Thiếu chế tài, hàng “Made in Vietnam” bị... đánh tráo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vài năm trở lại đây, các cửa hàng "Made in Vietnam" đã trở nên quen thuộc với nhiều người tiêu dùng.

Tuy nhiên, với việc nở rộ cửa hàng treo biển "Made in Vietnam" mà không có những quy định giám sát, yêu cầu về quy chuẩn cụ thể đang khiến người tiêu dùng hoa mắt, chóng mặt vì mẫu mã cũng như giá cả bán tại những cửa hàng này.

Chị Thu Hoa - nhân viên một công ty máy tính cho hay, 2 năm trở lại đây, chị đã chọn mua các sản phẩm thời trang "Made in Vietnam" cho gia đình. Do kiểu dáng đẹp, giá cả phù hợp, chất liệu tốt và an toàn nên các sản phẩm này luôn được chị tin dùng. Ngoài các cửa hàng treo biển hoành tráng, còn xuất hiện nhiều điểm bán hàng trên mạng với quảng cáo rất kêu như hàng "Made in Vietnam xịn 100%, bán với giá gốc", kèm theo địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Khách hàng có thể vào xem hàng tại website hay đến tận nơi.

Với chất lượng tốt, giá thành phải chăng và kiểu dáng đa dạng, các sản phẩm dệt may "Made in Vietnam" ngày càng được nhiều người dân ưa chuộng. Tuy nhiên, lợi dụng sự tin tưởng của người tiêu dùng với các mặt hàng thương hiệu "Made in Vietnam", đang có không ít cửa hàng trà trộn hàng nhái, hàng kém chất lượng (hàng gia công trong nước, hoặc hàng kém chất lượng của Trung Quốc...) để tăng giá bán và thu hút khách hàng.

Chị Thanh Thảo, một chủ shop bán hàng online khá nổi cho biết: Hàng xuất khẩu "xịn" thường hiếm và không đủ mẫu, nếu các chủ cửa hàng "phù phép" các sản phẩm của Trung Quốc hay "copy" những mẫu mã của các thương hiệu rồi gia công lại, sau đó gắn mác "xịn" lên những sản phẩm này, rồi treo biển "Made in Vietnam" thì người tiêu dùng khó phát hiện được.

Chị Thùy Dung, chủ một cơ sở sản xuất ở Cổ Nhuế cho biết, không cần sang Trung Quốc cũng có thể dễ dàng tìm thấy tem, nhãn mác ngay tại phố Hàng Bồ - khu phố chuyên bán phụ kiện may mặc trên địa bàn Hà Nội. Mác quần áo của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới được ưa chuộng tại Việt Nam đều có tại đây. Chỉ với giá 50.000 đồng khách hàng đã có thể mua một tập nhãn mác khoảng 100 chiếc. "Có rất nhiều loại để lựa chọn, nhãn mác nào cũng có kể cả Made in Vietnam" - chị Dung nói.

Chị Hoàng Lan, ở Khâm Thiên cho biết, mấy hôm trước chị đến một cửa hàng "Việt Nam xuất khẩu" trên phố Kim Ngưu và mua một chiếc áo dạ được người bán giới thiệu là hàng "Việt Nam xuất châu Âu". Tuy nhiên, khi về đến nhà, kiểm tra kỹ thì thấy mác áo nhỏ bên cạnh sườn áo lại in "Made in China".

Không chỉ nhập nhèm về chất lượng, mẫu mã, nhãn hiệu, mà giá cả của các sản phẩm này mỗi nơi mỗi khác. "Cuối tuần trước tôi có mua một chiếc áo phông hiệu Zara ở một cửa hàng "Made in Việt Vietnam" trên phố Đinh Liệt với giá 220.000 đồng. Vậy mà ngay hôm sau, tôi đã nhìn thấy một chiếc áo y hệt từ kiểu dáng đến chất lượng mà mình đã mua cũng được bày bán trong một cửa hàng "Made in Vietnam" khác với giá 150.000 đồng - chị Minh Hạnh ở Hoàng Cầu bức xúc.

Lập lờ giá cả, tráo đổi hàng, gắn nhãn hàng của những thương hiệu lớn cho hàng kém chất lượng… Những hiện tượng này nếu không có sự kiểm tra, xử lý kịp thời sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của hàng may mặc “Made in Vietnam”. Để chấn chỉnh kiểu làm ăn nhập nhèm này, bên cạnh trách nhiệm vào cuộc kiểm tra, xử lý của các cơ quan quản lý cũng cần có sự vào cuộc tích cực của DN dệt may trong nước trong chiến lược phát triển thị trường nội địa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần