Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiếu cả tiêu chí lẫn tiêu chuẩn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ trước đến nay, các trường từ phổ thông đến đại học (ĐH) cứ lấy giáo trình ngoại ngữ nước ngoài vào dạy cho học sinh (HS), mà không qua công đoạn điều chỉnh.

Điều này dẫn đến chất lượng giảng dạy ngoại ngữ thấp vì không phù hợp với HS và sinh viên Việt Nam.

Không có giáo trình nước ngoài phù hợp

Đề án chương trình và sách giáo khoa phổ thông được Quốc hội thông qua thống nhất một chương trình nhiều sách giáo khoa. Ủng hộ chủ trương này, song PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng - nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH Hà Nội cho rằng, nhiều giáo trình Tiếng Anh không có nghĩa tràn lan, khiến các sở GD&ĐT và các trường lúng túng. “Không phải sở nào, trường nào cũng có chuyên gia tiếng Anh có thể đánh giá được giáo trình Tiếng Anh. Cho nên, theo ý của chúng tôi chỉ nên có 1, 2 hoặc 3 giáo trình. Bộ nên có đánh giá các giáo trình đó trước rồi đưa ra cho các sở chọn” - PGS Hùng đề nghị.
Học sinh lớp 12 trường THPT Mê Linh trong giờ học tiếng Anh. 	Ảnh: Phạm Hùng
Học sinh lớp 12 trường THPT Mê Linh trong giờ học tiếng Anh. Ảnh: Phạm Hùng
Vậy nhưng để đánh giá được giáo trình tiếng Anh, Bộ phải có trong tay bộ tiêu chí đánh giá giáo trình. Mà theo nhận định của nhiều chuyên gia, không có giáo trình của nước ngoài nào đáp ứng hoàn toàn yêu cầu của Bộ GD&ĐT, bởi họ không viết giáo trình cho người Việt. Và không có giáo trình nào đáp ứng được việc giảng dạy tiếng Anh ở các vùng miền khác nhau của Việt Nam. Ví dụ giáo trình này có thể thích hợp với HS ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhưng lại quá khó đối với HS Lào Cai, Yên Bái hay các tỉnh vùng sâu xa khác. Bởi thế, Bộ phải đánh giá giáo trình đó đáp ứng được bao nhiêu phần trăm của Việt Nam (nếu đáp ứng được 50 - 60 hay 70% có thể chấp nhận), sau đó bổ sung những thiếu hụt so với yêu cầu. Một vấn đề quan trọng khác là văn hóa. Mục tiêu cuối cùng mà Bộ GD&ĐT đề ra trong chương trình giáo dục là HS học xong tiếng Anh phải có khả năng sử dụng ngôn ngữ này để giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam. Đó là nội dung không giáo trình nào đáp ứng được, đòi hỏi phải bổ sung kiến thức cũng như bài tập về Việt Nam.

Theo PGS Hùng, chúng ta có thể bổ sung thiếu hụt này bằng 2 cách, thứ nhất là thêm một số bài viết về Việt Nam, thứ hai là cho một số bài tập so sánh. Chẳng hạn, trong giáo trình có các bài giới thiệu những trò chơi của trẻ em nước Anh, Mỹ..., chúng ta có thể cho thêm bài tập yêu cầu viết trẻ Việt thường chơi những trò truyền thống gì.

Ba phương án chọn giáo trình

Để có giáo trình Tiếng Anh phù hợp với HS Việt Nam, hiện nay người ta đưa ra 3 phương án chọn lựa. Phương án 1 là chọn giáo trình của nước ngoài đáp ứng khoảng 60 - 70% yêu cầu giáo trình Việt Nam rồi bổ sung những yêu cầu còn thiếu. Phương án 2, người Việt Nam viết một giáo trình dạy tiếng Anh, sau đó đưa chuyên gia nước ngoài đọc sửa. Phương án 3 là nhóm tác giả người Việt và người bản ngữ cùng nhau viết giáo trình cho Việt Nam.

Trước 3 phương án này, PGS Hùng cho rằng: “Theo tôi phương án 3 là ưu việt nhất, bởi người Anh, Mỹ nắm rất vững ngôn ngữ của họ. Và trong đầu của họ luôn thường trực yếu tố đặc thù ngôn ngữ ấy. Khi chuyên gia người Việt và người Anh cùng phối hợp viết giáo trình thì tạo ra tác phẩm hoàn chỉnh”. Phương án 1 thì chỉ là hình thức cộng tác, phương án 2 không nên làm bởi để người Việt viết hoàn toàn sẽ dễ sai về ngữ pháp, hồn ngôn ngữ không có, nếu người nước ngoài sửa cũng chỉ ở mức độ nào đó.

Khi cải thiện về giáo trình sẽ tạo điều kiện cho người thầy tăng chất lượng giảng dạy. Hiện nay, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh đã lựa chọn phương án 3 là sử dụng chuyên gia tiếng Anh người Việt và chuyên gia người Anh biên soạn giáo trình tiếng Anh bậc tiểu học mang tên I-learn Phonics (lớp 1, 2) và Smart Start (lớp 3, 4, 5) đang được triển khai ở một số tỉnh đã góp phần cải thiện chất lượng trong việc dạy và học tiếng Anh ở bậc tiểu học.