Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiếu bộ tiêu chí, du lịch xanh khó phát triển

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Du lịch xanh bảo vệ môi trường là con đường phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên để làm được điều này đòi hỏi ngành du lịch phải xây dựng một bộ tiêu chí du lịch xanh áp dụng chung trên cả nước, qua đó doanh nghiệp phát triển mô hình này hiệu quả, lâu dài.

Tạo hệ sinh thái mới cho du lịch

Du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, phát huy các di sản thiên nhiên, văn hóa, phát triển những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho thấy, lượng du khách tham gia các hình thức du lịch nông thôn, sinh thái, du lịch xanh chiếm khoảng 10%, với doanh thu 30 tỷ USD/năm. Trung bình mỗi năm tỷ lệ khách đi du lịch nông thôn, du lịch xanh tăng 10 - 30%.

Khách du lịch tại Cồn Chim (tỉnh Trà Vinh). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch tại Cồn Chim (tỉnh Trà Vinh). Ảnh: Hoài Nam

Thời gian qua, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã khai thác loại hình du lịch này. Tại Hội An (tỉnh Quảng Nam), 20 doanh nghiệp liên kết thành một cộng đồng làm du lịch xanh, cùng nhau xử lý rác hữu cơ, làm đồ tái chế, loại bỏ đồ dùng một lần.

Đại diện Công ty Du lịch Hội An Kayak cho biết, từ năm 2017 ở Hội An xuất hiện tour du lịch chèo thuyền kayak du ngoạn kết hợp vớt rác trên sông Hoài với chi phí 10 USD/khách. Nhiều du khách trong nước, quốc tế ban đầu vì tò mò mà tham gia, sau đó thực sự hào hứng, từ đó dần thu hút đông đảo người dân địa phương cùng tham gia vớt rác với du khách.

Không chỉ Hội An, một số địa phương trên cả nước đã đưa ra định hướng phát triển du lịch xanh, qua đó thu hút du khách sẵn sàng chi tiền cho các trải nghiệm xanh.

Tại Quảng Ninh, các tàu du lịch trên vịnh Hạ Long chủ động ứng dụng công nghệ tiên tiến, như kỹ thuật dầu nước phân ly để lọc nước thải trước khi đưa ra môi trường, không đổ rác thải trực tiếp ra vịnh, sử dụng chai nước thủy tinh, ống hút giấy, ly giấy…

Không chịu thua kém Hà Nội cũng đang bắt đầu triển khai loại hình du lịch này. Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) Đinh Thị Ngân chia sẻ, sau khi Hạ Mỗ được UBND TP Hà Nội công nhận là Điểm du lịch vào tháng 4/2021, công tác giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp càng được đẩy mạnh. Các điểm di tích như chùa Hải Giác, đình Vạn Xuân, đền Văn Hiến... được trồng thêm nhiều cây xanh.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Thị Hương Giang cho biết, ở khu vực nội thành, nhiều năm nay, các điểm du lịch, khách sạn cũng tạo dấu ấn với du khách bởi mô hình du lịch xanh, không khói thuốc lá.

“Từ năm 2019, Hà Nội triển khai mô hình du lịch không khói thuốc ở 30 điểm du lịch, di tích lịch sử văn hóa quận Hoàn Kiếm, đã tạo được dấu ấn về một Hà Nội xanh - sạch - đẹp - thân thiện và văn minh” - bà Đặng Thị Hương Giang nêu ví dụ.

Vẫn còn nhiều việc phải làm

Theo các chuyên gia du lịch, mặc dù du lịch xanh đang được nhiều địa phương triển khai, song việc duy trì và phát triển vẫn gặp không ít khó khăn bởi thiếu bộ tiêu chí. Để khắc phục những bất cập này Việt Nam cần xây dựng một bộ tiêu chí du lịch xanh áp dụng chung trên cả nước.

Khách du lịch trải nghiệm du lịch xanh tại huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch trải nghiệm du lịch xanh tại huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long). Ảnh: Hoài Nam

Về vấn đề này, Trưởng ban Thư ký, Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) Hoàng Nhân Chính cho rằng, Việt Nam nên có một bộ tiêu chí du lịch xanh chung trên toàn quốc nhưng phải dễ hiểu, dễ dàng thực hiện để cơ quan quản lý, người dân, doanh nghiệp hành động theo những cam kết đã đưa ra.

Ngoài ra, cần có cơ quan đánh giá chuyên môn cao, độc lập, uy tín và đảm bảo sự minh bạch để đánh giá, giám sát, báo cáo kết quả, thực hiện bộ tiêu chí du lịch xanh ở từng địa phương.

Cùng chung nhận định này, giảng viên Khoa Du lịch (Đại học Mở Hà Nội) Lê Quỳnh Chi đề xuất, cần ban hành các văn bản pháp quy cụ thể và hướng dẫn triển khai thực hiện phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh ở cả cấp Trung ương và địa phương. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch xanh cho tất cả thành phần tham gia.

 

Người dân tại các khu, điểm du lịch cần được đào tạo thường xuyên các kỹ năng đón tiếp khách, cách làm du lịch cộng đồng, xây dựng sản phẩm trải nghiệm thân thiện, gần gũi thiên nhiên, dịch vụ lưu trú đủ tiêu chuẩn.

Trưởng khoa Du lịch - Trường Đại học KHXH&NV - PGS.TS Phạm Hồng Long

Tương tự, góp ý vào việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá phát triển du lịch xanh, Trưởng phòng OCOP (Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương) TS Đào Đức Huấn nhấn mạnh đến vai trò tham gia của cộng đồng người dân bản địa và các tiêu chí về hạ tầng. Ngoài ra các địa phương khi phát triển loại hình này cần xây dựng hệ thống nhà vệ sinh, môi trường bảo đảm cho du khách…

“Muốn phát triển du lịch xanh, du lịch nông thôn cần có giao thông thuận tiện, môi trường bảo đảm, các cơ sở dịch vụ hạ tầng tốt, quản lý rác thải tốt, nguồn nhân lực bảo đảm có đủ năng lực phục vụ khách…” - ông Đào Đức Huấn nêu rõ.

Khách du lịch trải nghiệm du lịch xanh tại làng hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch trải nghiệm du lịch xanh tại làng hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Hoài Nam

Du lịch xanh đang tạo nên những điểm nhấn tại các khu du lịch của Hà Nội. Để tạo được sự đột phá trong việc xây dựng sản phẩm du lịch xanh cho Thủ đô, Trưởng khoa Du lịch - Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) PGS.TS Phạm Hồng Long cho rằng, các địa phương cần nhân rộng những mô hình với sản phẩm chuyên biệt, như có thể tạo những con đường với loại cây, hoa đặc trưng nhằm thu hút du khách đến tham quan, chụp ảnh.

Ý kiến của các chuyên gia du lịch cho thấy, khi các sản phẩm du lịch đạt được những tiêu chí xanh và trách nhiệm môi trường sẽ được du khách chào đón. Nhưng để làm được điều này đòi hỏi ngành du lịch đưa ra được bộ tiêu chí qua đó doanh nghiệp, người dân có được định hướng phát triển đúng đắn.