Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiệt hại là do cháy nổ rất lớn nhưng có bao nhiêu cán bộ bị kỷ luật?

Công Thọ - Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/11, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 - 2018.

Trung bình mỗi ngày xảy ra 9 vụ cháy
Báo cáo với QH về kết quả giám sát, Phó trưởng Đoàn giám sát của QH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ, trong thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Đồng thời đã ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn, triển khai thực hiện đến các cơ quan, đơn vị trực thuộc và cá nhân có liên quan; tổ chức các hội nghị tập huấn, xây dựng chương trình hành động và chỉ đạo tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng tới các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội ở các cấp và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương của Đảng về công tác PCCC gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
 Phó trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt
Tuy nhiên, giai đoạn từ tháng 7.2014 đến tháng 7.2018, cả nước vẫn xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462 héc-ta rừng. Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5 ha rừng. Trung bình mỗi ngày xảy ra 9 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 01 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3 ha rừng.Địa bàn xảy cháy ở thành thị chiếm 60,11%, ở khu vực nông thôn chiếm 39,89%; cháy tại khu vực nhà dân 5.636 vụ (chiếm 42,86 %), tại cơ sở kinh tế tư nhân 4.861 vụ (chiếm 36,97%). Các vụ cháy có nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện 6.458 vụ (chiếm 57,27%), do sơ suất trong sử dụng lửa, xăng dầu và khí đốt 3.291 vụ (chiếm 29,18%). Cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra 126 vụ, chiếm 0,96% tổng số vụ, làm chết 35 người, bị thương 72 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4.972,7 tỷ đồng, chiếm 76,2% tổng thiệt hại do cháy gây ra. Số vụ cháy có quy mô nhỏ và trung bình chiếm 99%.
 Số vụ cháy xảy ra trong giai đoạn từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018
Đánh giá chi tiết những hạn chế, bất cập và nguyên nhân trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC, Đoàn giám sát của QH chỉ rõ:
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo: việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác PCCC còn chậm, thậm chí có văn bản chưa được ban hành theo quy định của Luật PCCC; một số quy định thiếu tính khả thi hoặc đã lạc hậu, không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hoặc có sự chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các quy định của pháp luật.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về PCCC tuy đã được quan tâm nhưng vẫn còn mang tính hình thức, chưa thường xuyên, chủ yếu tập trung vào một số dịp cao điểm; địa điểm chủ yếu tập trung ở thành phố, thị xã, thị trấn… chưa quan tâm đến khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đối tượng được tuyên tuyền chưa sâu rộng, hình thức tuyên truyền thiếu sự đổi mới, chưa căn bản, chưa tiếp cận được đến tất cả các tầng lớp quần chúng nhân dân. Chất lượng công tác tuyên truyền chưa cao, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở, chủ hộ gia đình cho đến người dân chưa có ý thức trách nhiệm về PCCC. Việc đầu tư kinh phí cho các hoạt động tuyên truyền tại một số địa phương, đơn vị, cơ sở chưa tương xứng với yêu cầu.
Tại một số địa phương, công tác lãnh đạo, chỉ đạo về PCCC còn mang tính hình thức, chưa thực sự quyết liệt, chưa có hiệu quả thực chất. Một số quy định cụ thể trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP chưa được các đơn vị, địa phương tập trung triển khai.
 Thiệt hại do cháy gây ra trong giai đoạn từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018.
Việc thực hiện chủ trương của Đảng về xã hội hoá công tác PCCC, khuyến khích đầu tư kinh doanh dịch vụ PCCC chưa hiệu quả vì chưa có cơ chế, chính sách phù hợp cũng như thiếu sự hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể, thống nhất từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương.
Về tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về PCCC, theo đánh giá của Đoàn giám sát lãnh đạo nhiều đơn vị, địa phương, người đứng đầu cơ sở chưa thật sự quan tâm, thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của mình về công tác PCCC, chưa gắn công tác này với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành, địa phương, đơn vị; chưa chủ động, thường xuyên thực hiện tốt chế độ tự kiểm tra, có nơi coi công tác kiểm tra về PCCC là của lực lượng Cảnh sát PCCC; chưa quan tâm đầu tư, trang bị và các điều kiện đảm bảo cho an toàn PCCC, công tác xử lý vi phạm còn thiếu kiên quyết.
Việc tổ chức thi hành các văn bản quy phạm pháp luật PCCC tại địa phương, cơ quan, đơn vị chưa nghiêm, chưa triệt để. Chưa chú trọng rà soát các tiêu chuẩn ngành liên quan đến một số lĩnh vực, công trình, phương tiện đặc thù để kịp thời kiến nghị sửa đổi, hoặc ban hành theo thẩm quyền theo quy định của Luật PCCC (cụ thể như: chưa ban hành văn bản hướng dẫn về công tác quy hoạch có liên quan đến PCCC; tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC tại địa phương).
 Thiệt hại về người do cháy gây ra trong giai đoạn từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018.
Việc triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể hệ thống PCCC chỉ được thực hiện tại các thành phố lớn; các địa phương còn lại triển khai chậm hoặc không triển khai; trong số các Đề án quy hoạch đã phê duyệt, có rất ít đề án gắn quy hoạch về PCCC với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị ở địa phương nên rất khó khăn trong triển khai thực hiện.
Công tác dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm điểm cháy đã được triển khai đến cấp xã, huyện và chủ rừng theo phương châm “bốn tại chỗ”, tuy nhiên khi phát hiện điểm cháy, việc thông tin, huy động lực lượng chữa cháy còn chậm trễ; việc điều hành, chỉ huy phối hợp các lực lượng chữa cháy tại hiện trường còn nhiều lúng túng; việc điều tra, xác định nguyên nhân và giải pháp hạn chế nguy cơ cháy rừng còn hạn chế. Các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân sống gần rừng, sử dụng lửa (vệ sinh rừng, đốt thực bì) không đúng quy định, tiềm ẩn nguy cơ cháy cao; việc xử lý đối với những hành vi gây cháy rừng còn chưa nghiêm, chưa có tác dụng răn đe, ngăn ngừa; chưa quy rõ trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân trong quản lý, bảo vệ khi xảy ra cháy rừng.
 Thiệt hại về rừng do cháy trong giai đoạn từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018.
Hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn về sử dụng điện chưa cao. Ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn trong sử dụng điện sản xuất, điện sinh hoạt, dịch vụ theo quy định của pháp luật về điện lực còn hạn chế.
Về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong PCCC, còn thiếu sự phối hợp giữa các lực lượng, chưa thực sự quyết liệt, triệt để. Tại các địa phương, lãnh đạo UBND các cấp chưa thể hiện rõ nét vai trò, trách nhiệm trong công tác xử lý vi phạm quy định an toàn PCCC. Việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực PCCC liên quan đến lợi ích doanh nghiệp và quan hệ kinh tế - xã hội phức tạp, có những trường hợp không giải quyết được dứt điểm.
Tình trạng vi phạm các quy định về PCCC trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch tại các đô thị lớn còn xảy ra nhiều, một số công trình được đưa vào sử dụng, nhưng chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC; một số công trình chủ đầu tư tự thay đổi công năng, tự ý chuyển đổi thiết kế xây dựng... Tình hình cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp, ở nhiều địa bàn, cơ sở trọng điểm, nhà cao tầng - siêu cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư tập trung, nhà ở kết hợp kinh doanh, phương tiện giao thông thuỷ, bộ... Trong khi đó, các lực lượng chức năng chưa chú trọng việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật về PCCC “có khả năng thực tế gây thiệt hại” theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự.
Công tác đầu tư cho hoạt động PCCC chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế
Về công tác xây dựng, bảo đảm các điều kiện hoạt động của lực lượng PCCC, công tác đầu tư cho hoạt động PCCC chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Việc bố trí nguồn vốn, kế hoạch vốn, nhất là các dự án ODA còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của dự án. Nhiều địa phương đang gặp khó khăn về kinh phí nên chưa đầu tư hoặc có đầu tư nhưng rất hạn chế. UBND cấp huyện, xã thì hầu như chưa có đầu tư đáng kể cho hoạt động PCCC.
Việc xây dựng lực lượng PCCC chuyên ngành, PCCC cơ sở và dân phòng đã được quan tâm nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao, tỉ lệ thành lập thấp; nhiều đội PCCC cơ sở, dân phòng chỉ hoạt động mang tính hình thức, tổ chức chữa cháy ban đầu lúng túng và kém hiệu quả. Thực tế tổ chức triển khai thực tập các phương án chữa cháy có đơn vị còn lúng túng, chưa đặt ra được các tình huống giả định và biện pháp chữa cháy sát thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế.
 Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 13/11 về việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng cháy, chữa cháy.

Việc xây dựng lực lượng PCCC tình nguyện tại địa phương chưa được tổ chức thực hiện do chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia; bên cạnh đó, trang bị phương tiện cho lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng còn thiếu cả về số lượng, kém cả về chất lượng; việc duy trì hoạt động thường xuyên của lực lượng dân phòng và lực lượng PCCC cơ sở gặp nhiều khó khăn vì thiếu kinh phí, người trong độ tuổi lao động, có sức khỏe thì thường phải rời địa bàn đi làm ăn, còn lại trên địa bàn thường là người già, phụ nữ, trẻ em.

Trang bị, phương tiện của lực lượng Cảnh sát PCCC phục vụ công tác chữa cháy, CNCH còn thiếu, chưa đồng bộ, phần nhiều đã lạc hậu, hoạt động kém hiệu quả.

Công tác đào tạo về PCCC và CNCH thiếu các điều kiện về phương tiện, sân bãi tập luyện thường xuyên của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. Số chiến sĩ nghĩa vụ trong lực lượng Cảnh sát PCCC vẫn chiếm tỷ lệ cao. Mức bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia chữa cháy, CNCH chưa phù hợp với tính chất công việc nặng nhọc, nguy hiểm của lực lượng Cảnh sát PCCC; chưa có phụ cấp đặc thù độc hại cho cán bộ, chiến sĩ làm công tác chữa cháy, CNCH.

Về công tác bảo đảm các điều kiện phục vụ chữa cháy, công tác quy hoạch, bảo đảm các điều kiện phục vụ chữa cháy ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực hiện theo đúng quy chuẩn về quy hoạch xây dựng (QCVN 01: 2008/BXD) đối với hệ thống cấp nước chữa cháy đô thị; công tác quản lý nhà nước về PCCC trong đầu tư xây dựng chưa thực sự chặt chẽ, nhiều dự án, công trình chưa quan tâm bố trí, xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ chữa cháy (như giao thông, khoảng cách, nguồn nước, trụ nước chữa cháy). Tại nhiều thành phố lớn, nhiều khu dân cư nằm trong ngõ, hẻm sâu, mật độ xây dựng dày; quy hoạch nhà chung cư, liền kề không đảm bảo, không thể bố trí được giao thông, nguồn nước cho công tác chữa cháy, CNCH.

Việc phân công trách nhiệm giữa các cấp, các cơ quan, ban, ngành trong việc quản lý hệ thống cấp nước chữa cháy công cộng chưa rõ ràng, cụ thể, còn chồng chéo nên hệ thống cấp nước chữa cháy công cộng nhiều nơi bị xuống cấp và không được sửa chữa, khắc phục kịp thời.

Nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chỉ chú trọng đến lợi ích kinh tế, ưu tiên sản xuất, kinh doanh, ít quan tâm đầu tư cho công tác PCCC, việc đầu tư cho hệ thống PCCC tại chỗ nhiều nơi còn mang tính đối phó, chưa đáp ứng với yêu cầu PCCC tại chỗ. Trang bị, phương tiện quan sát, phát hiện cháy và chữa cháy rừng chưa đáp ứng được yêu cầu chữa cháy, công cụ còn thô sơ, phương pháp chữa cháy thủ công trong khi phương tiện cơ giới chuyên dùng không trực tiếp chữa cháy được.

Nhiều quy định của pháp luật về PCCC không còn đáp ứng được với sự thay đổi, phát triển của xã hội

Lý giải nguyên nhân khách quan của những tồn tại, hạn chế trong công tác PCCC, Đoàn giám sát chỉ rõ: nhiều quy định của pháp luật về PCCC không còn đáp ứng được với sự thay đổi, phát triển của xã hội; một số tiêu chuẩn đã cũ không còn phù hợp với thực tế, một số loại công trình mới nhưng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn để áp dụng, chế tài xử phạt nhẹ. Bên cạnh đó, công tác rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC còn chậm, chưa theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.

Một nguyên nhân khác là do tồn tại của lịch sử, những tồn tại, bất cập về hạ tầng kinh tế - xã hội, trụ sở các cơ quan, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ không theo quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC nhưng không thể khắc phục được ngay do thiếu kinh phí, đòi hỏi phải có lộ trình thời gian và những giải pháp tổng thể về quy hoạch. Chưa bố trí được nguồn ngân sách để quy hoạch, đầu tư, xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo đồng bộ hệ thống giao thông, nguồn nước, phục vụ cho công tác chữa cháy nên hiệu quả công tác chữa cháy chưa cao.

 Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

Cùng với đó là sự thiếu đồng bộ giữa phát triển kinh tế với yêu cầu PCCC: cơ sở hạ tầng, giao thông không đáp ứng kịp đối với yêu cầu về PCCC (do tốc độ đô thị hóa nhanh, sản xuất kinh doanh, dịch vụ phát triển không ngừng gia tăng, kéo theo nhiều loại hình mới với nhiều thành phần kinh tế, công trình xây dựng, loại hình cơ sở thuộc diện quản lý PCCC tăng); vật tư nguyên liệu, chất dễ cháy được sử dụng ngày một nhiều, đa dạng. Vi phạm các quy định về an toàn trong sử dụng điện dân dụng tăng do xuất phát từ khâu thiết kế, lắp đặt hệ thống điện tại các cơ sở sản suất kinh doanh và hộ gia đình chưa tính toán đến các phụ tải phát sinh dẫn đến quá tải, chập điện, gây cháy nổ. Hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng phát triển không đồng bộ, thiếu thống nhất, chưa đáp ứng yêu cầu công tác PCCC.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, yếu tố thời tiết nắng nóng kéo dài cũng là điều kiện phát sinh cháy, đặc biệt là cháy rừng, cháy trong khu dân cư, khu công nghiệp, chợ, phố chợ, các cơ sở sản xuất, nhà máy xí nghiệp... dẫn đến thiệt hại do cháy gây ra là rất lớn, kể cả tính mạng và tài sản của nhân dân.

Tập quán canh tác nương rẫy của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tồn tại, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt còn tiếp diễn, khó kiểm soát; các vụ cháy rừng xảy ra ở địa bàn xa khu dân cư nên công tác điều tra, xác định nguyên nhân, đối tượng gây ra các vụ cháy rừng còn gặp nhiều khó khăn, do đó chưa có giải pháp sát với thực tiễn.

Ngân sách đầu tư cho lực lượng PCCC, xây dựng trụ sở, mua sắm phương tiện và phục vụ cho việc duy tu, bảo dưỡng hệ thống PCCC đã được trang bị còn hạn hẹp, nguồn kinh phí cho PCCC thường bố trí chung với kinh phí bảo đảm an ninh, trật tự; phương tiện, thiết bị cảnh báo lạc hậu, kém hiệu quả.

Đáng chú ý là nguyên nhân thuộc về chủ quan. Nhấn mạnh điều này, Đoàn giám sát cho rằng, nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương nhất là ở quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức đối với công tác PCCC còn hạn chế; chưa làm hết trách nhiệm trong việc quản lý, tổ chức thực hiện các quy định về PCCC, đồng thời cũng thiếu cơ chế để xác định trách nhiệm của người đứng đầu; chưa coi trọng công tác kiểm tra, giám sát; chưa chú trọng công tác đầu tư, trang bị phương tiện cho hoạt động PCCC, tổ chức tập huấn cho lực lượng chữa cháy tại chỗ. Ý thức, trách nhiệm của một bộ phận quần chúng nhân dân đối với công tác PCCC chưa tốt, chưa nhận thức được tầm quan trọng của PCCC; còn chủ quan, lơ là trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, đặc biệt là thiết bị điện trong sinh hoạt; cá biệt có những trường hợp cố ý vi phạm gây mất an toàn về PCCC.

Lãnh đạo, cán bộ, công chức và người lao động tham gia Ban chỉ huy PCCC, đội PCCC cơ sở đa phần đều làm công tác kiêm nhiệm, chỉ chú trọng vào nhiệm vụ chuyên môn, do vậy, công tác PCCC tại đơn vị, cơ sở chưa được quan tâm đúng mức. Công tác sơ tổng kết, đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH thiếu thường xuyên; chưa kịp thời tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định mới phù hợp với thực tiễn.

Quy hoạch hạ tầng giao thông, nguồn nước, trụ nước, bể dự trữ nước phục vụ cho công tác chữa cháy và trang thiết bị, phương tiện chuyên dùng, đặc chủng dùng trong công tác chữa cháy và CNCH vẫn còn thiếu so với yêu cầu; công tác duy tu, bảo dưỡng còn nhiều bất cập.

Lực lượng Cảnh sát PCCC: số lượng cán bộ biên chế được đào tạo nghiệp vụ về PCCC còn ít, chưa đáp ứng đủ về cả số lượng, tiêu chuẩn về thể lực, năng lực chuyên môn PCCC, trong khi đó số lượng cơ sở, địa bàn quản lý về PCCC nhiều, tăng theo từng năm nên chất lượng, hiệu quả công tác quản lý về PCCC chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; năng lực tham mưu còn hạn chế.

Chế độ chính sách đối với lực lượng làm công tác CNCH còn bất cập, chưa phù hợp với tính chất đặc thù (do chưa có quy định về chế độ độc hại trong công tác PCCC). Các quy định về chế độ chính sách động viên, khuyến khích hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng chưa được quy định rõ ràng, do vậy, chưa thu hút, khích lệ được cán bộ và nhân dân tham gia các hoạt động PCCC.

Công tác phối hợp, phân công trách nhiệm của các sở, ban, ngành và các cơ quan chức năng tham mưu UBND tỉnh thực hiện chính sách pháp luật về PCCC chưa thường xuyên, hiệu quả như: phê duyệt các giải pháp, biện pháp PCCC khi phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng vẫn còn những bất cập.

Chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực PCCC chưa đủ mạnh, chưa đảm bảo tính răng đe, nhiều chủ đầu tư cố tình chây ỳ, kéo dài không khắc phục lỗi vi phạm.

Vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong công tác PCCC chưa được chú trọng phát huy; công tác kiểm tra, giám sát của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp chưa được thường xuyên, liên tục.

Hỏa hoạn nghiêm trọng đều bắt nguồn từ sự bất cẩn

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), mùa hè năm nay, thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng ở nhiều nơi, đặc biệt là ở các tỉnh miền Trung kéo dài và đạt mức kỷ lục. Tuy nhiên, những biểu hiện cực đoan của thời tiết là nguyên nhân khách quan thì thống kê trong số hàng chục vụ cháy rừng, trong đó có những vụ gây hậu quả nghiêm trọng thì dường như tất cả đều bắt nguồn từ sự bất cẩn của con người.

 

Nhiều người nông dân với thói quen đốt rẫy, làm nương, họ không cố tình gây ra những đám cháy lớn, nhưng họ không đủ kiến thức về phòng cháy, chữa cháy nên đã vi phạm pháp luật. Hậu quả là chúng ta mất rừng, còn những người nông dân đáng thương gây ra vụ cháy thì phải vào tù. Trong khi chúng ta hoàn toàn có thể phòng, tránh được những hậu quả đáng tiếc nếu công tác thông tin giáo dục, vận động để nâng cao ý thức của người dân, đại biểu nêu quan điểm.

Nói về nguyên nhân chủ quan, theo đại biểu Cao Thị Xuân cũng không chỉ có vấn đề tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng còn hạn chế, yếu kém mà một vấn đề rất quan trọng là bảo đảm thực thi pháp luật phòng cháy, chữa cháy đang đặt ra nhiều thách thức cần phải chấn chỉnh.

Báo cáo của Đoàn giám sát đã chỉ rõ, hiện nay chúng ta còn 2.662 công trình nguy hiểm cháy nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt, thiết kế, hoặc đã được thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Tính đến tháng 7/2018, cả nước vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.

Vậy tại sao có tình trạng này, là do vi phạm của chủ đầu tư hay do tiêu cực trong công tác kiểm tra, xử lý sai phạm trong công tác phòng cháy, chữa cháy? Điều gì sẽ xảy ra nếu hỏa hoạn tại hàng trăm chung cư, cao ốc đang ẩn chứa nguy cơ an toàn cháy nổ? - đại biểu nêu một loạt câu hỏi và đề nghị Chính phủ, Bộ Công an và chính quyền địa phương xử lý nghiêm tình trạng này, đặc biệt với các chung cư, nhà cao tầng khi đã đưa vào sử dụng thì bắt buộc phải đáp ứng các yêu cầu về PCCC theo đúng quy định.

Thiệt hại là rất lớn nhưng có bao nhiêu cán bộ bị kỷ luật?

Theo đại biểu, báo cáo giám sát cho thấy hàng nghìn vụ cháy xảy ra, hàng trăm người thiệt mạng, nhiều ha rừng, cơ sở vật chất bị thiêu rụi. Thiệt hại là rất lớn nhưng có bao nhiêu cán bộ bị kỷ luật, mất chức hoặc xử lý liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước trong PCCC? Đại biểu cho rằng, công tác xử lý trách nhiệm về quản lý nhà nước thời gian qua không tương xứng với những tồn tại, vi phạm, sai phạm trong công tác PCCC.

Theo đại biểu, qua cuộc giám sát này, lỗ hổng pháp luật sẽ được phát hiện và bịt lại, kinh phí còn thiếu sẽ được quan tâm cấp bù nhưng những lỗ hổng về nhận thức, khoảng trống trách nhiệm cần phải được quan tâm và có giải pháp đích đáng để lấp đầy. Trong Nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát lần này, cần có hẳn một điều về tái giám sát, đặc biệt là trong thực thi công vụ trong PCCC.

“Chỉ có giám sát thường xuyên, xử lý nghiêm minh mới khắc phục được những tồn tại như báo cáo đã nêu”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu cũng kiến nghị Nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát PCCC cần làm rõ yêu cầu tăng cường giám sát, quản lý đối với một số loại hình, các địa bàn có nguy cơ cháy nổ cao.

Thứ nhất là, hệ thống trường học, nhất là nhóm trẻ mầm non, gửi ở gia đình, vì đây là những đối tượng rất bé, kỹ năng tự phòng chống cháy nổ khó khăn.

Thứ hai là, các công trình văn hóa, di tích, đền chùa cổ có nguy cơ xảy ra hỏa hoạn ở những địa điểm này, cũng như có nhiều vật liệu dễ cháy, cũng như ở các thư viện có chứa nhiều sách. Trên thực tế có nhiều di tích từng bị cháy khiến những di vật có giá trị lịch sử không thể phục hồi.

Thứ ba là, cần quan tâm nhiều hơn đến hệ thống chung cư bởi theo thống kê bước đầu trên cả nước có khoảng 3 nghìn tòa chung cư, tập trung ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) thực trạng PCCC được báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội đưa ra không mới, nguyên nhân cũng không bất ngờ song đã cho thấy cái nhìn toàn thể đối với thực tế hiện nay.

Để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, đại biểu cho rằng, việc thể hiện tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy không chỉ thể hiện ở Nghị quyết, trên văn bản, mà phải cụ thể bằng hành động, cách làm cụ thể.

 

Công tác PCCC được xác định “phòng là chính”, đặc biệt phải có những giải ngăn ngừa từ các bên liên quan, từ cơ quan chức năng và nhất là người dân… Do đó, trong nghị quyết của Quốc hội phải làm rõ tính chủ động của các cá nhân, đơn vị trong phòng, chống cháy nổ.

Phải nhìn thẳng vào thực trạng để truy trách nhiệm

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đã đến lúc nhìn thẳng vào thực trạng phòng, chống cháy nổ hiện nay để thấy những lỗ hổng cần phải truy trách nhiệm, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.

Theo đại biểu trước tiên là lỗ hổng trong những văn bản hướng dẫn. Qua tham gia một số đoàn giám sát, đại biểu nhận thấy có sự chồng chéo, bấp cật, thiếu thống nhất, sự lạc hậu của các quy định pháp luật, không chỉ quy định pháp luật trực tiếp về phòng, chống cháy nổ mà cả các quy định liên quan ở đối tượng xây dựng, giao thông, điện lực. Đây là nguyên nhân khiến các địa phương lúng túng trong thực hiện.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng “lỗ hổng trong thực hiện cũng khá rõ”. Cơ quan chức năng khẳng định làm tốt công tác tuyên truyền, nhưng người dân khi được hỏi thì bảo không biết. Cơ quan chức năng khẳng định quan tâm thực hiện kiểm tra, giám sát nhưng những sai phạm trong cháy nổ phát hiện và xử lý rất ít.

Thực tế khi sự cố cháy nổ xảy ra mới xem xét nguyên nhân, quy trách nhiệm. Cháy rừng ở một vài địa phương thì các địa phương khác quan tâm đến công tác phòng chống cháy rừng. Cháy quán karaoke ở một địa phương thì ở các địa phương khác rà soát phòng, chống cháy nổ ở đây. Cháy chung cư ở một địa phương thì người dân, cũng như chính quyền ở các địa phương khác mới quan tâm, lo lắng giám sát nhiều hơn.

Theo đại biểu, chuyện đáng buồn là khi quy trách nhiệm thì có tình trạng đổ lỗi, trên đổ lỗi cho dưới là không chấp hành, dưới đổ lỗi cho trên là không hướng dẫn. Người dân cho là chính quyền không quan tâm, chính quyền cho là người dân không chấp hành.

Cho rằng “đây là văn hóa đổ lỗi trong quy trách nhiệm”, đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho rằng, chúng ta phải nhìn thẳng vào các tồn tại, bịt ngay lỗ hổng trong công tác xây dựng lập pháp, hướng dẫn triển khai thực hiện, giám sát thực hiện. Hơn hết là hãy dừng đổ lỗi để truy xét trách nhiệm rõ hơn, nhận trách nhiệm nghiêm túc hơn, từ đó tìm giải pháp phù hợp hơn.

Chỉ đưa công trình vào sử dụng khi đã được nghiệm thu về PCCC

Để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCCC, nhằm ngăn chặn giảm thiểu số vụ, thiệt hại do cháy nổ gây ra, ĐBQH Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) kiến nghị 3 vấn đề:

Thứ nhất, về việc xây dựng hệ thống hạ tầng đáp ứng yêu cầu về PCCC tại các đô thị, theo báo cáo của Đoàn giám sát từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, địa bàn xảy ra cháy ở thành thị chiếm 60,11%. Vì vậy, việc tổ chức hệ thống hạ tầng phục vụ PCCC trong đô thị rất cần được quan tâm đúng mức. Các quy định pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC trong lập quy hoạch đô thị, cũng như thiết kế công trình đã được ban hành khá đầy đủ, tuy nhiên, thực tế hạ tầng kỹ thuật, giao thông phục vụ công tác PCCC còn nhiều bất cập, các quy chuẩn chưa được tuân thủ nghiêm ngặt.

 

Ví dụ, ở TP Hà Nội có nhiều tuyến phố nhỏ, ngõ sâu, xe cứu hỏa không vào được, mật độ dân cư đông đúc, thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. Không chỉ vậy, TP Hà Nội hiện còn thiếu 7.000 trụ nước, 300 bể nước, 400 bến nước lấy nước chữa cháy so với tiêu chuẩn, quy chuẩn, do đó, việc rà soát, xây dựng hệ thống hạ tầng đáp ứng tốt yêu cầu PCCC là vấn đề cấp bách hiện nay.

Từ thực tế này, đại biểu đề nghị: Trong quy hoạch đô thị cần tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong PCCC, từ việc bố trí đường giao thông, các họng nước chữa cháy đến bảo đảm lưu lượng nước phục vụ cho công tác chữa cháy.

Thiết kế của các công trình cần tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC, bất cứ công trình nào cũng chỉ được đưa vào sử dụng sau khi đã được các cơ quan chức năng nghiệm thu hệ thống PCCC. Hệ thống này cần được kiểm tra định kỳ, kết hợp với tổ chức các buổi phòng cháy, diễn tập chữa cháy để nâng cao khả năng ứng phó với hỏa hoạn của người dân. Đặc biệt các công trình nhà chung cư cao tầng cần thực hiện nghiêm quy định về gian lánh nạn.

Thứ hai, về phòng cháy chữa cháy rừng, Việt Nam có khoảng 6 triệu ha rừng dễ cháy, bao gồm các loại rừng thông, rừng tre nứa, rừng tràm, rừng bạch đằng, rừng phi lao… Cùng với đó tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp ở Việt Nam cũng làm gia tăng nguy cơ cháy rừng. Qua hàng loạt vụ cháy rừng từ ngày 25.6 đến ngày 1.7. 2019 ở các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế...

Chúng ta có thể thấy rằng, công tác PCCC rừng còn nhiều hạn chế như thiếu đường băng xanh, đường băng trắng, việc chữa cháy vẫn dùng phương tiện thô sơ để dập lửa như cành cây, dao phát, can đựng nước... Do vậy, để bảo vệ những cánh rừng xanh tươi, trở thành tấm khiên vững chắc để bảo vệ con người, cần những giải pháp để phòng, cháy rừng hiệu quả. Đại biểu đề nghị, chính quyền địa phương, kiểm lâm cùng với chủ rừng phối hợp chặt chẽ để thực hiện thật tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao ý thức của người dân trong công tác PCCC rừng. Lực lượng kiểm lâm cùng với chủ rừng, địa phương hàng năm cần phải tổ chức diễn PCCC rừng.

Cần có phương án PCCC rừng như tạo đường băng xanh, đường băng trắng xen kẽ. Đường băng cản lửa cũng đồng thời là đường dùng để di chuyển lực lượng, phương tiện dập lửa khi xảy ra cháy rừng, đường tuần tra bảo vệ rừng và phục vụ các hoạt động kinh doanh rừng. Khu nào có điều kiện thuận lợi có thể xây bể chứa nước, là nguồn chữa cháy sau này. Một số vùng có điều kiện thuận lợi có thể đốt các thảm thực bì dưới tán rừng để giảm vật liệu dễ cháy trước khi vào mùa khô.

Vào cao điểm mùa khô, cần duy trì chế độ thường trực 24/24 giờ, nhằm kiểm soát chặt chẽ, giảm nguy cơ cháy rừng và kịp thời phát hiện địa điểm cháy. Khi phát hiện địa điểm cháy, cần nhanh chóng huy động lực lượng tham gia chữa cháy, không để cháy lan.

Cần tăng cường đầu tư cho công tác PCCC, cả về hạng mục phòng cháy và phương tiện chữa cháy, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động chữa cháy rừng.

Thứ ba, về khắc phục hậu quả sau khi cháy. Lấy ví dụ vụ cháy gần đây tại xưởng của Công ty Cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng đông ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai nhấn mạnh, rõ ràng, các đám cháy bao giờ cũng gây ra sự cố về môi trường ở một khu vực nhất định do khói bụi, những chất phát ra từ khu vực đám cháy, đặc biệt là những cơ sở sản xuất công nghiệp.

Do vậy, việc khắc phục sau hoả hoạn hết sức quan trọng. Đại biểu kiến nghị: phải bảo đảm sức khỏe cho người dân sinh sống trong khu vực xảy ra hỏa hoạn, triển khai y tế, bác sĩ, y tá trực 24/24 giờ tại khu vực xảy ra đám cháy; tổ chức khám sức khoẻ miễn phí theo yêu cầu của người dân sinh sống trong khu vực.

Tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng ngừa, nhằm giảm xuống mức thấp nhất các tác động đến sức khỏe và môi trường. Thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, giám định nhằm xác định mức độ ô nhiễm về đất, nước, không khí trong vùng bị ảnh hưởng.

Trên cơ sở kết quả thu thập được, đối chiếu với các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới và công khai, minh bạch thông tin với người dân, các cơ quan thông tin đại chúng. Kịp thời thực hiện các biện pháp tẩy độc vùng bị ảnh hưởng trong trường hợp cần thiết. Xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra cháy hoặc bồi thường, khắc phục thiệt hại không hiệu quả.

(tiếp tục cập nhật...)