Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiên tai khiến 1 người chết, thiệt hại nhiều cơ sở hạ tầng

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai vừa có báo cáo tình hình thiệt hại do thiên tai tuần từ 5 - 11/9/2016.

Theo đó, ảnh hưởng của mưa lũ đã khiến 1 người bị chết và nhiều thiệt hại về đời sống, sản xuất của người dân.

Trong tuần, mưa lớn, dông lốc, sạt lở đất xảy ra ở một số tỉnh miền núi phía Bắc làm 1 người chết, thiệt hại nhiều cơ sở hạ tầng và sản xuất. Cụ thể, tại Bình Thuận, ảnh hưởng mưa lớn ở thượng nguồn nhánh sông Tân Lê, xã Phong Phú (chảy về hồ Lòng Sông), đã gây lũ quét cục bộ tại địa bàn thôn La Bá, xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, khiến 1,2ha diện tích hoa màu bị gãy đổ, vùi lấp. 534 cây ăn quả bị cuốn trôi, gãy đổ.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Tại Lào Cai, có 1 người chết (chị Đặng Thị Hồng Ngọc, sinh năm 1995 tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, do sạt lở taluy gây sập đổ tường nhà đè vào người, tử vong trên đường đi cấp cứu). Một số tuyến đường giao thông trên địa bàn TP Lào Cai vị ngập úng cục bộ, bùn đất trôi ra đường gây ắc tắc giao thông trong thời gian ngắn. Tại Bắc Kạn, mưa lũ làm sạt lở mái đất (taluy dương) vào 1 nhà dân ở huyện Chợ Đồn và 1 nhà văn hóa thôn ở TP Bắc Kạn. 26,2ha lúa và 4ha ngô bị ngập. Đường Quốc lộ 3B đoạn qua thị trấn Bằng Lũng bị sụt lún, kích thước sụt lún dài 1,5m, rộng 5m, sâu 3m; làm sụt lún khoảng 1/3 lòng đường. Hiện nay vị trí sụt lún vẫn có nguy cơ sụt tiếp. Trong khi đó tại Hà Giang, mưa to kèm gió lốc xảy ra trên địa bàn huyện Quản Bạ và Đồng Văn đã khiến 1 nhà bị đổ; 1 nhà bị tốc mái và 3 nhà bị đổ tường; 55ha ngô, rau màu bị ngập úng; 9ha ao cá bị ngập, tràn. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã chỉ đạo lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả, sởm ổn định cuộc sống và sản xuất.

Trước diễn biến thời tiết tuần qua, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương, bộ ngành tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới; tình hình mưa, lũ các tỉnh Bắc Bộ, tình hình gió mạnh trên biển thuộc các tỉnh từ Bình Thuận đến Kiên Giang để đôn đốc các địa phương triển khai các biện pháp phòng tránh. Các tỉnh, TP ven biển theo dõi diễn biến ATNĐ/bão, tăng cường công tác thông tin truyền thông, cảnh báo thiên tai; quản lý việc ra khơi của tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Đồng thời, kiểm tra, rà soát số dân sống trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy, hải sản, vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ sạt lở đất để sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó.