Do đó, để trở thành hình mẫu lý tưởng của cả nước về phát triển nông nghiệp gắn với đô thị hóa nông thôn thì vẫn còn nhiều việc phải làm.
Những điểm nghẽn cần được tháo gỡ
Chia sẻ với những khó khăn của ngành nông nghiệp Hà Nội, PGS.TS Đặng Văn Đông - Viện Nghiên cứu rau quả cho hay, thời điểm hiện tại, nông nghiệp, nông thôn Hà Nội đang chịu áp lực lớn từ quá trình đô thị hóa. Tốc độ đô thị hóa nhanh, việc quy hoạch, xây dựng các khu dân cư, khu công nghiệp tập trung và công trình hạ tầng kinh tế - xã hội đang trong quá trình xây dựng dẫn đến một số diện tích đất nông nghiệp bị chia cắt, nhiều tuyến kênh mương, thủy lợi nội đồng bị ách tắc không phục vụ được tưới, tiêu...
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không ít nông dân bỏ ruộng, không sản xuất. Mặt khác, đất công ích sau dồn điền, đổi thửa thường là những diện tích canh tác không hiệu quả nên khó thực hiện việc cho thuê khoán.
Trăn trở về nguồn lao động phục vụ sản xuất nông nghiệp, PGS.TS Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam nhận định, sự chuyển dịch mạnh mẽ lực lượng lao động trẻ từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, xây dựng, dịch vụ đã tác động trực tiếp đến lực lượng lao động sản xuất. Trong đó, phải kể đến tình trạng “già hóa”, thiếu lao động vào thời vụ sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa có sức cạnh tranh cao. Sản xuất chủ yếu mang tính nông hộ manh mún, tự phát; tích tụ ruộng đất gặp nhiều khó khăn; chi phí sản xuất tăng cao…
Đặc biệt, những năm gần đây, biến đổi khí hậu khiến thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi có xu hướng diễn biến phức tạp, nông dân phải đối mặt nhiều thách thức, rủi ro, trong khi giá trị từ sản xuất nông nghiệp thấp hơn so với các lĩnh vực kinh tế khác nên nông dân không mặn mà với sản xuất nông nghiệp.
Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế về cơ giới hóa nông nghiệp của Hà Nội, TS Lê Thành Ý - Hội Khoa học phát triển nông nghiệp Việt Nam cho rằng, tỷ lệ nông sản được chế biến sâu, chế biến tinh còn thấp; công nghệ bảo quản sau thu hoạch chưa đáp ứng được nhu cầu nâng cao năng lực sản xuất và xử lý tình huống mùa vụ.
Bên cạnh đó, việc sử dụng các phế phẩm, phụ phẩm chưa được quan tâm đúng mức; công nghiệp hỗ trợ để hoàn thiện sản phẩm chậm phát triển… Đặc biệt, một điểm nghẽn nữa là TP chưa có nhiều cơ chế chính sách mang tính đột phá, khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến.
Phát huy thế mạnh đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội
Để hóa giải những khó khăn, thách thức, biến những lợi thế, tiềm năng trở thành động lực phát triển nông nghiệp Thủ đô, Hà Nội xác định sản xuất nông nghiệp là nền tảng nhưng sẽ lồng ghép các hoạt động kinh tế khác.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, TP phát triển các vùng nông nghiệp chuyên canh gắn với việc xây dựng thương hiệu, phát triển du lịch nhằm nâng giá trị sản xuất. TP cũng sẽ lựa chọn đầu tư bài bản cho các mô hình nông nghiệp theo hướng chuyên sâu, phù hợp với khả năng tích tụ đất đai của địa phương.
Hiện, TP khuyến khích nông dân khai thác thế mạnh từ nông nghiệp để phát triển du lịch cộng đồng hướng tới hai mục tiêu: Khu vực nông thôn sẽ là không gian thư giãn cuối tuần của người nội đô và là những miền quê đáng sống của chính cư dân sở tại.
Hà Nội cũng đang từng bước hình thành những vùng cây giống chất lượng cao (cây ăn quả, hoa cây cảnh, cây đô thị...) đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị xanh của Thủ đô và các tỉnh, thành lân cận. Các vùng sản xuất nông nghiệp được đầu tư về công nghệ và tài chính sẽ trở thành những trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái phát triển vững chắc.
Chẳng hạn như: Gia Lâm hình thành khu nhà vườn công nghệ cao, nơi cung ứng giống cây trồng cho cả khu vực; Mê Linh sẽ trở thành thủ phủ của hoa, cây cảnh; Sóc Sơn, Ba Vì, Thường Tín... là miền đất của nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm cao cấp.
Đề cập về giải pháp căn cơ, lâu dài, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa, nông nghiệp Thủ đô cần phát huy nguồn lực trí tuệ, khoa học công nghệ và tài chính xây dựng các mô hình theo hướng liên kết, nâng cao giá trị. Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy hoạch, lấy ý kiến tham vấn đề xuất các cơ quan chức năng điều chỉnh, sửa đổi Luật Thủ đô, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp
. “Lãnh đạo TP luôn trăn trở làm sao để nông nghiệp Thủ đô phát huy được thế mạnh đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội, có những bứt phá mới và trở thành điển hình của cả nước về khoa học, công nghệ, chất lượng sinh thái” - Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Hà Nội đã phát triển được các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, trong đó có 22 vùng sản xuất rau an toàn, 25 vùng sản xuất lúa chất lượng cao, 14 vùng sản xuất cây ăn quả, 10 vùng sản xuất hoa, cây cảnh, 5 vùng sản xuất chè; 76 xã chăn nuôi trọng điểm, 20 vùng nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường.