Thiệt ít, lợi nhiều

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiếm tới hơn 60 - 70% lợi nhuận của tập đoàn, việc chia tay MobiFone - "đứa con cưng" là một khó khăn lớn mà lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.

“Vạn bất đắc dĩ” đối với VNPT

Chia sẻ tại toạ đàm "Tái cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam" do Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam vừa tổ chức, TS Mai Liêm Trực cho rằng, việc tách MobiFone là "vạn bất đắc dĩ", VNPT sẽ chịu nhiều thiệt thòi sau vụ chia tách này. Trong 1 -2 năm đầu, VNPT có thể gặp khó khăn nhưng không tới mức quá sốc về mặt tài chính, sau đó, hoạt động của những năm sau sẽ tốt hơn.

Theo ông Trần Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc VNPT, ý nguyện của Tập đoàn này là không quản lý cùng lúc hai mạng di động và đề xuất sáp nhập MobiFone và VinaPhone nhưng đã không được Thủ tướng chấp thuận. Sau nhiều lần nghiên cứu, cân nhắc tách VinaPhone hay MobiFone, phân tích các ưu điểm và nhược điểm cả về vấn đề tài chính, kinh tế, Tập đoàn đã thảo luận với Bộ TT&TT và cuối cùng đi đến thống nhất tách MobiFone.

 
MobiFone sẽ tách khỏi Tập đoàn VNPT trong thời gian tới. Ảnh: Việt Dũng
MobiFone sẽ tách khỏi Tập đoàn VNPT trong thời gian tới. Ảnh: Việt Dũng
Về phía MobiFone, ông Lê Ngọc Minh - Chủ tịch MobiFone kiêm Phó Tổng Giám đốc VNPT cho rằng, nếu tách khỏi Tập đoàn, MobiFone sẽ đứng trước nhiều cơ hội trở thành một doanh nghiệp độc lập và kinh doanh đa dịch vụ, không đơn thuần là thông tin di động như trước. "Hiện chúng tôi không thấy có vấn đề gì về mặt tổ chức, tài chính, quản trị… Chưa kể, năm 2013 nhà mạng này có được lợi nhuận hơn 6.000 tỷ đồng, trong khi thoái vốn chỉ khoảng 1.600 tỷ đồng nên khấu hao trong vốn còn khá nhiều" - ông Minh khẳng định.

“Cú hích” cho thị trường viễn thông

Giới chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin - viễn thông đều đánh giá, thị trường viễn thông Việt Nam trong những năm gần đây tuy đã có sự cạnh tranh nhưng khoảng 95% thị phần vẫn thuộc các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu, việc tham gia của các thành phần kinh tế khác còn hạn chế, đòi hỏi phải có những cuộc "đại phẫu" để phát triển. 

Việc tách MobiFone ra khỏi VNPT được ví như "cú hích" cho cả thị trường viễn thông. Đây được coi là phương án tái cơ cấu tối ưu đối với Tập đoàn này. Ông Phạm Hồng Hải - Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) lý giải, sở dĩ Bộ chọn phương án này là vì thứ nhất, MobiFone đang sở hữu một thương hiệu khá mạnh, hoạt động độc lập hơn so với VinaPhone trong Tập đoàn VNPT, khi tách ra sẽ giúp chủ trương cổ phần hóa của Chính phủ được thực hiện nhanh chóng hơn. Thứ hai, phương án tách MobiFone và một số giải pháp Tập đoàn kiến nghị vẫn đảm bảo VNPT có bức tranh tài chính lành mạnh, tiếp tục phát triển trong thời gian tới, còn MobiFone có nhiều điều kiện phát triển, hình thành một doanh nghiệp năng động hơn.

Phương án này cũng phù hợp với Quy hoạch Phát triển viễn thông Quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đó là xây dựng một thị trường viễn thông cạnh tranh, với những dịch vụ quan trọng như di động, cố định, internet phải có ít nhất 3 doanh nghiệp có thị phần tương đồng, phải xây dựng được các tập đoàn viễn thông mạnh làm cơ sở đầu tư ra nước ngoài. Việc tách, cổ phần hóa MobiFone được nhiều chuyên gia nhìn nhận sẽ tạo ra một cuộc chơi sòng phẳng trên thị trường viễn thông, vì chỉ có MobiFone mới đủ sức cạnh tranh với VNPT và Viettel.