GVR) 1.328 tỷ đồng...

Thúc đẩy minh bạch các công ty trên UPCoM

Đại diện HNX cho biết, sau 10 năm hình thành và phát triển, UPCoM đã khẳng định vai trò là kênh giao dịch cổ phiếu an toàn, hiệu quả cho nhà đầu tư và kênh huy động vốn hiệu quả cho DN. Với quy mô thị trường và chất lượng cổ phiếu gia tăng nhanh chóng, thị trường UPCoM đang ngày càng hấp dẫn cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài và đã trở thành thị trường được các quốc gia trong khu vực dành nhiều sự quan tâm, trao đổi kinh nghiệm vận hành, quản lý như Singapore, Thái Lan, Lào.

Tuy nhiên, phía cơ quan quản lý cũng như các thành viên tham gia thị trường cũng thừa nhận, đến thời điểm này, UPCoM đã có tính quản lý nhưng còn thiếu tính thị trường. Do vậy, mục tiêu của các cơ quan chức năng trong thời gian tới là phải củng cố và bổ sung tính thị trường cho UPCoM. Đồng thời, hoàn thiện và đưa mảng thị trường này thành mảnh ghép của thị trường cổ phiếu mà một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là tăng cường công tác giám sát, nâng cao tính minh bạch cho thị trường UPCoM. Công tác giám sát trên thị trường này ngày càng được đẩy mạnh và đạt tới mức giám sát cao như đối với thị trường niêm yết.

Trên cơ sở đó, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đang kiến nghị Ủy ban Chứng khoán xem xét áp dụng margin (giao dịch ký quỹ) cho các cổ phiếu của các công ty đại chúng quy mô lớn trên UPCoM đáp ứng điều kiện như cổ phiếu niêm yết và sẽ kiến nghị nới biên độ giá giao dịch trên thị trường này. Ngoài ra, Sở cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ, thúc đẩy minh bạch cho các công ty trên UPCoM.