Thị trường vật liệu xây dựng chờ “sóng” đầu tư công

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với ngành vật liệu xây dựng (VLXD), đặc biệt là các DN sản xuất cơ bản như xi măng, thép... đang trong tình trạng dư cung, đối mặt với những khoản lỗ ròng dẫn đến phải đóng cửa một số lò sản xuất, thu gọn bộ máy.

Nhiều chuyên gia nhận định, để ngành này có thể vượt qua khó khăn, đầu tư công và xúc tiến thương mại tại các thị trường mới là "cửa sáng" giúp các DN VLXD trở lại thị trường.

Điểm sáng đầu tư công

Năm 2023, nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách theo kế hoạch được Quốc hội giao là hơn 711.000 tỷ đồng, tăng 25% so với kế hoạch năm 2022. Ngoài ra, có thêm khoảng 147.000 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Tổng cộng, chi tiêu Chính phủ dự kiến sẽ được mở rộng lên tới hơn 850.000 tỷ đồng dưới hình thức đầu tư công vào năm nay.

Sản xuất thép tấm tại Công ty TNHH Siam Steel Việt Nam, khu công nghiệp Hải Dương. Ảnh: Việt Linh
Sản xuất thép tấm tại Công ty TNHH Siam Steel Việt Nam, khu công nghiệp Hải Dương. Ảnh: Việt Linh

Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh Việt Nam cần một công cụ mạnh tác động đến nền kinh tế nhiều hơn là những chính sách cắt giảm thuế như năm 2022 và đầu tư công được kỳ vọng là động lực chính (bên cạnh vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI và tiêu dùng nội địa). Với kết cấu hạ tầng, đặc biệt là đường cao tốc sẽ được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn tới và những nhóm ngành được hưởng lợi có thể kể đến như nhà thầu, công ty xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc VLXD…

Tuy nhiên, những lợi thế trên không hẳn sẽ thúc đẩy toàn bộ DN trong ngành xây dựng, vật liệu vượt khó vì còn phụ thuộc vào sự "ưu tiên" của Chính phủ cho những nhà thầu xây dựng có kinh nghiệm dày dạn, năng lực tài chính lành mạnh cũng như kết quả tốt trong quá khứ. Thế nên những DN xây dựng mạnh sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, có thể ví dụ như Vinaconex, Cienco4... Dẫu vậy, với các DN vừa và nhỏ, cơ hội từ các dự án đầu tư công mang đến là không thể bỏ qua, khi hạ tầng phát triển kéo theo các cụm đô thị mới. Để vượt được qua khó khăn vẫn cần qua "bàn tay" của các nhà đầu tư, những DN cung cấp VLXD.

Phó Giám đốc Công ty CP công nghệ FiveSS Trần Thị Bình nhận định, tại Hà Nội, với thông tin "siêu dự án" Vành đai 4 khởi công vào tháng 6 năm nay, cùng với những động thái quyết liệt của chính quyền các cấp về công tác GPMB đang thu hút sự chú ý khi sẽ có nhiều khu đô thị sớm triển khai xây dựng "ăn theo" ven tuyến đường. "Dự án Vành đai 4 sẽ thúc đẩy gián tiếp các dự án đô thị, bất động sản dọc 2 tuyến đường này. Có nhu cầu ắt thúc đẩy ngành xây dựng cũng như tiêu thụ một số lượng lớn VLXD cơ bản như sắt, thép, xi măng, cát..." - bà Trần Thị Bình cho hay.

Tìm kiếm thị trường mới

Dù đầu tư công là điểm sáng, tuy nhiên, theo PGS. TS Phạm Thế Anh - chuyên gia kinh tế - vĩ mô, Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân, so với tổng thể nền kinh tế và tổng cầu của nền kinh tế, quy mô mảng đầu tư công chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Bên cạnh đó, những dự án đang triển khai chủ yếu là dự án dễ giải ngân, dễ giải quyết. Trong khi đó, vẫn còn nhiều dự án đang gặp vướng mắc về thể chế, pháp lý chưa thể triển khai. “Với các DN liên quan đến xây lắp, xây dựng, đầu tư công, nhà đầu tư cần có đánh giá cụ thể, chi tiết về biên lợi nhuận, khả năng tạo ra lợi nhuận từ các dự án đầu tư công” - ông Phạm Thế Anh nói.

Trong khi thị trường trong nước tiêu thụ chậm, ngành thép lại liên tục tăng giá và xi măng đang cung vượt xa cầu nên động thái mới đây của nhiều DN đang chuyển dần sang tìm hướng tiêu thụ tại các thị trường mới. Mới đây, lãnh đạo Viglacera cho biết sẽ cử đoàn giám sát lập phương án đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi để đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất VLXD, đầu tư khu công nghiệp tại Dominica.

Như vậy, đây sẽ có thể là điểm đầu tư thứ 2 của tập đoàn này sau Cuba khi lĩnh vực VLXD xây dựng nội địa vẫn khó khăn, nguồn thu chủ yếu đến từ bất động sản, hoạt động cho thuê hạ tầng khu công nghiệp. Trong khi đó, nhu cầu tái thiết cơ sở hạ tầng của Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ động đất với 200.000 căn hộ và 70.000 căn nhà với kinh phí ít nhất 15 tỷ USD theo tuyên bố của Tổng thống nước này. Thị trường có nhu cầu lớn được đánh giá là cơ hội để hàng hóa Việt Nam vào thị trường khi trong nước áp lực cung vượt cầu.

Về phần hỗ trợ, Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định luôn sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành cùng các DN Việt Nam trong việc nghiên cứu tìm hiểu về thị trường Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm thông tin các ngành hàng, các quy định cập nhật về xuất nhập khẩu hàng hóa của nước sở tại, giới thiệu và xác minh các đối tác giao dịch tại địa bàn. Thạc sĩ Luật Kinh tế Lê Sơn Tùng nhận định, đây là cơ hội cho các ngành sản xuất đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ trong nước, đặc biệt thế mạnh về xuất khẩu xi măng, gạch ốp lát... Tuy nhiên, để tiếp cận thị trường này sẽ gặp sự cạnh tranh gay gắt đến từ Trung Quốc, Thái Lan và nhiều nước khác cũng trong tình trạng dư thừa công suất.

"Cần sớm bắt tay xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể như: Hợp tác với các nhà phân phối, thương thảo chi phí vận tải, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh và quan trọng nhất là chuẩn bị "hành trang" với việc đối mặt các vụ kiện phòng vệ thương mại, như vậy DN sẽ mở rộng được thị trường kinh doanh" - Thạc sĩ Lê Sơn Tùng cho biết.

 

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, về đầu tư, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 2 ước đạt gần 30 nghìn tỷ đồng, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 56,9 nghìn tỷ đồng, bằng 8,3% kế hoạch năm và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 8% và tăng 14,6%).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần