Sau SEA Games 22, Việt Nam luôn đứng trong tốp 3 của các kỳ SEA Games. Nhưng nhìn từ thực tế, để có được kết quả đó, những người làm công tác thể thao, các nhà chuyên môn, HLV, VĐV đã phải nỗ lực vượt khó.
Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, trung tâm quản lý đào tạo nhiều đội tuyển trong điều kiện còn thiếu về cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ quản lý VĐV còn thiếu so với nhiệm vụ được giao, hệ thống cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế do xây dựng lâu năm đã quá xuống cấp, các đội tuyển còn thiếu nhà ở, nhà tập, sân bãi; hệ thống dụng cụ, trang thiết bị thể thao phục vụ tập luyện, thi đấu còn thiếu, trang thiết bị hầu như đã cũ. Về tổng thể, cơ sở vật chất của Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội mới đáp ứng 50% nhu cầu tập luyện của VĐV.
Không chỉ riêng Hà Nội, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng chỉ đáp ứng 30% nhu cầu tập luyện của VĐV; Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ mới đầu tư xây dựng hoàn thành đưa và sử dụng nhưng còn thiếu các hạng mục cơ bản như bể bơi, sân bóng đá, đường chạy tiêu chuẩn.
Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP Hồ Chí Minh và Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng phải sử dụng chung cơ sở vật chất với Trường Đại học Thể dục, thể thao TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học Thể dục, thể thao Đà Nẵng.
Mặt khác, đề xuất xây dựng trung tâm huấn luyện quốc gia tại Tam Đảo đồng bộ, hiện đại chưa đạt được như mục tiêu đề ra. Mục tiêu đầu tư xây dựng mới các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia: Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Sa Pa; Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nam; Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Lạt; Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Kon Tum; Trung tâm Huấn luyện thể thao biển quốc gia Bình Thuận cũng chưa đạt được như quy hoạch đề ra.
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó tập trung vào một số nội dung về cơ chế chính sách; quy chế hoạt động; nguồn nhân lực, chế độ chính sách…
Vì vậy, các chuyên gia đề xuất một số nhóm giải pháp như: sớm xem xét phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục nghiên cứu, rà soát tổng thể, sửa đổi, bổ sung theo quy định hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao (TCVHTT) phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Chúng ta cần bố trí các nguồn lực cho phát triển văn hóa, thể thao bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, theo lộ trình, mục tiêu được xác định cụ thể thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu, các dự án, đề án... về phát triển văn hóa, thể thao; tăng cường phân cấp, phân quyền về đầu tư, tài chính trong việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp, quản lý, sử dụng các TCVHTT.
Đồng thời, Chính phủ nên tiếp tục chỉ đạo đổi mới cơ chế, triển khai các giải pháp huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành TCVHTT; chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan xây dựng phương án xử lý dứt điểm những vướng mắc về nghĩa vụ tài chính của Khu Liên hợp thể thao quốc gia; nghiên cứu đổi mới về tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý, vận hành Khu Liên hợp thể thao quốc gia bảo đảm chuyên nghiệp, hiệu quả, xứng tầm với vị trí, vai trò là cơ sở thể thao trọng điểm quốc gia.