Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiết kế kiến trúc bền vững thích ứng với đại dịch

Thùy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để đảm bảo giãn cách xã hội, phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, nhiều chức năng không gian kiến trúc tại đô thị như nhà ở, công viên, quảng trường, sân vận động… đã bị thay đổi. Điều này đã đặt ra thách thức trong phát triển kiến trúc đối với mỗi đô thị cần phải có dự báo hợp lý trong tương lai, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.

Thiết kế không gian thích ứng với đại dịch

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, bắt buộc phải sống giãn cách để ngăn chặn sự lây lan. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, những ngôi nhà ở bất đắc dĩ trở thành văn phòng, lớp học; không gian công cộng không còn là nơi tụ tập xã hội; sân vận động, hội trường bị trưng dụng cho công năng khác nằm ngoài mục đích xây dựng…

Mặc dù, ai cũng hiểu đây chỉ là những giải pháp ngắn hạn, nhằm ứng phó với đại dịch nhưng các chuyên gia đô thị cho rằng, đây cũng là cơ hội để giới kiến trúc sư và nhà thiết kế đô thị nhìn nhận để có những đổi mới. Phải tạo ra được những giải pháp kiến trúc phù hợp thích ứng với tình hình mới, khi xã hội bước sang một tương lai hậu Covid. Đó là các không gian đô thị cần được thiết kế để đáp ứng được những yêu cầu mới và sáng tạo, mang lại cảm giác gần gũi trong khi vẫn duy trì khoảng cách vật lý, để thể hoạt động bình thường và an toàn nếu tình huống dịch bệnh tương tự xảy ra.

GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông - Ủy viên Ban thường vụ Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, dịch bệnh khiến con người phải giãn cách và cách ly để an toàn. Đây cũng là thông điệp và xu hướng sắp tới của quy hoạch và kiến trúc. "Đã đến lúc quy hoạch và kiến trúc cần phải giãn cách và giữ mật độ xây dựng thấp để bảo đảm an toàn và tính linh hoạt, để có thể sống chung với các biến đổi của thiên nhiên, dịch bệnh. Không gian quy hoạch cần đa dạng, linh hoạt, góp phần hỗ trợ con người" - GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông nhìn nhận.

 Mô hình đạt giải Nhất cuộc thi Ý tưởng kiến trúc cho thời kỳ hậu Covid-19 của TP Seoul có tên ''The Invisible Mask'' (Mặt nạ vô hình) nhằm biến không gian công cộng trở nên xanh hơn và cá nhân hơn (Nguồn: Archdaily)

Sau đại dịch khiến cuộc sống của con người bị đảo lộn. Nhiều người bị giảm sút sức khỏe tâm thần do thời gian dài không có sự kết nối với bên ngoài. Vì lẽ đó, xu hướng sống xanh, sống gần gũi, chan hòa với thiên nhiên sẽ trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ của thời kỳ mới. Có thể thấy rõ, thời gian gần đây, các khu vực vùng ven Hà Nội xuất hiện nhiều dự án đô thị sinh thái, đô thị xanh đáp ứng cho nhu cầu “bỏ phố về quê” an cư và dường như hiện tại nó đã trở thành xu hướng được nhiều người lựa chọn.

Nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội, PGS.TS Phạm Hùng Cường cho rằng, hậu Covid-19 là cơ hội để phục hồi các giá trị truyền thống của làng quê, với tính bền vững tồn tại hàng trăm năm. Bên cạnh đó, thông qua đại dịch, một giá trị mới của các làng quê được bộc lộ đó là tính thích nghi với những vấn đề bất thường, nói theo thuật ngữ của kiến trúc là tính phục hồi, tính giảm thiểu, thích ứng rất tốt. Điều đó cũng là gợi ý cho những quy hoạch và kiến trúc phù hợp hơn trong tương lai, nhằm thích ứng với các xu hướng trở về với thiên nhiên, chăm sóc sức khỏe.

Đồng quan điểm, KTS Nguyễn Tuấn Nghĩa - Giám đốc điều hành của Nghia-Architect khẳng định: “Trong suốt quá trình tiến hoá, tồn tại và thích nghi của con người, thiên nhiên là thứ không thể tách rời. Những đô thị cổ đại, những lối sống bền vững đều gắn với thiên nhiên và cùng cộng sinh để phát triển. Con người hiện đại được tiến hoá cũng như những hình thái kiến trúc gắn với lối sống hiện nay đều còn rất ngắn ngủi so với sự tồn tại của tự nhiên. Do vậy, ngay cả khi không có những đại dịch như Covid-19, các không gian sống đủ tốt, bền vững và giúp con người có thể vượt qua những khoảng thời gian cô lập hay tự cách ly vẫn là những không gian nên gắn với thiên nhiên”.

Bền vững với kiến trúc xanh

Với điều kiện sống ở các khu căn hộ với mật độ dân cư cao, nhất là tại khu vực trung tâm Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh trong thời điểm đại dịch này, không gian sống tập trung tiềm ẩn nguy cơ lây lan và bùng phát dịch rất cao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, con người vẫn có thể kiểm soát và chuẩn bị cho các tình huống này khi có những tiêu chuẩn thiết kế áp dụng các tính năng bền vững của một công trình xanh. Chẳng hạn như tòa nhà tự cung cấp điện, nước, hệ thống lọc nước và không khí, có thể giúp bảo vệ an toàn cho cư dân và ngăn ngừa sự lây nhiễm virus.

Theo Viện trưởng Viện Kiến trúc nhiệt đới, PGS. TS Hoàng Mạnh Nguyên, trước những thách thức lớn của quá trình đô thị hoá và vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh như thời gian qua thì phát triển công trình xanh, hướng dẫn thúc đẩy hoạt động thiết kế xây dựng công trình và đô thị để có thể vận hành theo các tiêu chí xanh là một hoạt động cấp bách. Điều này góp phần sử dụng năng lượng và tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả trong lĩnh vực xây dựng, hạn chế tác động ô nhiễm tới môi trường để phát triển các đô thị một cách bền vững. Bên cạnh đó, do đại dịch Covid-19 bùng phát, 90% thời gian của người dân đều ở trong nhà, nhu cầu của người mua nhà cũng đang dần thay đổi, họ ưu tiên lựa chọn các công trình có không gian sống xanh mát, bảo vệ sức khỏe và tiết kiệm chi phí vận hành, duy trì.

Tuy nhiên, với các công trình nằm trong đô thị lõi Hà Nội hiện nay rất khó để thực hiện, vì là nơi tập trung với mật độ dân cư rất đông, hạ tầng luôn nằm trong tình trạng quá tải. Hơn nữa chi phí cho các dạng công trình xanh thường cũng sẽ tốn kém hơn và đôi khi xung đột với bài toán kinh tế của chủ đầu tư cũng như với người mua sử dụng. KTS Nguyễn Tuấn Nghĩa cho rằng, rất khó để tạo ra ngay các công trình hoàn hảo về các tiêu chí bền vững nhưng có thể từng bước tạo dựng ra các môi trường sống chất lượng và bền vững hơn từ chính việc thay đổi nhận thức của mỗi người khi bắt tay xây dựng.
 
Covid-19 bất ngờ xảy ra là dịp để giới kiến trúc sư nhìn nhận lại và đưa ra những giải pháp mang tính nhân văn hơn. Kiến trúc xanh bao hàm nhiều yếu tố như tiết kiệm năng lượng, nâng cao chất lượng cuộc sống,… Kiến trúc thích ứng với Covid-19 cũng là một phần trong đó. Trong thời gian tới, với tinh thần chủ động, giới kiến trúc sư sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào kiến trúc, đặc biệt là kiến trúc xanh, đưa ra các giải pháp kiến trúc ứng phó với không chỉ dịch bệnh Covid-19 mà còn các hiểm họa trong tương lai.
Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, TS. KTS Phan Đăng Sơn