Di chúc được Bác Hồ viết lần đầu vào ngày 15/5/1965, nhân dịp Người sang tuổi 75, thuộc lớp người xưa nay hiếm.
Như lời kể của đồng chí Vũ Kỳ: "Đúng 9 giờ, Bác Hồ ngồi chăm chú viết. Vấn đề chắc đã được suy ngẫm từ lâu... Chọn đúng vào một ngày tháng Năm, nhân dịp ngày sinh của mình; chọn đúng vào lúc 9 giờ, giờ đẹp nhất của một ngày; chọn đúng vào lúc tốt nhất của sức khỏe trong những năm gần đây... để viết về ngày ra đi của mình, sao mà Bác thanh thản, ung dung đến thế!". Những năm sau, cứ vào dịp tháng 5 trước ngày sinh, Người lại đem ra xem lại. Mỗi lần lại "thấy cần phải viết thêm mấy điểm". Lần sửa đầu tiên, là tháng 5 năm 1966. Lần sửa cuối cùng là ngày 10/5/1969, hơn ba tháng trước khi Người qua đời.
***
Những giá trị vô giá, tình cảm lớn lao
Năm nay, vừa tròn 50 năm toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những điều Người viết trong Di chúc là những vấn đề hệ trọng gửi lại cho Nhân dân và đất nước; dặn dò toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta những nhiệm vụ cần phải làm. Dù viết "Về việc riêng" nhưng cũng là những lời dặn và lời "yêu cầu" làm những điều tốt đẹp dành cho con cháu muôn đời sau.
Di chúc của Bác chứa đựng những nghĩ suy của một người suốt đời cống hiến, hy sinh, luôn đặt lợi ích của đất nước, của Nhân dân, của Đảng lên trên hết. Đó là những chiêm nghiệm, nghĩ suy, đúc kết không phải chỉ trong quãng thời gian hơn bốn năm Bác viết Di chúc. Cũng không phải là những lời căn dặn vội vàng trước phút lâm chung.
Người viết Di chúc trong lúc "tinh thần đầu óc vẫn sáng suốt", tâm thế ung dung, tự tại tựa hồ như một đêm trăng rằm năm nào Bác ngồi trên con thuyền bàn việc quân cơ ở núi rừng Việt Bắc. Cũng theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ: "Bác Hồ suy nghĩ về việc này từ đầu những năm 60, sau khi dự hội nghị Đại biểu các Đảng cộng sản và công nhân quốc tế từ Matxcova trở về".
Đọc Di chúc của Bác Hồ chúng ta cảm nhận được tâm thế và suy nghĩ của một bậc vĩ nhân. Một vĩ nhân yêu nước, thương dân tột bậc. Yêu thương khi Người còn sống và yêu thương cho tới mãi mai sau. Từng câu, từng lời trong Di chúc là kết tinh của sự suy xét thấu đáo; là những lo nghĩ về việc chung, việc của Đảng cầm quyền và công việc dựng xây đất nước; là những lời dặn dò hết sức thiêng liêng cùng với tình thương bao la dành cho đồng bào, đồng chí, bạn bè quốc tế gần xa. Thật hiếm có một nhân vật lịch sử nào có một tầm nhìn xa rộng và tình thương yêu dành cho mọi người mênh mông và bao la như vậy!
Giống như nhiều áng văn quan trọng khác của Người, bản Di chúc được Bác viết hết sức cô đọng, hàm chứa những điều vô cùng lớn lao, hệ trọng.
Về việc chung, trước hết Người nói về Đảng; về trách nhiệm của một Đảng cầm quyền: "Các đồng chí từ T.Ư đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình...". "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.
Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân". Bác căn dặn việc phải thực hiện những nguyên tắc cốt tử của một Đảng cách mạng là "thực hành dân chủ rộng rãi", "thường xuyên tự phê bình và phê bình".
Một năm sau đọc lại bản Di chúc, Người chỉ bổ sung thêm mấy từ. Nhưng đó lại là những điều nhắc nhở vô cùng quan trọng: "Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau". Đấy cũng chính là nét đặc sắc của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Rất nghiêm minh song cũng vô cùng nhân ái. Phải chăng đấy cũng là sự vận dụng đồng thời sức mạnh của sự răn đe pháp trị cùng với sự cảm hóa của tinh thần đức trị trong việc giáo dục và rèn luyện cán bộ, đảng viên.
Lúc sinh thời Người đã từng cảnh báo, dẫu là một Đảng cách mạng, có quá trình lịch sử vẻ vang, nhưng nếu không trau dồi, rèn luyện hàng ngày, không đặt lợi ích của Nhân dân lên trên, khi lòng dạ không trong sáng nữa, nhất định sẽ suy thoái. Trước khi qua đời, một lần nữa Người nhắc lại những điều tối quan trọng ấy.
Trong những năm vừa qua, thực hiện lời Bác căn dặn, Đảng ta đang ra sức thực hiện cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn đảng, để Đảng ta luôn xứng đáng với niềm tin yêu và mong đợi của Nhân dân. Tiếp đến, Người nói về nhiệm vụ "phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên thanh niên".
Người nhấn mạnh: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết". Người căn dặn "Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân".
Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra vô cùng ác liệt, Người đặt niềm tin "Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có thể còn kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của nhiều người... nhưng Nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi".
Phần cuối Di chúc Người viết "Về việc riêng". Nói về việc riêng nhưng cũng là những mong muốn đem lại lợi ích cho dân, cho nước. Có sự trùng hợp kỳ diệu, đoạn văn này, tính cả những từ Người sửa chữa, bổ sung, vừa đúng 79 từ. Dường như Người đoán biết, với niềm tiếc thương và nhớ ơn vô hạn của đồng bào, đồng chí dành cho mình, sau khi Người qua đời có thể sẽ "bày biện" nhiều việc phiền hà, gây lãng phí tốn kém.
Lúc sinh thời, dù làm Chủ tịch nước, Bác vẫn luôn tự nhận mình là người lính vâng lệnh quốc dân, đồng bào đứng ra gánh vác việc nước. Vì vậy, Bác không bằng lòng và không cho phép một sự tôn sùng cá nhân, hay một sự ưu đãi đặc biệt nào dành riêng cho Bác. Bác luôn nêu gương về sự giản dị, cần kiệm trước toàn thể Nhân dân.
Trước khi qua đời, Người dặn dò cặn kẽ những việc nên làm và không nên làm, với lời lẽ vừa ân cần vừa nghiêm trang: "Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của Nhân dân".
Người dùng từ "yêu cầu" để nhấn mạnh mong muốn của Người: "Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là "hỏa táng". Tôi mong rằng cách "hỏa táng" sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh lại không tốn đất ruộng". Người còn gạch dưới hai từ "đốt đi" như để con cháu không phải phân vân, lo ngại khi thực hiện những lời Người dặn.
Người dặn kỹ càng việc phân chia tro xương ra làm ba phần cho ba miền Bắc, Trung, Nam, cách thức chôn cất sao cho có lợi nhất: "Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn... Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp".
Thời gian càng qua đi chúng ta càng cảm nhận được sự sáng suốt trong những nghĩ suy, lo toan, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, sự yêu thương Nhân dân vô hạn của Người. Đọc lại bản Di chúc lịch sử của Bác Hồ chúng ta càng thêm muôn lần kính yêu, nhớ ơn Bác. Càng thêm hiểu vì sao Bác băn khoăn, lo lắng; vì sao khi nói về việc riêng Bác phải dặn dò tỷ mỷ, kỹ càng; vì sao Bác yêu thương đồng bào, đồng chí Miền Nam đến vậy: "Nếu tôi qua đời trước ngày nước ta được thống nhất, thì nên gửi một ít tro xương cho đồng bào Miền Nam".
Tình cảm của Bác với Miền Nam sâu nặng khôn cùng.
Tháng 5/1963, nhân kỷ niệm lần thứ 73 Ngày sinh của Người, Quốc hội quyết định tặng Bác Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quí nhất của Nhà nước ta. Ngày ấy Bác đã trình bày trước Quốc hội, xin: "Chờ đến ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc - Nam xum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào Miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quí. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng" (Hồ Chí Minh, TT; T.11; tr. 62). Vì Miền Nam, thương nhớ Miền Nam, Bác Hồ đã từ chối phần thưởng cao quí của Quốc hội dành cho mình. Thay vào đó, Bác quyết định lựa chọn một chuyến đi thăm đồng bào và chiến sĩ Miền Nam trước ngày đất nước hòa bình thống nhất.
Thật xúc động biết bao khi chúng ta đọc lại bức thư "Tuyệt mật" gửi BCT (Bộ Chính trị) Người viết khi tuổi đã cao, sức đã yếu. Dường như linh cảm sẽ không chờ được tới ngày đất nước hòa bình thống nhất, nên Người thiết tha đề nghị Bộ Chính trị tổ chức cho Người vào Nam để thăm hỏi, động viên đồng bào, chiến sĩ. Bức thư Bác viết tay:
"Chú Duẩn thân mến,
Nhớ lại hồi Noel năm ngoái. Chú có ý khuyên B. (Bác) đi thăm đồng bào Miền Nam sau ngày ta thắng lợi hoàn toàn. B. rất tán thành.
Nhưng nay chỉ đổi chữ "sau" thành chữ trước ngày thắng lợi hoàn toàn, tức là đi thăm khi anh em trỏng (trong ấy) đang chuẩn bị mở màn thứ ba. Đi thăm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em".
Bức thư viết ngày 10/3/1968. Trong thư Bác thảo sẵn một kế hoạch cụ thể, ước tính chỉ cần mười ngày chuẩn bị cho chuyến đi. Nhưng do điều kiện chiến trường đương diễn ra ác liệt và sức khỏe của Người nên ước mong thiết tha ấy cũng không được thực hiện. (Tư liệu, Nhà trưng bày căn cứ T.Ư cục Miền Nam).
Thật khó có lời nào có thể nói hết tình cảm, tấm lòng của Bác dành cho đồng bào, chiến sĩ Miền Nam. Cả khi Người đã rất yếu thì lúc "tỉnh lại, Bác vẫn hỏi tình hình chiến trường Bình Long - Tây Ninh". (Điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi T.Ư cục Miền Nam, ngày 30/8/1969).
Nguyện thực hiện những lời Bác dặn
Bác Hồ muôn vàn kính yêu về cõi thế giới người hiền tròn 50 năm. Di sản mà Người để lại cho muôn đời sau là cả một sự nghiệp lớn lao. Đó là cuộc đời bôn ba khắp năm châu bốn biển, Người rời Tổ quốc thân yêu với hai bàn tay lao động. Tài sản riêng của Người lúc ra đi là trái tim cháy bỏng và tấm lòng yêu nước thương dân.
Người ấp ủ "một ham muốn tột bậc là đất nước ta được hoàn toàn độc lập; Nhân dân ta được hoàn toàn tự do; đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Một ước mơ giản dị mà tột cùng thiêng liêng, cao cả.
Thực hiện Di chúc của Người, với sự đoàn kết nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã hoàn thành rất vẻ vang những lời căn dặn của Người. Trong đó nhiệm vụ khó khăn gian khổ nhất là "đánh thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay" cùng nhiều nhiệm vụ quan trọng, lớn lao khác.
Chúng con có thể vui mừng báo cáo với Bác, dù còn những hạn chế, khiếm khuyết nhất định, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh, nhờ đoàn kết trên dưới một lòng, lớp lớp cháu con của Bác đã hoàn thành sự nghiệp lớn giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
***
Năm mươi năm đã trôi qua, thời gian càng lùi xa, chúng ta càng thêm thấu hiểu và cảm phục trí tuệ sáng suốt phi thường của Người. Cảm phục tầm nhìn và sự lo xa của Người. Liệu có ai đã hiểu hết được việc Bác "viết sẵn và để lại mấy lời này" lại trở nên quan trọng với toàn Đảng và toàn dân ta đến vậy.
Từng lời, từng chữ của Người chứa đựng tầm nhìn, suy nghĩ của một vĩ nhân. Một vĩ nhân có tấm lòng yêu thương Nhân dân tột bậc. "Ôi thiêng liêng biết mấy những lời của Bác". Lời một bài hát thấm vào lòng ta, thức tỉnh nghĩ suy, chất vấn lương tâm và trách nhiệm.
Với lòng kính yêu và biết ơn vô hạn đối với Bác, chúng ta luôn cảm thấy ray rứt, vì không đủ trí tuệ, tầm nhìn và trách nhiệm để hiểu và quyết tâm thực hiện đầy đủ những lời căn dặn của Người.
Đọc Di chúc của Bác càng hiểu thêm những niềm riêng của Người!