Ngay sau Lễ đón chính thức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Yingluck Shinawatra. Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Yingluck đã nhấn mạnh, chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sau 20 năm kể từ chuyến thăm của Tổng Bí thư Đỗ Mười đã góp phần củng cố quan hệ đối tác chiến lược Thái Lan – Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Thái Lan, Thái Lan - Việt Nam với 5 trụ cột chính. Hai bên cam kết đẩy mạnh hợp tác kinh tế, gia tăng kim ngạch thương mại hai chiều mỗi năm lên 20% để đạt mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2020; thúc đẩy sớm ký và triển khai Thỏa thuận hợp tác về lao động. Theo đó, Thái Lan sẽ nhận lao động Việt Nam sang làm việc ở Thái Lan, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối giao thông theo trục hành lang Đông - Tây, trong đó có tuyến đường số 8 và số 12. Việt Nam cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Thái Lan, khuyến khích các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, hóa dầu, thăm dò và khai thác dầu khí.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đón Tổng bí thứ Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN
Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hai bên nhất trí cho rằng sau hơn 45 năm kể từ ngày thành lập, ASEAN không ngừng trưởng thành, có mức độ gắn kết và liên kết ngày càng tăng cả trong nội khối, và với các nước ngoài khu vực, thể hiện uy tín cao trong đời sống chính trị quốc tế. Tuy nhiên, ASEAN cũng đang đứng trước những khó khăn và thách thức không nhỏ. Việt Nam, Thái Lan và các nước thành viên ASEAN cần tiếp tục tăng cường đoàn kết và hợp tác, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực, xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN đoàn kết và vững mạnh vào năm 2015, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông; mong muốn các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố 6 điểm của ASEAN; nhất trí sớm xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), nhằm đảm bảo hòa bình an ninh và an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông.