Thị trường vật liệu xây dựng: Chờ tín hiệu tích cực

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) bất ổn, biến động lớn đã gây tác động mạnh tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà thầu và các đại lý.

Thị trường vật liệu xây dựng biến động đã gây tác động mạnh tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà thầu và các đại lý. Ảnh: Việt Dũng  
Thị trường vật liệu xây dựng biến động đã gây tác động mạnh tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà thầu và các đại lý. Ảnh: Việt Dũng  

Mùa thấp điểm

Trong những tháng đầu năm, xăng, dầu tăng liên tục đã tác động đến giá cước vận chuyển, cùng với việc tồn kho lớn đã ảnh hưởng tới lợi nhuận của các nhà sản xuất VLXD. Các DN như thép buộc phải giảm giá để giảm hàng tồn kho và đảm bảo duy trì sản xuất, kinh doanh.

CEO D-Steel Vina Korea Oh Hyun June cho biết, nguồn cung nguyên liệu cùng với giá thành vận chuyển tăng mạnh đã gây khó khăn cho DN. Tuy nhiên, hiện tại công ty vẫn đang duy trì một mức giá ổn định. "Trong tương lai nếu nguyên liệu và các chi phí khác... tăng lên, công ty sẽ phải có sự thay đổi về giá. Thị trường Việt Nam luôn muốn có sản phẩm tốt, chất lượng nên khoảng thời gian này vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho chúng tôi" - ông Oh Hyun June chia sẻ.

Khảo sát tại nhiều đại lý cung cấp VLXD trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, đa phần tình hình kinh doanh hiện tại đều được nhận định chung là rất chậm. Bên cạnh việc biến động về giá cả, còn một lý do khác là kiêng kỵ xây dựng vào "tháng Ngâu" - khi vào thời điểm này trong năm thời tiết xấu, nắng nóng và mưa to kéo dài.

Anh Nguyễn Quang Huy, chủ một đại lý VLXD nằm trên đường Láng (quận Đống Đa) cho biết, các dự án xây mới càng ngày càng ít đi, giá xăng, dầu tuy đã giảm nhưng mức cước vận chuyển vẫn cao. Bên cạnh đó, thời tiết xấu và đang "tháng Ngâu" nên tình hình kinh doanh không mấy khả quan. "Hiện nay, chúng tôi chỉ có lợi nhuận từ các công trình của người dân" - anh Huy chia sẻ.

Khi VLXD cơ bản vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ đã kéo theo ngành cung cấp các sản phẩm hoàn thiện kém khởi sắc theo. Theo chị Vân, chủ đại lý cung cấp các sản phẩm ốp lát trên đường Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy), hiện tại sức mua thấp do đang "tháng cô hồn". Chị hy vọng thời điểm cuối năm thị trường nóng trở lại nhưng quy mô sẽ không lớn.

"Với các dự án lớn sẽ khó có thể hoàn thiện kịp dịp Tết sắp tới nên sẽ đợi thị trường "giảm nhiệt" hơn nữa. Hiện tại các công trình dân sinh và quy mô nhỏ hoặc sửa chữa sẽ được đẩy mạnh thi công vào cuối năm nay" - chị Vân nhận định.

Ảnh: TH
Ảnh: TH

Nhà thầu mong sớm gỡ khó

Đại diện lãnh đạo Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu & Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho hay, hiện nay, rất nhiều hợp đồng có điều chỉnh giá quy định sử dụng nguồn chỉ số giá của địa phương (nơi dự án đi qua) hoặc nguồn của Tổng cục Thống kê để tính toán bù giá theo công thức trong hợp đồng.

"Nguồn chỉ số giá này khi sử dụng để tính toán bù giá thường không theo sát biến động thực tế các yếu tố thay đổi của hợp đồng, do tính chất số liệu chỉ bình quân và đại diện cho nhóm công trình mà không phù hợp với cơ cấu, tỷ trọng chi phí thực tế chủng loại vật liệu chính sử dụng cho hợp đồng, nhất là trong trường hợp có biến động lớn đột biến trên thị trường VLXD" - vị này thông tin.

Đại diện một số DN ngành xây dựng cũng cho biết, cùng với xi măng, giá cả các loạt vật liệu khác như cát, đá xây dựng, gạch không nung… đều tăng 20 - 30% so với thời điểm này năm 2021; giá nhân công rất cao khác với chỉ số giá công bố... Riêng với thép, mặc dù giá đã giảm rất mạnh nhưng thực tế cũng vẫn còn cao.

Do giá VLXD không có dấu hiệu giảm, nhiều công trình, dự án xây dựng nếu ký kết hợp đồng với đơn giá cố định hoặc trọn gói từ trước đến nay đã bắt đầu phát sinh lỗ, bất chấp rủi ro đã tính toán tới. Nhiều nhà thầu không dám nhận các công trình vốn đầu tư công do hệ thống định mức đơn giá không cập nhật được thị trường.

Cá biệt, có nhiều DN sẵn sàng bỏ dở dự án hoặc chỉ duy trì thi công cầm chừng, không đáp ứng nhu cầu thực hiện hợp đồng. Đơn cử, mới đây, Công ty CP Xây dựng và Thương mại Tiến Dũng (xã Liên Hà, huyện Đông Anh) đã bị BHXH Kiên Giang thông báo chấm dứt hợp đồng Gói thầu số 8 thuộc Dự án trụ sở BHXH thị xã Hà Tiên. Nguyên nhân được cho là thi công chậm tiến độ, dừng thi công, bỏ dở công trình.

Được biết, Gói thầu số 8, xây dựng nhà làm việc, các hạng mục phụ trợ; điều hòa không khí; hệ thống phòng cháy, chữa cháy; thiết bị văn phòng, phòng một cửa, kho lưu trữ do BHXH Kiên Giang làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và xây dựng Trường Thịnh mời thầu. Gói thầu có giá 10,733 tỷ đồng, Công ty Tiến Dũng liên danh với Công ty CP Đầu tư xây dựng sản xuất thương mại Tấn Dũng trúng thầu với giá 10,729 tỷ đồng thông qua đấu thầu rộng rãi trong nước.

Để khơi thông những bế tắc trong thi công dự án, hoàn vốn nhanh cho các nhà thầu, cải thiện sức mua trên thị trường VLXD, Đại tá Khương Tất Thắng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn kiến nghị, cần nhanh chóng triển khai điều chỉnh bù giá, trượt giá đối với các loại hợp đồng xây dựng phù hợp với tình hình thực tế thị trường.

Cụ thể, cho phép các hợp đồng trọn gói, theo đơn giá cố định chuyển thành hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh; tất cả hợp đồng đang thực hiện được điều chỉnh theo phương pháp bù trừ trực tiếp. Trường hợp không thực hiện bù trừ trực tiếp thì vẫn điều chỉnh theo hệ số như thông lệ tiên tiến của quốc tế nhưng cần phân các hạng mục có cơ cấu tính chất giá trị tương tự (tỷ lệ các thành phần chi phí cát, đá, xi măng, thép...) được phân vào cùng một hệ số, không nên sử dụng chung một hệ số cho toàn bộ gói thầu như hiện nay.

 

Ngày 23/8, giá thép tiếp tục điều chỉnh giảm lần thứ 15. Cụ thể, thương hiệu thép Hòa Phát dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.370 đồng/kg - giảm 200 đồng; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 15.130 đồng/kg - giảm 300 đồng; hay thép VAS sau khi điều chỉnh giảm, với thép cuộn CB240 cùng thép thanh vằn D10 CB300 lần lượt ở mức 13.940 đồng/kg và 14.390 đồng/kg.