Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thích ứng để tăng sức cạnh tranh

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay từ những ngày đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 (Nghị quyết 02/NQ-CP).

Với Nghị quyết 02/2022, mục tiêu cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện sẽ được ưu tiên thực hiện trong năm 2022. Đây là nghị quyết được Chính phủ đưa ra để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực xã hội nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Năm 2022, nền kinh tế nói chung, khu vực DN nói riêng sẽ có nhiều cơ hội cho sự phục hồi và tăng trưởng. Tuy nhiên, mức độ và tốc độ phục hồi cũng như đà tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào mức độ cải cách thể chế, hiệu quả, kịp thời của việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ Chính phủ đã đề ra.
Cùng với Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, việc Quốc hội vừa thông qua 2 tài liệu quan trọng cho năm 2022 là Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2022 và cơ cấu lại nền kinh tế cùng nhiều Nghị quyết khác của Chính phủ về thực hiện môi trường kinh doanh là những cơ sở quan trọng thể hiện quyết tâm phục hồi, phát triển kinh tế trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Quốc hội đã họp bất thường thông qua việc sửa đổi, bổ sung 9 dự luật nhằm tháo gỡ kịp thời khăn cho sản xuất kinh doanh. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trên thực tế, các mục tiêu tại Nghị quyết đã nêu rất rõ về mặt định lượng, song thể chế là do con người thực hiện.
Từ những tháng cuối năm 2021, Việt Nam đã từng bước bình thường hóa trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội. Chiến lược sống chung an toàn, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 linh hoạt đã giúp các DN từng bước hồi phục. Để trụ vững và phát triển thời kỳ hậu Covid-19, cộng đồng DN cần sự quyết tâm hơn trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, giúp nhà đầu tư gia nhập thị trường, mở rộng sản xuất.
Qua tám năm nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh (kể từ năm 2014), vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu đã được nâng lên. Tuy nhiên, theo khảo sát của VCCI hay Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung kết quả cải thiện môi trường kinh doanh xét trên bình diện chung bị chậm lại bởi tác động của Covid-19 khi cả nước phải chia sẻ nguồn lực, thời gian, công sức cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian qua.
Tuy nhiên, trước tác động của dịch bệnh Covid-19 càng cho thấy tầm quan trọng và sự cần thiết phải cải cách thể chế một cách nhanh chóng và mạnh mẽ; sự hợp tác phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ/ngành, địa phương trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nội dung trọng tâm cải cách cho giai đoạn 2022 - 2025 như: Loại bỏ rào cản đối với đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật; cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; cải cách về đăng ký đất đai và bất động sản; phát triển thương mại điện tử và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp tục hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu chúng ta cải cách quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thì có thể đạt tăng trưởng kinh tế thêm ít nhất 1 - 2% mỗi năm, quan trọng hơn là góp phần giải phóng mọi tiềm năng trong nền kinh tế, là động lực giúp DN bứt phá, thích ứng với xu thế phát triển trong tình hình mới.