Thiện nguyện từ những viên gạch không nung

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một nhà kiến trúc trẻ nhưng Lê Thu Huyền - cựu sinh viên trường ĐH Kiến trúc Hà Nội lại không tham vọng xây dựng những tòa cao ốc xa hoa, chỉ mong muốn hỗ trợ trẻ em và người dân vùng cao bằng việc triển khai dự án xây dựng nhà nội trú với tên gọi độc đáo: Nabe.Arc Group.

Từ khi còn là sinh viên năm thứ ba, chuyên ngành Kiến trúc của trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, Lê Thu Huyền đã cùng nhóm bạn tổ chức hoạt động quyên góp đồ dùng, vật phẩm thiết yếu để chung tay giúp đỡ người dân vùng cao trong mùa đông giá lạnh tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Sau chuyến đi thiện nguyện ấy, Huyền nhận thấy, việc trao tặng chăn ấm, đồ ăn, vật phẩm... chưa thể giải quyết được khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thức ăn sẽ hết, đồ dùng sử dụng lâu ngày cũng sẽ hỏng. Có vốn kiến thức về xây dựng, Huyền nảy ra ý tưởng thực hiện dự án xây dựng những ngôi nhà nội trú cho trẻ em vùng cao – nơi có thể che mưa, che nắng và dạy các em những kiến thức cơ bản về kỹ năng sống cần thiết.
Cả nhóm thiện nguyện Nabe.Arc Group tham gia khánh thành lớp học bản Nậm Vì, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Cả nhóm thiện nguyện Nabe.Arc Group tham gia khánh thành lớp học bản Nậm Vì, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Từ đó, nhóm thiện nguyện mang tên Nabe.Arc Group ra đời. Thu Huyền cho biết: Tên nhóm Nabe.Arc Group được lấy theo tên viết tắt tiếng anh “Natural beauty in architecture” (Nét đẹp kiến trúc từ tự nhiên). Đặt tên như vậy bởi nhóm hướng tới giải pháp sử dụng vật liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường và phù hợp với địa phương để xây dựng ngôi trường nội trú. Quá trình xây dựng cũng có sự giúp đỡ của người dân, để mỗi ngôi nhà nội trú được tạo nên từ chính sự trân trọng của họ. “Những viên gạch không nung và nguyên vật liệu thân thiện với môi trường đều do chính tay người dân tự làm. Bên trong các ngôi nhà, nhóm thường tận dụng hầu hết những đồ dùng sẵn có để trang trí, vừa gần gũi lại giữ được nét truyền thống của địa phương” - Thu Huyền bật mí.

Để có chi phí thực hiện các dự án này, Lê Thu Huyền cùng các thành viên trong nhóm phải đi khắp Hà Nội và nhiều tỉnh, TP để tìm gặp các DN xin tài trợ. Tuy nhiên, việc xin tài trợ không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, nhóm liên tục bị từ chối. Thời điểm đó, các tình nguyện viên trong nhóm đã cùng ngồi lại bàn và quyết định thực hiện phương án góp tiền của cá nhân và vận động mọi người quyên góp qua các diễn đàn, mạng xã hội…

Trước khi bắt tay vào dự án, trưởng nhóm Lê Thu Huyền cùng một số bạn trong nhóm thường đi tiền trạm đến từng địa phương để khảo sát. Tiếp theo, nhóm tổ chức họp và đưa ra các phương án thiết kế, lập bảng dự toán, lên kế hoạch kêu gọi sự ủng hộ để có nguồn vốn xây dựng nhà nội trú. Khi chuẩn bị xong các khâu, nhóm tiến hành thi công xây dựng. Không chỉ xây trường nội trú mà những tình nguyện viên trong nhóm còn tranh thủ dạy các em nhỏ ở đây học văn hóa và kiến thức về vệ sinh cá nhân; tổ chức các đêm đốt lửa trại, nấu ăn, làm việc đồng áng, trồng trọt và nhất là hướng dẫn các em biết cách tự dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp đồ dùng... “Điều tuyệt vời nhất khi hoàn thành công việc là giây phút cả nhóm đón nhận những nụ cười rạng rỡ nở trên môi các em nhỏ” - Huyền chia sẻ.

Nói về những việc mà nhóm đã thực hiện được trong 3 năm qua, Lê Thu Huyền cho biết: Nhóm đã thực hiện thành công các dự án: Nhà nội trú Thăm Pa tại trường Tiểu học số 1 và Nhà nội trú Mu Chi tại trường Tiểu học số 2, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu; lớp học bản Nậm Vì, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Tiếp theo, nhóm sẽ tiếp tục thực hiện thêm nhiều dự án tại các tỉnh vùng núi để giúp đỡ những trẻ em và đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.