Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường vật liệu xây dựng: “Bội thực” nguồn cung

Thành Luân - Tiểu Thúy - Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau thời gian tăng "nóng" về giá, lượng tồn kho của nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng (VLXD) đang đứng trước nguy cơ "bội thực" vì cung và lượng tiêu thụ giảm mạnh.

Tồn kho, khó bán
Khảo sát thực tế của phóng viên Kinh tế&Đô thị, sau một thời gian tăng giá “nóng”, thị trường VLXD đã có sự giảm giá nhẹ nhưng cả DN và đại lý đang cầm chừng nhập hàng do nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh. Ông Phạm Phan Anh - chủ đại lý sắt Phương Tiến (phường Dịch Vọng, Cầu Giấy) cho biết, thị trường thép xây dựng sau khoảng thời gian tăng giá và "cháy hàng" trong 5 tháng đầu năm, đến nay đã trầm lắng.
"Trong giai đoạn từ tháng 6 tới tháng 9 giá thép trên sàn giao dịch đã điều chỉnh giảm nhẹ do nhu cầu nội địa "yếu" đi. Hiện trên thị trường nhu cầu không còn lớn vì đang bước vào mùa mưa, giá thép tuy đã điều chỉnh giảm nhưng vẫn ở mức cao. Những điều trên đã làm các đại lý đều nhập hàng cầm chừng để tránh tồn kho lớn" - ông Phan Anh cho nói.
Cùng với sắt thép, các loại VLXD như, thiết bị vệ sinh, gạch ốp lát... cũng đang trong tình trạng "báo động đỏ" khi cung vượt cầu. Tại các cửa hàng, đại lý tình trạng "ế" hàng, tồn kho tăng lên đến khoảng 30% do tiêu thụ chậm nhiều tháng nay. Điều này khiến nhiều chủ cửa hàng, DN đối mặt với nguy cơ phá sản do không thể thu hồi vốn.
Bên cạnh đó, Trung Quốc, Ấn Độ là hai quốc gia đứng đầu về sản xuất, cung ứng gần 80% sản lượng của cả thế giới. DN ở 2 nước này, đặc biệt gạch ốp lát đã chiếm tới 25 - 30% thị trường Việt Nam với giá rẻ khiến hàng trong nước thêm lao đao. “Chúng tôi đang bị tồn kho thiết bị vệ sinh, gạch ốp lát lớn, nhu cầu mua rất ít nên đã phải cắt giảm nhân viên vì số tiền lãi chỉ đủ để duy trì mặt bằng thuê” – bà Lý Thục Anh – Công ty xây dựng Song Anh (Hà Nội) chia sẻ.
Thị trường VLXD đang tồn kho lượng sản phẩm tương đối lớn. (Ảnh: Thành Luân).
Ở hoàn cảnh tương tự, thị trường VLXD tại TP Hồ Chí Minh cũng đang gặp nhiều khó khăn và đối diện với việc tồn kho sản phẩm. Đại diện Công ty CP Xây dựng An Phong (An Phú, quận 2, TP Hồ Chí Minh) cho biết, giá VLXD tăng quá cao, buộc các DN xây dựng và dự án phải lựa chọn giãn tiến độ dự án.
Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 đang làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu khiến thời gian giao hàng bị đình trệ. Đây cũng là lý do quan trọng khiến giá thép tăng mạnh. “Đánh giá được nguy cơ phải “bù lỗ” nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài, hầu hết các chủ dự án chọn tạm ngưng hoặc giãn tiến độ xây dựng. Đây là nguyên nhân chính khiến lượng tồn kho VLXD những tháng gần đây tăng đột biến” - vị  đại diện này phân tích.
Theo số liệu tổng hợp từ Hội VLXD Việt Nam, tương tự số phận của các loại vật liệu xây dựng cơ bản, một số vật liệu khác cũng đang vướng một lượng hàng tồn kho lớn, đơn cử như ngành sản xuất kính xây dựng, sản lượng dư thừa khoảng 80 triệu m2. Cụ thể, sản lượng sản xuất kính xây dựng năm 2020 đạt khoảng 280 triệu m2, nhưng sản lượng kính phẳng tiêu thụ chỉ khoảng 200 triệu m2. Hiện tại, một số doanh nghiệp đã phải giảm công suất, hoặc tạm thời dừng hoạt động.
Tăng cường kiểm soát thị trường
Theo Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam Nguyễn Hoàng, sự "chững" lại của thị trường bất động sản vì đại dịch Covid-19 là nguyên nhân khiến thị trường VLXD càng lúc càng "lạnh" thêm. DN kinh doanh ngao ngán, nhà sản xuất sốt ruột, thị trường sắt thép, VLXD đang "mất nhiệt" từng ngày. Theo ông Nguyễn Hoàng, chi phí vật liệu xây dựng tăng cao, lợi nhuận kỳ vọng ban đầu sẽ giảm xuống. Đối mặt với tình trạng này, bắt buộc các dự án phải chọn thi công cầm chừng chờ giá giảm, hoặc phải đàm phán lại giữa chủ đầu tư và nhà thầu để dung hoà lợi ích giữa các bên.
Ngoài ra, tồn kho VLXD hiện nay còn do một số vấn đề tồn đọng trong giai đoạn trước như số lượng dự án được phê duyệt giảm, thủ tục hành chính, giấy tờ pháp lý hay quá trình triển khai đấu thầu, tình trạng thiếu vốn… cũng gây ra lực cản không nhỏ đối với sự phát triển của doanh nghiệp kinh doanh VLXD. Tuy nhiên, đứng ở góc độ chung của nền kinh tế, ông Nguyễn Hoàng to ra lo ngại vì tăng giá VLXD nguy hiểm, tác động chung lên cả nền kinh tế. Giá VLXD tăng dẫn theo một loạt thứ tăng giá như thành sản phẩm bất động sản tăng theo, chỉ số lạm phát CPI không nằm trong ngưỡng an toàn. Mức giá lạm phát cao đẩy theo nhiều nguy cơ khác.
“Cần nhìn bức tranh tổng thể hơn, xa hơn, nếu kinh tế muốn phát triển thì ngành xây dựng phải là lực lượng đủ mạnh, biện pháp của nhà nước hỗ trợ cho ngành xây dựng là cho cả tương lai, cho cả kinh tế” - ông Nguyễn Hoàng nhìn nhận.
Đồng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ khí và VLXD Thanh Phúc Trần Duy Phúc nhìn nhận, đợt sốt giá VLXD khiến nhiều dự án dừng triển khai xảy ra hai tình huống. Thứ nhất, những DN đã sản xuất ồ ạt đương nhiên tồn kho hoặc bán lỗ vốn để thu hồi vốn tránh phá sản.
Thứ hai, dừng sản xuất và chờ đợi giá vật liệu giảm xuống nhưng đến nay cũng đã hơn 9 tháng giá thép vẫn rất cao so với ngưỡng trước kia khiến DN bắt buộc phải tiếp tục sản xuất và bán giá cao ra thị trường mặc dù biết rằng sẽ rất khó bán, dẫn đến cuối cùng người mua vẫn phải chịu mọi chi phí theo hệ luỵ dây chuyền. Trong khi đó, nhiều DN sản xuất VLXD gặp khó khi những sản phẩm "Made in Việt Nam" phải cạnh tranh ngay tại "sân nhà".
Trước thực trạng này, DN đã phải cạnh tranh bằng mọi giá để bán hàng, dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp. Vì vậy, các bộ, ngành cần xem xét kỹ lưỡng khi tiếp tục cấp phép đầu tư, bổ sung hàng rào kỹ thuật, hạn chế nhập khẩu VLXD trong nước đã dư thừa và cần phải có sự "kích thích" sức mua thị trường với hàng nội địa để tránh tình trạng "cung vượt cầu", người kinh doanh ngao ngán, nhà sản xuất sốt ruột.

Các ban ngành, địa phương cần đôn đốc dự án tiếp tục triển khai đúng tiến độ để không gây ra hệ luỵ dây chuyền. Đồng thời, cũng có phương án hỗ trợ những dự án đó hoạt động như tăng ưu đãi thuế, chính sách phù hợp để bù trừ thua lỗ trước mắt nhưng dài hạn vẫn có lợi...

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ khí và VLXD Thanh Phúc Trần Duy Phúc