Thiết kế cảnh quan các khu đô thị mới: Vẫn còn khoảng trống pháp lý

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tốc độ đô thị hóa của Hà Nội đang diễn ra mạnh mẽ, các tòa nhà cao tầng, khu đô thị mới mọc lên nhanh chóng góp phần thay đổi diện mạo đô thị Hà Nội. Tuy nhiên, trước sức ép của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, các giải pháp thiết kế kiến trúc cảnh quan đô thị cần được chú trọng quan tâm kịp thời nhằm bảo đảm môi trường sống an toàn, thoải mái cho người dân và tạo bản sắc cho đô thị.

Cảnh quan Khu đô thị Vinhomes Times City. Ảnh: Việt Linh
Chưa được quan tâm đúng mức
Với một Thủ đô hơn 8 triệu dân, đang hướng tới mục tiêu trở thành một đô thị xanh, văn hiến, hiện đại, việc đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân là vấn đề cấp thiết và đã trở thành chương trình trọng điểm của TP Hà Nội trong nhiều năm qua. Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong thông tin, để phát triển các dự án nhà ở mới vừa đáp ứng nhu cầu an cư vừa tạo lập môi trường sống có chất lượng, UBND TP đã ban hành Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội năm 2015 và các năm tiếp theo (giai đoạn 2016 - 2020). Trong đó, đề ra hàng loạt giải pháp cụ thể như chủ động rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư; áp dụng cơ chế thu hút đầu tư dự án khu đô thị đồng bộ hạ tầng... Riêng trong năm 2020, TP đã hoàn thành 5 dự án nhà ở xã hội, 89 dự án nhà ở thương mại, 5 dự án nhà ở tái định cư. Trong đó, có nhiều khu đô thị tập trung, như: FLC Garden City Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm), Vinhomes Ocean Park (huyện Gia Lâm), Eurowindow River Park (huyện Đông Anh)… không chỉ góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở, mà còn đem đến diện mạo kiến trúc đô thị mới, hiện đại.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng số lượng các khu đô thị mới phát triển nhanh chóng thời gian qua cũng đã bộc lộ không ít tồn tại. Trong đó, thiết kế kiến trúc cảnh quan khu đô thị chưa được quan tâm chú trọng. Một số khu đô thị lớn mặc dù đã có quan tâm đến thiết kế cảnh quan nhưng lại phụ thuộc hoàn toàn vào ý thích của chủ đầu tư. Chính vì điều này, những hình ảnh “lai căng” như tượng thần Hy Lạp, ngựa phi trên nóc cổng chào… đã xuất hiện ở các khu đô thị cao cấp. Đặc biệt, tại các khu đô thị phục vụ mục đích tái định cư, nhà ở xã hội, nhiều đồ án quy hoạch khu đô thị mới chỉ coi trọng việc tạo lập nhà ở, các yếu tố xã hội, tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho cư dân chưa được chú trọng, yếu tố cảnh quan thì hầu như chưa được tính đến.

Theo TS.KTS Nguyễn Tất Thắng - Viện Kiến trúc Quốc gia, do quy hoạch chưa hợp lý, các khu đô thị cho người thu nhập thấp mật độ xây dựng thường được đẩy lên cao tối đa, tình trạng thiếu cây xanh và không gian công cộng diễn ra phổ biến. Có thể thấy rõ điều này ở khu Trung Hòa - Nhân Chính, khu Xa La… Tiếp đến là khâu triển khai thực hiện quy hoạch, khá phổ biến là sự không tuân thủ quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt. Các vi phạm chủ yếu là điều chỉnh chức năng sử dụng đất, tăng mật độ xây dựng, lấn chiếm khoảng lưu không, tăng diện tích xây dựng nhà ở dẫn đến phá vỡ không gian, cảnh quan kiến trúc toàn khu như khu Linh Đàm là một điển hình. Những không gian xanh ít ỏi còn lại tại các khu đô thị này cũng không được tổ chức và chăm sóc một cách đúng đắn. Không quy hoạch thành một hệ thống các không gian xanh từ các bồn hoa, cây xanh đường phố, vườn hoa cho đến các công viên vừa và nhỏ, để phục vụ nhu cầu giao tiếp, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí cho người già, trẻ em và cư dân khu đô thị sau ngày làm việc. Trong các vườn hoa, cây xanh hiếm hoi của khu đô thị, những loại cây ngoại nhập như cau vua, chuối giẻ quạt, cỏ Nhật... được trồng tràn lan bỏ qua điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cũng như cảnh quan đô thị truyền thống. “Việc ra đời khu đô thị một cách tự phát có thể khiến bức tranh đô thị trở nên manh mún, đồng thời tạo sức ép không tốt đến các khu vực xung quanh, đặc biệt là hạ tầng bên ngoài đô thị và các khu dân cư kế cận” - TS.KTS Nguyễn Tất Thắng nhấn mạnh.

Cần có khung pháp lý

Không gian sinh sống giờ đây không chỉ đơn thuần là căn nhà với đầy đủ các tiện ích, nội thất tiện nghi bên trong, mà nó đòi hỏi những nhu cầu thường thức cảnh quan xung quanh bên ngoài. Nhất là cuộc sống của người dân đô thị hiện nay chịu nhiều áp lực, nhà không chỉ là nơi ở mà còn là không gian để thư giãn. Chị Nguyễn Thu Hương, cư dân Vinhomes Ocean Park (Trâu Quỳ, Gia Lâm) chia sẻ, sau gần 10 năm tích lũy, cuối năm 2020 gia đình chị đã quyết định chọn mua nhà tại dự án này. Không chỉ là nơi an cư, gia đình chị Hương được sinh sống ở môi trường đô thị hiện đại có nhiều tiện ích, khu vui chơi, giải trí cho người lớn và trẻ nhỏ vào mỗi dịp nghỉ mà không cần phải đi xa.

Theo các chuyên gia quy hoạch đô thị, thiết kế kiến trúc cảnh quan tại các khu đô thị mới hết sức quan trọng, không chỉ các chủ đầu tư mà nhà quản lý đô thị cần quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Vì không chỉ nhằm nâng cao chất lượng sống cho cư dân mà hơn thế nó còn có giá trị nâng cao thẩm mỹ cho người dân, tạo bản sắc văn hóa đô thị. Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng nêu, vấn đề hiện nay là Hà Nội phải xây dựng cho được các khu đô thị theo đúng quy định. Trong đó, mật độ xây dựng không được quá 40%, còn lại 60% quỹ đất phải dành cho đất cây xanh, không gian công cộng, hạ tầng giao thông phục vụ cư dân. Khi đã có quỹ đất dành cho không gian xanh, không gian công cộng thì cần nâng cao chất lượng của các không gian đó bằng thiết kế cảnh quan mang đậm bản sắc văn hóa Việt.

Thiết kế cảnh quan là nhu cầu lớn của xã hội hiện nay, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể về loại hình đồ án này, dẫn đến không có khung thống nhất về nội dung, quy trình cũng như đơn giá lập đồ án thiết kế cảnh quan. Đây có thể coi là khoảng trống pháp lý, dẫn đến tình trạng các khu đô thị như “trăm hoa đua nở” về cảnh sắc. Chính vì vậy, mới đây Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) đã đề xuất Bộ Xây dựng cần xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học về thiết kế cảnh quan làm tiền đề xây dựng các căn cứ pháp lý gồm thông tư hướng dẫn lập đồ án và quản lý thiết kế cảnh quan tại các khu đô thị mới.
TP Hà Nội vừa phê duyệt 6 quy hoạch phân khu nội đô lịch sử, trong đó có mục tiêu quan trọng là đến năm 2030 sẽ giãn khoảng 215.000 người dân ra khỏi 4 quận nội đô lịch sử là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Để thực hiện được mục tiêu này, Hà Nội cần phải xây dựng từ khu vực đường Vành đai 3 trở ra nhiều khu đô thị mới đồng bộ, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, với đầy đủ tiện nghi cho người dân. Đặc biệt, kiến trúc cảnh quan tại các khu đô thị này cần thiết kế với nhiều nét tương đồng với khu phố cổ, phố cũ tạo nét thân thuộc để người dân vẫn duy trì được lối sống, nếp văn hóa đặc trưng lâu đời "buôn có bạn bán có phường". Có như vậy mới thu hút được người dân từ khu vực lõi nội đô.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm
Đã đến lúc không chỉ nêu quy định dành không gian xanh, không gian công cộng trong khu đô thị một cách chung chung, mà chính quyền đô thị, cơ quan chức năng cần có hành động với kế hoạch cụ thể, biến không gian đó trở thành những công trình văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, góp phần không chỉ tạo điều kiện nghỉ ngơi, thư giãn cho người dân mà còn để nâng cao giá trị thẩm mỹ cho người dân, nâng cao giá trị văn hóa đô thị Việt.

Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần