Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiết bị gian lận thi cử, rao bán tràn lan trên chợ ảo

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Mùa thi, thị trường thiết bị gian lận thi cử trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử được rao bán nhan nhản, mua dễ như "trở lòng bàn tay".

Công khai rao bán thiết bị gian lận thi cử

Gõ từ khóa tìm kiếm "tai nghe siêu nhỏ" trên google, người dùng lập tức tìm được hàng trăm sản phẩm có xuất xứ đa dạng, đủ loại hình dáng với giá chỉ từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng, tùy loại.

Nếu không hài lòng với kiểu dáng bình thường, dễ bị phát hiện, cũng còn rất nhiều trang web và fanpage trên mạng xã hội chuyên rao bán tai nghe, camera siêu nhỏ được ngụy trang tinh vi với giá lên đến hàng triệu đồng.

Thiết bị gian lận thi cử rao bán tràn lan trên mạng xã hội Facebook. Ảnh: Hoài Nam
Thiết bị gian lận thi cử rao bán tràn lan trên mạng xã hội Facebook. Ảnh: Hoài Nam

Dưới danh nghĩa một sỹ tử sắp thi tốt nghiệp THPT, phóng viên liên lạc chủ tài khoản Tai nghe siêu nhỏ trên mạng xã hội Facebook có hàng chục nghìn người thích và theo dõi để hỏi mua thiết bị “hỗ trợ” thi cử. Người này lập tức giới thiệu bộ sản phẩm gồm tai nghe hạt đậu cùng camera siêu nhỏ mà theo người này là “hay được dùng nhất”. Các thiết bị được nguỵ trang dưới dạng máy nghe nhạc, điện thoại Nokia 1080, thẻ ATM, chìa khóa... hay thậm chí là cúc áo, hoặc đặt trong máy tính Casio. Giá của từng loại tai nghe dao động từ 300.000 đồng đến 3 triệu đồng/sản phẩm.

Không chỉ bán tai nghe siêu nhỏ, mà các chủ tài khoản này còn giới thiệu thêm nhiều sản phẩm camera siêu mini “chụp đề thi siêu nét”. Giá bán và hình dạng của mỗi loại camera siêu nhỏ cũng khác nhau như camera ngụy trang bật lửa có giá 1,3 triệu đồng/chiếc, loại giống cúc áo, bút viết có giá 1,5-1,7 triệu đồng/chiếc, camera ngụy trang đồng hồ đeo tay có giá 1,9 triệu đồng/chiếc,loại gắn kính mắt có giá 3,2 triệu đồng/chiếc… Để thu hút khách đặt mua, chủ tài khoản còn kèm theo video hướng dẫn sử dụng. Kênh youtube của người này thậm chí có đến hàng trăm video quảng cáo, giới thiệu và hướng dẫn sử dụng thiết bị gian lận.

Thiết bị gian lận thi cử rao bán tràn lan trên mạng xã hội Facebook. Ảnh: Hoài Nam
Thiết bị gian lận thi cử rao bán tràn lan trên mạng xã hội Facebook. Ảnh: Hoài Nam

Người bán cho biết, để sử dụng loại tai siêu nhỏ, người dùng cần chuẩn bị 1 thẻ sim điện thoại lắp vào cục phát sóng hoạt động theo nguyên lý của máy điện thoại. Bên ngoài, người trợ giúp dùng điện thoại gọi vào số điện thoại vừa cắm vào trong cụ phát sóng thì tai nghe sẽ tự nhận cuộc gọi và hai người có thể liên lạc với nhau một cách bí mật.

Tuy nhiên khi đề nghị gặp trực tiếp giao dịch mua bán, chủ tài khoản từ chối vì mặt hàng này công an không cho bán nên không giao dịch trực tiếp. Mà chỉ mua bán theo hình thức khách hàng sau khi chốt đơn mua hàng, chuyển tiền vào tài khoản sẽ lập tức chuyển phát hỏa tốc nhận hàng trong ngày.

Kiên quyết ngăn chặn

Nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán thiết bị gian lận thi cử, đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra thị trường, qua đó phát hiện bắt giữa đối tượng kinh doanh mặt hàng này.

Đối tượng N.Đ.G ( tạm trú tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) và thiết bị gian lận thi cử chiều ngày 26/6. Ảnh: Hoài Nam
Đối tượng N.Đ.G ( tạm trú tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) và thiết bị gian lận thi cử chiều ngày 26/6. Ảnh: Hoài Nam

Đội Quản lý thị trường số 11 (Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội) phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) triệt phá đường dây mua bán thiết bị gian lận thi cử với quy mô lớn ngay trước kỳ thi THPT Quốc gia.

Cụ thể, chiều ngày 26/6, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra hành chính, đã phát hiện đối tượng N.Đ.G (tạm trú tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) đang mua bán thiết bị công nghệ cao phục vụ gian lận thi cử. Tang vật thu giữ gồm 10 bộ thiết bị tai nghe siêu nhỏ, 10 điện thoại Nokia đã được kết nối dây dẫn có gắn 1 micro nhỏ và 10 tai nghe siêu nhỏ dạng hạt từ, kích thước khoảng 2mm cùng hàng trăm linh kiện điện tử để lắp ráp thành các thiết bị ghi âm, ghi hình phục vụ gian lận trong thi cử.

Đối tượng N.Đ.G ( tạm trú tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) và thiết bị gian lận thi cử chiều ngày 26/6. Ảnh: Hoài Nam
Đối tượng N.Đ.G ( tạm trú tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) và thiết bị gian lận thi cử chiều ngày 26/6. Ảnh: Hoài Nam

Đối tượng N.Đ.G khai nhận, khi sử dụng, người dùng cho hạt tai nghe siêu nhỏ vào lỗ tai, điện thoại lắp sim và micro được giấu trong quần áo để liên lạc ra ngoài phòng thi. Bộ thiết bị camera siêu nhỏ dạng cúc áo giúp tự động quay, chụp ảnh gửi đề thi ra ngoài, nhóm bên ngoài sẽ nhận video, ảnh đề thi qua phần mềm. Sau khi giải đề xong sẽ đọc đáp án vào bên trong qua tai nghe siêu nhỏ.

Đại diên đội Quản lý thị trường số 11 cho biết, đối tượng buôn bán thiết bị gian lận thi cử khai nhận, từ năm 2018, do nắm bắt được việc nhiều sinh viên, người lao động có nhu cầu mua, sử dụng các loại thiết bị ghi âm, ghi hình bí mật để phục vụ việc thi cử, N.Đ.G đã liên hệ đặt hàng từ nước ngoài thông qua mạng internet để mua, lắp đặt, kinh doanh các loại thiết bị ngụy trang siêu nhỏ trên. Đến nay, đối tượng đã bán được hàng trăm bộ thiết bị với giá từ 1-6 triệu đồng/thiết bị.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết, để đảm bảo an toàn, an ninh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội sẽ sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng công an kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp quảng cáo, cung cấp trái pháp luật các thiết bị ngụy trang, siêu nhỏ có tính năng ghi âm, ghi hình.

Việc sử dụng các thiết bị ngụy trang, siêu nhỏ có tính năng ghi âm, ghi hình, đàm thoại 2 chiều gây lộ đề trong các kỳ thi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước theo Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015. Do vậy, các thí sinh cần tránh xa, nhất là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đang cận kề, bởi chỉ một sai lầm nhỏ có thể dẫn đến lãng phí công sức học tập trong 12 năm”-ông Hùng khuyến cáo.