Nhiều cây xăng găm hàng, đóng cửa

Thiếu chế tài đủ sức răn đe

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp các thông tin cảnh báo từ Bộ Công Thương, các cuộc kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường (QLTT), nhiều cây xăng vẫn găm hàng, đóng cửa.

Tình trạng này kéo dài nhiều ngày qua gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân. Phải chăng mức xử phạt trong lĩnh vực xăng dầu còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe hay trách nhiệm của nhà quản lý vẫn nửa vời?
1.001 lý do cây xăng đóng cửa
Thông tin từ Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương), từ ngày 28/1-21/2, qua 16.000 lượt kiểm tra, giám sát, QLTT 63 tỉnh thành cho thấy, hàng trăm cửa hàng xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động. Tình trạng trên chủ yếu xảy ra ở các tỉnh miền Nam với 29 cửa hàng ngưng hoạt động do hết xăng, 215 cửa hàng ngưng hoạt động với nhiều nguyên nhân khác nhau. Đơn cử như tại TP Hồ Chí Minh, trong số 548 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, có 5 cửa hàng đang tạm ngưng hoạt động, 22 cửa hàng thiếu xăng Ron 95 để bán, nhưng vẫn mở cửa hoạt động kinh doanh bình thường và đang chờ nhập xăng để tiếp tục kinh doanh.

Cửa hàng xăng dầu trên đường Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
Cửa hàng xăng dầu trên đường Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng

Lý giải về nguyên nhân đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, chủ yếu không có đủ nguồn cung xăng dầu từ các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối nên nhiều cửa hàng không còn xăng dầu để bán; nhu cầu hàng hóa tại nhiều nơi trong cùng một địa điểm tăng nên hệ thống xe chuyên chở không kịp phục vụ. Đáng nói, nhiều cửa hàng tiến hành sửa chữa hoặc giải thể không có thông báo với cơ quan quản lý nhà nước; không có đủ nhân lực để kinh doanh tại các cửa hàng do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 khiến chủ cửa hàng, nhân viên bán hàng nhiễm bệnh; tạm ngưng hoạt động để sửa chữa, sang nhượng cửa hàng; tạm ngưng hoạt động do thiếu vốn, không đủ vốn để đặt hàng, nhập hàng…
Tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, lực lượng QLTT đã quyết liệt kiểm tra hàng loạt các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn và xử phạt, tước giấy phép nhiều trường hợp vi phạm. Cụ thể: Cục QLTT Vĩnh Long xử phạt 1 cửa hàng hết xăng mà không thông báo đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định; Cục QLTT Sóc Trăng xử phạt và tước giấp phép kinh doanh 1 cửa hàng vi phạm về kinh doanh xăng dầu; Cục QLTT Quảng Bình xử phạt 15 triệu đồng đối với 1 cửa hàng xăng dầu có hành vi vi phạm ngừng bán hàng khi không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Cũng theo Tổng cục QLTT, ngay sau kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 21/2, lực lượng QLTT tiếp tục theo dõi, giám sát, kiểm tra đột xuất nơi có dấu hiệu vi phạm hoặc theo phản ánh qua đường dây nóng của Tổng cục và nắm bắt tình hình chung trên thị trường. Đồng thời, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung cũng như kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép theo quy định.
Khan nguồn, găm hàng vì đâu?
Hiện nay, Việt Nam đã tự chủ hơn về nguồn cung xăng dầu. Nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Nghi Sơn bảo đảm sản xuất, tiêu thụ trong nước khoảng 70%, còn 30% nhập khẩu nước ngoài. Tuy nhiên, cả nhà máy Bình Sơn, Nghi Sơn vẫn phải nhập dầu thô từ nước ngoài về chế biến. Điều đáng nói là theo quy định, thương nhân phân phối phải dự trữ nguồn cung 20 ngày, nhưng lo rủi ro về giá xuống, chi phí tài chính, không ít cơ sở chỉ "bán sang tay" để kiếm lời. Khi nguồn cung khan hiếm, các DN đầu mối chỉ bảo đảm được hàng cho hệ thống của mình. Kéo theo, các thương nhân phân phối thiếu hàng để bán cho các cửa hàng, đại lý của mình. Chưa kể, họ cũng đang lỗ, nên cắt giảm chiết khấu cho cửa hàng về 0, thậm chí âm. Kết quả là các cửa hàng xăng dầu bán lẻ lại thêm lỗ và không muốn bán.
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cho rằng, có sự không đồng đều về nguồn cung giữa các DN đầu mối. Khan hiếm nguồn, găm hàng xảy ra phần lớn trong mạng lưới của DN đầu mối nhỏ, thương nhân phân phối. Do đó, cơ quan quản lý cần làm rõ đứt nguồn hàng ở đâu, khan chỗ nào và cần xử lý mạnh tay với trường hợp này. Mặt khác, hiện hệ thống thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu, các tổng đại lý, đại lý phát triển mạnh. Việc có quá nhiều trung gian khiến quản lý điều hành gặp khó.
Về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên Học Viện Tài chính nêu quan điểm, việc tổ chức quản lý điều hành cũng như quản lý mạng lưới phân phối xăng dầu trong thời gian qua đã bộc lộ những vấn đề bất cập cần phải xem xét lại. Số lượng DN được cấp phép để tham gia thị trường ngày càng nhiều, về nguyên lý giúp thúc đẩy thị trường cạnh tranh lành mạnh hơn. Tuy nhiên, khi có nhiều DN tham gia nhưng nếu quản lý thiếu tính chặt chẽ thì chỉ làm cho thị trường rối loạn, kém hiệu quả và thiếu minh bạch.
Cũng theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, phục vụ đời sống và sản xuất kinh doanh, gắn với Nhà nước quản lý thì cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm để vận hành, kiểm soát, quản lý mạng lưới này được hiệu quả, từ đầu mối, phân phối đến các tổng đại lý, đại lý và cửa hàng bán lẻ. DN tham gia thị trường xăng dầu phải đáp ứng yêu cầu gồm: Năng lực tài chính, hệ thống kho bãi, bồn chứa, vận chuyển, cửa hàng, đại lý, đảm bảo nhu cầu dự trữ đầu mối là 20 ngày, yêu cầu phân phối là 5 ngày. Ngoài ra, các yêu cầu khác như thẩm định, phê duyệt, cấp phép đến hoạt động hậu kiểm sau đó đều phải chặt chẽ, đúng quy định.
Hiến kế “trị bệnh” cho thị trường xăng dầu
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký quyết định thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành với các DN đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu. Theo đó, đoàn thanh tra sẽ làm rõ vấn đề về giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu; hợp đồng phân phối xăng dầu của thương nhân với tổng đại lý, đại lý bán lẻ, thương nhân nhận quyền bán lẻ..., kể cả việc mua xăng dầu với các đối tác trong và ngoài nước, hợp đồng mua xăng dầu từ các nhà máy sản xuất xăng dầu, các thương nhân đầu mối trong nước.
Nhận định về vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế đồng quan điểm, cùng với việc tăng cường thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu, xử phạt nặng các trường hợp vi phạm, Chính phủ cần nghiên cứu đến giải pháp cần có quỹ xăng dầu lớn. Mục đích là để trong trường hợp đặc biệt có thể xả quỹ dự trữ, đáp ứng trong thời gian nguồn cung trong nước thiếu hụt. Nguồn dự trữ này có thể đáp ứng tiêu dùng ít nhất từ 3 - 6 tháng, thậm chí là 1 năm, từ đó mới có thể đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai vững chắc.
Riêng đối với điều hành giá xăng dầu, cần để giá mặt hàng này tiệm cận thế giới, tránh gây khó hay quá thiệt thòi cho DN. Khi giá xăng dầu thế giới đang ở mức cao, Chính phủ đã yêu cầu sử dụng Quỹ bình ổn, giữ mức tăng giá thấp hơn mức tăng thế giới để hỗ trợ DN phục hồi, phát triển. Tuy nhiên, việc sử dụng Quỹ bình ổn cũng chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn để chống sốc, chứ không thể kéo dài. Khi Quỹ bình ổn có hạn, thì phải tính toán đến các phương án điều hành linh hoạt hơn. Đặc biệt, trong trường hợp diễn biến giá quá cao và phức tạp, trên 100 USD/thùng, cơ quan quản lý phải sử dụng các công cụ khác như thuế, phí.

Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ cho phép Liên Bộ Công Thương - Tài chính được linh hoạt điều hành giá xăng dầu trong nước để tiệm cận giá thế giới. Trong điều kiện nguồn cung ở thời điểm nào đó gặp khó khăn thì cho phép được sử dụng Quỹ dự trữ xăng dầu quốc gia khi cần thiết. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét nâng mức dự trữ xăng dầu bằng hiện vật thay vì tiền mặt." - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

"Bộ Công Thương cần bảo đảm nguồn cung bằng cách nâng công suất nhà máy trong nước lên. Khi giá thế giới đang lên mà cung trong nước lại giảm là bất cập. Còn Bộ Tài chính cũng cần tính toán, có kiến nghị, giải pháp về việc giảm thuế nhập khẩu để DN giảm chi phí, hạ nhiệt giá cả. Hai bộ cần phối hợp linh hoạt trong vấn đề này." - GS.TS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội